Nắng nóng gay gắt nhiều nơi trên thế giới, hóa ra nguyên nhân là do hành vi này của con người

Thời tiết nóng lạnh thất thường cứ ngỡ là do tạo hóa ban cho, nhưng thật ra hành động của con người đã góp phần không nhỏ làm cho mùa hè trở nên nóng gay gắt như hiện nay.

Mặc dù chỉ mới bước vào đầu mùa hè, tức là chưa tới cao điểm của mùa nóng nhưng người dân thế giới đã cảm nhận được rõ rệt cái nóng gay gắt, thậm chí cực kỳ gay gắt ở các khu vực trên thế giới, mà điển hình phải kể đến là Đông Nam Á và phía Tây châu Phi.

Tình trạng nắng nóng gay gắt diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới

Tại Việt Nam, áp thấp nóng hoạt động mạnh hơn khiến miền Nam chịu đựng nắng nóng kéo dài suốt 4 tháng liên tiếp từ tháng 1/2024 tới nay. Trong khi đó, nhiệt độ ở miền Bắc cũng có những nơi chạm ngưỡng cao nhất trong lịch sử kể từ đầu mùa tới nay. Theo cơ quan khí tượng thủy văn, nhiệt độ phổ biến những ngày vừa qua ở Việt Nam rơi vào khoảng 37 - 39 độ C, có nơi 40 độ C nhưng nhiệt độ ngoài trời có những nơi phải lên tới 43 - 45 độ C theo cảm nhận.

Một thanh niên Bangladesh giải nhiệt đầu hè tại vòi nước công cộng.

Không chỉ tại Việt Nam mà gần như khắp châu Á đang phải hứng chịu cơn áp suất thấp gần đây. Nó bắt nguồn từ khu vực Afghanistan và Pakistan, sau đó lan sang Ấn Độ, Myanmar, Philippines và giờ là khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và phía Nam Trung Quốc.

Cuối tháng 4/2024 vừa qua, chính quyền Thái Lan đã bắt buộc phải đưa ra cảnh báo an toàn với người dân về đợt nắng nóng gay gắt tại nước này. Tháng 4 luôn là thời điểm nóng nhất trong năm tại Thái Lan, nhưng năm 2024, nhiệt độ của tháng 4 vẫn nóng hơn hẳn so với mọi năm. Trong tuần cuối tháng 4 vừa qua, nhiệt độ kỷ lục 44,2 độ C đã được ghi nhận tại tỉnh Lampang, phía Bắc Thái Lan.

Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người đã không còn xa lạ với những đợt nắng nóng oi ả vào tháng 5, tháng 6 của mùa hè. Thế nhưng, trong những năm gần đây, đợt nắng nóng mùa hè đến sớm hơn so với dự kiến và còn kéo dài, tạo nên cơn khủng hoảng khí hậu kinh hoàng với người dân. Trong tháng 4 vừa qua, miền Nam và Đông Ấn Độ đã trải qua đợt nóng lịch sử tính từ năm 1973 tới nay. Nhiệt độ trung bình được ghi nhận là 37,2 độ C nhưng có những nơi lên tới 43 - 44 độ C, thậm chí hơn 47,2 độ C. Đây là mức cao đỉnh điểm trong 10 năm trở lại đây.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024, tại phía Tây châu Phi và ranh giới Sahel, nơi tiếp giáp giữa sa mạc Sahara và ven biển Tây Phi, nhiệt độ chạm mức trên 45 độ C, thấp nhất cũng luôn ở mức 32 độ C. Các quốc gia phải chịu đựng đợt nắng nóng gay gắt bao gồm Senegal, Guinea, Mali, Burkina, Faso, Niger, Nigeria và Chad. Ngày 3/4, nhiệt độ tại thành phố Kayes, Mali được ghi nhận chạm mức 48,5 độ C, một con số thực sự kinh hoàng.

Ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài

Ảnh hưởng trước tiên của nắng nóng gay gắt đối với con người chính là gây hại tới sức khỏe. Trời nắng ở mức nhiệt 40 độ C thường xuyên sẽ khiến con người gặp các triệu chứng về nhiệt như sốc nhiệt, cháy nắng, ngất xỉu... trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt. Khi tiếp xúc với nắng nóng trong thời gian dài, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, gây rối loạn các chức năng cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh, nặng có thể gây hôn mê hoặc tử vong. Những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ em, người bệnh... sẽ là nhóm đối tượng dễ bị sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài như hiện nay.

Những người phải lao động ngoài trời cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nắng nóng gay gắt.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe, nắng nóng gay gắt còn làm ảnh hưởng tới học tập của học sinh, sinh viên khắp nơi trên toàn cầu. Nhiều trường học công lập ở Philippines đã phải đóng cửa cho học sinh học trực tuyến tại nhà, vì phần lớn trường học tại nước này không có điều hòa. Trong cái nóng gay gắt, cả giáo viên và học sinh đều rất khó tập trung cho giảng dạy và tiếp thu. Tại Bangladesh, Ấn Độ, nhiều trường học cũng bắt buộc phải đóng cửa trong những ngày nắng nóng.

Nắng nóng gay gắt còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Nếu không thực sự cần thiết, người dân sẽ không ra khỏi nhà, mua bán giao thương bị ngưng trệ, thu nhập của người dân giảm đáng kể. Tại các nhà máy ở Ấn Độ, nắng nóng gay gắt đã làm giảm lượng công nhận tới 30%, dây chuyền sản xuất từ đó cũng bị đình trệ. Đây sẽ là nguy cơ tác động trực tiếp đến nền kinh tế, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp... của các quốc gia bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân của nắng nóng gay gắt hiện nay

Mùa hè vốn là thời điểm nóng nhất trong năm nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, lượng khí phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch chính là nguyên nhân gốc rễ góp phần làm nhiệt độ toàn cầu nóng lên. Đây là lượng khí nhà kính sản sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên... để lấy nhiệt năng lượng phục vụ cho đời sống và sản xuất.

Thêm vào đó, hiện tượng khí hậu El Nino cũng đóng góp một phần làm nhiệt độ trái đất tăng lên khoảng nửa độ C. Nhưng đây là hiện tượng tự nhiên và xảy ra theo chu kỳ trung bình từ 2 - 7 năm một lần, mỗi lần thường kéo dài từ 9 - 12 tháng. Khi xảy ra hiện tượng El Nino, nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên bất thường. Nhiệt độ bốc lên từ bề mặt đại dương góp phần vào nhiệt độ của khí quyển và làm Trái đất nóng lên.

Đốt nhiên liệu hóa thạch làm Trái đất nóng lên

Theo: Tổng hợp

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nang-nong-gay-gat-nhieu-noi-tren-the-gioi-hoa-ra-nguyen-nhan-la-do-hanh-vi-nay-cua-con-nguoi-87553.html