Walter Isaacson: Tôi viết không phục vụ tỷ phú, tôi phục vụ độc giả

Dù viết tiểu sử về các vĩ nhân, tỷ phú hàng đầu, Walter Isaacson khẳng định khi viết sách, trách nhiệm ông đặt ra cho mình là phục vụ độc giả, chứ không phải các nhân vật.

Chân dung Walter Isaacson. Ảnh: CNN.

Walter Isaacson được xem là tác giả viết tiểu sử hàng đầu hiện nay. Sự nghiệp đồ sộ của ông bao gồm tiểu sử các chính trị gia như Benjamin Franklin, nhà khoa học như Einstein, đến tỷ phú công nghệ như Elon Musk, Steve Jobs hay nghệ sĩ như Leonardo da Vinci. Hầu hết tác phẩm tiểu sử của ông đã được xuất bản và giới thiệu đến độc giả Việt Nam.

Ông chia sẻ với Tri thức - Znews về nghệ thuật viết tiểu sử của mình.

- Ông thường được khen ngợi vì tài nghệ miêu tả những khía cạnh nhân văn, "con người" của các nhân vật bằng cách đan quyện chuyện đời với thành tựu và sự nghiệp của họ. Làm thế nào ông có thể giữ một khoảng cách "chuẩn" với các nhân vật để tác phẩm vừa khách quan song cũng lại gần gũi?

- Mỗi câu viết ra, tôi đều khắc ghi trong tâm trí mình trách nhiệm với độc giả. Tôi luôn nỗ lực phải thành thật và miêu tả mọi thứ đúng như tôi nhìn nhận, bất kể điều ấy có làm hài lòng nhân vật của tôi hay không. Mục tiêu duy nhất của tôi là phục vụ độc giả.

Tôi luôn nỗ lực phải thành thật và miêu tả mọi thứ đúng như tôi nhìn nhận, bất kể điều ấy có làm hài lòng nhân vật của tôi hay không.

Tác giả Walter Isaacson

- Khi viết tiểu sử các nhân vật như Jennifer Doudna, Albert Einstein hay Leonardo da Vinci, đâu là cách ông tích hợp, sử dụng những chi tiết chuyên sâu về nghệ thuật hay khoa học?

- Tôi luôn nghĩ rằng khoa học là lĩnh vực tuyệt đẹp. Khi viết về một nhà khoa học thì việc diễn đạt khoa học minh xác rất quan trọng. Vậy nên tôi cố gắng tìm hiểu sâu về ngành khoa học ấy rồi trong khả năng của mình, diễn đạt để mọi người hiểu được.

- Một số cuốn sách của ông bao gồm "Tiểu sử Steve Jobs" và "Tiểu sử Elon Musk" trở thành tác phẩm bán chạy và đạt thành công thương mại toàn cầu, song lại nhận ý kiến trái chiều từ gia đình và người thân của nhân vật. Ông nghĩ sao về điều này?

- Mục tiêu của tôi là phục vụ độc giả và kể câu chuyện chân xác. Không phải để phục vụ cho nhân vật! Vậy nên tôi nghĩ mình đã hoàn thành nhiệm vụ viết nên cuốn sách công tâm, thấu triệt và chân thật.

- Ông nghĩ điểm khác biệt then chốt giữa tiểu sử và các thể loại phi hư cấu khác như hồi ký, sách khoa học thường thức… là gì? Vì sao xuất bản lại cần đến những tác phẩm tiểu sử?

- Sách tiểu sử kể lại lịch sử các thời đại qua những con người làm nên lịch sử ấy. Điều này khiến lịch sử trở nên gần gũi với chúng ta. Ta có thể thấy một cá nhân đã tạo nên khác biệt gì.

Một số sách của Walter Isaacson.

- Trong các tác phẩm tiểu sử đã chấp bút, cuốn sách nào là trải nghiệm ông thích thú nhất?

- Tôi yêu cái đẹp, nghệ thuật, khoa học và tính tò mò khám phá ở Leonardo da Vinci.

- Ông có thường xuyên (hoặc từng) đọc sách tiểu sử từ các tác giả nước ngoài, nhất là tác giả của những ngôn ngữ không thông dụng? Ông tìm thấy điểm gì thú vị ở các sáng tác đó? Có nhân vật Việt Nam nào ông chú ý và nghĩ sẽ là chủ đề thú vị cho một cuốn sách tiểu sử hay không?

- Lịch sử Việt Nam có những nhân vật thú vị, quyền lực, đặc sắc và sáng tạo. Tôi mong chờ được đọc tiểu sử của một nhân vật như vậy.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/walter-isaacson-toi-viet-khong-phuc-vu-ty-phu-toi-phuc-vu-doc-gia-post1461821.html