Vượt qua nỗi sợ về cái chết

Lằn ranh về sống chết là một thứ rất mong manh. Đừng nghĩ ngợi quá nhiều về cái chết, bởi đôi khi đó lại là khởi đầu cho một hành trình mới.

Đừng sợ hãi về cái chết, hãy tận hưởng cuộc sống với thái độ tích cực. Ảnh: NLĐ.

[...]

Khi trưởng thành, việc già đi nhắc chúng ta nhớ về sự mất mát; do đó, nó buộc chúng ta nhìn vào khoảng trống này, thứ đã bị mở ra vào thời thơ ấu. Giải phóng mình khỏi cái chết là mục tiêu của mọi tôn giáo: “Ôi cái chết, ngòi của ngươi ở đâu? Ôi nấm mồ, chiến thắng của ngươi ở đâu?”.

Thánh Paul đã hỏi như vậy trong bức thư gửi cho các tín hữu ở Corinth. Sau đó, ông đưa ra câu trả lời: “Ngòi của cái chết là tội lỗi”, ý chỉ sai lầm hoặc sự sa ngã. Nói cách khác, cái chết là kết quả của việc con người tách rời khỏi cái Thánh thần, cái không biết đến cái chết. Ngụ ý ở đây là sự bất tử mới là đời sống thực của chúng ta.

Thế con chim, con mèo hay con chó mà chết khi chúng ta còn nhỏ thì sao? Chúng diệt vong mà không hề có những niềm tin tôn giáo như vậy. Tuy nhiên, nói một con vật nào đó chết chỉ là nói theo quan điểm của con người. Hãy nhìn cái cây ngoài cửa sổ kia. Nó sống hay chết? Nó vừa sống lại vừa chết.

Những chiếc lá già là chết, hạt giống mà cái cây này từ đó mọc lên cũng vậy. Gỗ bên trong thân cây là chết, ngoại trừ lớp cambium mỏng chưa đến 1,5 mm có chức năng nuôi lá với thành phần chủ yếu là những sợi cenlulose sự sống. Khi lá đổi màu vào mùa thu, xác của chúng rơi xuống đất nhưng trước đó thì chúng vẫn là một phần của cái cây sống.

Ngoài ra, thức ăn, không khí và nước lưu chuyển khắp cái cây không có nhiều sự sống hơn so với khi chúng bị nhốt trong những hòn đá hay những giọt mưa; mảnh đất nuôi cái cây đó chỉ là đá cùng những hợp chất từ những cái cây trước bị phân hủy.

Thứ mà chúng ta gọi là một cái cây sống chỉ là một tổ hợp của sống và chết, bất kỳ sự phân biệt nào giữa sống và chết chủ yếu nằm trong đầu chúng ta. Bất cứ động vật hay thực vật nào cũng chỉ là một giai đoạn trong chu trình liên tục, lặp đi lặp lại đến vô tận của các nguyên tố.

Toàn bộ chu trình này là sự sống, và việc đi theo chu trình này là cuộc sống. Việc chúng ta cố gắng đóng băng chu trình, khiến nó bất động, và nói rằng: “Bây giờ cái cây này sống, bây giờ cái cây này chết” thể hiện nguyên tắc hoạt động của tâm trí chúng ta. Sợ sự phân hủy và tan rã, chúng ta gọi nó là cái chết trong khi trên thực tế, nó chỉ là sự đổi thay.

Giống như cái cây, con thú cưng cũng chỉ là một giai đoạn của sự sống. Lúc trước, con thú cưng là một quả trứng, trước đó là một tế bào được thụ tinh, còn trước đó nữa là hạt mà mẹ nó ăn và mẹ nó đã biến những hạt đó thành quả trứng để ấp.

Sau khi con thú cưng chết, nó sẽ phân hủy, các nguyên tố của nó sẽ nuôi dưỡng cây cối, và cây cối sẽ cho ra hạt để nuôi những con chim khác. Bao nhiêu phần trong cái vòng tròn vô tận này, nếu có, là cái chết, và bao nhiêu chỉ là góc nhìn của chúng ta, bao gồm cả chính chúng ta?

Bạn có thể nghĩ rằng cái chết là một sự kiện kinh khủng đang chờ đợi bạn trong tương lai, trong khi thực ra các bộ phận của cơ thể bạn đều đang chết đi mỗi giây. Niêm mạc dạ dày của bạn chết đi một phần mỗi lần bạn tiêu hóa thức ăn, chỉ để được thay thế bằng tế bào mới. Điều này cũng đúng với da, tóc, móng chân, tế bào máu, cũng như mọi mô khác.

Bạn có thể mặc định rằng cái chết là kẻ thù của bạn, nhưng tất cả những tế bào này chết đi để giữ cho bạn sống. Nếu niêm mạc dạ dày không chết và được thay thế hết lần này đến lần khác thì sau một vài tiếng, dịch vị sẽ làm thủng một lỗ trên thành dạ dày và rồi tất cả sẽ chết.

Càng nhìn kỹ thì bạn sẽ càng thấy lằn ranh giữa cái gì là sống và cái gì là chết rất mờ. Có những phần trên cơ thể bạn có sức sống nhiều hơn hẳn những phần khác. Cơ bắp trao đổi chất nhanh hơn mỡ; tế bào não, tim và gan hiếm khi phân chia kể từ khi sinh ra, trong khi tế bào dạ dày, da và máu tự thay thế mình trong khoảng thời gian tính bằng ngày, tuần và tháng.

Một thực tế kỳ lạ của giải phẫu người là nếu bằng một cách nào đó, chúng ta có thể loại bỏ tất cả các tế bào trong cơ thể thì phần còn lại sẽ vẫn trông rất giống một con người. Các bộ phận tạo nên cấu trúc của chúng ta giống một rạn san hô đứng thẳng với thành phần là xương đã được khoáng hóa, cộng thêm dây chằng, gân, mô liên kết và nước, còn toàn bộ các tế bào của chúng ta được nhét bên trong, như cách mà các polip được nhét vào trong rạn san hô bị vôi hóa mà chúng giúp che đậy.

Giống như rạn san hô mang cả đại dương bên trong mình, chúng ta có 2/3 là nước muối. Nhưng những bộ phận chết này của chúng ta tự do trao đổi nguyên tử của chúng bên trong môi trường: Nếu bị tổn thương, chúng chữa lành; nếu bị đặt áp lực lên, chúng từ từ thay hình đổi dạng để giải tỏa căng thẳng. Vậy thì bao nhiêu phần của cơ thể là sống và bao nhiêu là chết?

[...]

Deepak Chopra/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/vuot-qua-noi-so-ve-cai-chet-post1457534.html