Vượt khó vươn lên, không để khuyết tật là cản trở

Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI, năm 2024 đã tôn vinh nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình là người khuyết tật vượt khó vươn lên, trở thành những người có ích cho cộng đồng, có đóng góp cho xã hội.

Đại biểu khiếm thị Bùi Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) vượt qua nghịch cảnh, sử dụng thành thạo 14 nhạc cụ, đoạt nhiều giải thưởng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Người nghệ sỹ khiếm thị đa tài

Sinh ra trong một gia đình nghèo có bố mẹ đều là người khiếm thị, cậu bé Bùi Ngọc Thịnh cũng bị khiếm thị từ khi lọt lòng. Không nhìn thấy ánh sáng, Ngọc Thịnh phải đối mặt với vô vàn khó khăn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cũng như trong học tập. Mặc dù vậy, để bản thân không thua kém bạn đồng trang lứa, Thịnh luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng để có thể theo học cả chương trình văn hóa lẫn môn năng khiếu mà Thịnh đam mê nhất, đó là âm nhạc.

Bùi Ngọc Thịnh chia sẻ, từ khi còn rất nhỏ, anh đã yêu thích âm nhạc và muốn trở thành một người nghệ sỹ. Ba tuổi, cậu bắt đầu tiếp cận với trống, miệt mài luyện tập để có thể chơi được những bản nhạc đơn giản. Đến năm bảy tuổi, Ngọc Thịnh làm quen với đàn guitar phím lõm, cậu chăm chỉ tập luyện hàng ngày để có thể chơi được những bản nhạc khó hơn.

Ngày qua ngày, Ngọc Thịnh tiếp tục tập chơi thêm rất nhiều loại nhạc cụ khác để tăng thêm kiến thức về âm nhạc cho bản thân. Đến nay, Thịnh đã có thể chơi thành thạo 14 loại nhạc cụ gồm: Trống, guitar phím lõm, sến, tranh, cò, organ, kìm, piano, mandolin, bầu, tiêu, guitar, guitar bass và hồ.

Để có thể vừa hoàn thành tốt chương trình học ở trường, vừa tiếp tục tập luyện các loại nhạc cụ, thỏa mãn đam mê, Bùi Ngọc Thịnh đã phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. “Tuy vô cùng vất vả và khó khăn, nhưng tôi luôn cảm thấy hứng thú, vì sau những buổi học tập căng thẳng, tôi lại có thể tự tạo cho mình những giây phút thư giãn thông qua âm thanh của những tiếng đàn, tiếng trống. Với tôi, khi lướt tay trên những phím đàn, là lúc tôi cảm thấy cuộc sống xung quanh tươi đẹp nhất”, Bùi Ngọc Thịnh chia sẻ.

Bên cạnh việc học các loại nhạc cụ, Thịnh còn tích cực tham gia biểu diễn tại các chương trình văn nghệ của thị xã, tỉnh, Trung ương và đạt được nhiều huy chương, bằng khen từ cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương trao tặng. Năm 2011, Bùi Ngọc Thịnh đoạt Huy chương Vàng cho tiết mục độc tấu đàn guitar phím lõm tại Liên hoan Tiếng hát từ Trái tim tỉnh Khánh Hòa; Huy chương Vàng độc tấu guitar phím lõm và Huy chương Vàng đơn ca – với ca khúc “Đứa bé” tại Liên hoan Tiếng hát từ Trái tim toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Năm 2016, Bùi Ngọc Thịnh nhận được Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu ca khúc "Lên ngàn" tại Liên hoan Tiếng hát từ Trái tim toàn quốc.

Năm 2011, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập Bùi Ngọc Thịnh là người Việt Nam đầu tiên chơi được thành thạo nhiều loại nhạc cụ nhất. Năm 2012, tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập Bùi Ngọc Thịnh là người chơi được nhiều nhạc cụ xuất sắc nhất châu Á.

Chàng trai khiếm thị Bùi Ngọc Thịnh chia sẻ cảm thấy thật vinh dự và tự hào khi nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở trong nước và quốc tế. Đây chính là động lực thúc đẩy anh cố gắng nhiều hơn nữa, để không phụ lòng những người đã yêu quý, tin tưởng mình.

Ngoài việc tích cực tham gia các cuộc thi về âm nhạc, Bùi Ngọc Thịnh còn sử dụng khả năng đàn, hát của mình để cống hiến cho xã hội. Hiện tại, Bùi Ngọc Thịnh đã mở một phòng thu và nhận hòa âm phối khí cho rất nhiều ca sỹ - nghệ sỹ trong và ngoài nước.

Với mong muốn truyền đạt những gì bản thân đã được học cho những người đồng cảnh ngộ, Bùi Ngọc Thịnh đã cùng với Ban chấp hành Hội người mù thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) tích cực vận động quyên góp được 150 triệu đồng, mở ba khóa học đàn organ cho các hội viên, bản thân anh tự mình đứng lớp, làm giáo viên giảng dạy, giúp cho nhiều người khiếm thị có cơ hội được tiếp cận với âm nhạc. Qua các khóa học này, một số người khiếm thị nhận ra thế mạnh về âm nhạc của mình, đã tìm được công việc liên quan đến lĩnh vực này để nuôi sống bản thân.

Bùi Ngọc Thịnh chia sẻ, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là đối với những người khiếm thị. Nhưng anh vẫn luôn tự nhủ, dù khó khăn đến đâu, dù vất vả thế nào đi chăng nữa thì anh cũng không bao giờ được bỏ cuộc. Nhờ quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Bùi Ngọc Thịnh đã vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu vươn lên để có được những thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Các đại biểu người khuyết tật tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Không lùi bước trước khó khăn

Bị tai nạn lao động mất đi 2/3 chân phải, anh Nguyễn Bá Tâm, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, nhiều năm liền trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.

Anh Nguyễn Bá Tâm kể, năm 2007, trong lúc đang làm việc tại Công ty Than Mạo Khê – TKV, anh không may bị xe goong nghiền mất 2/3 chân phải. Tai nạn ập đến, vợ anh bỏ đi, để lại cho anh đứa con nhỏ 5 tuổi. Hai năm sau, hai người anh trai của anh Tâm bị bệnh và qua đời, còn lại một mình anh với bố mẹ già hay ốm đau và người con nhỏ. Khi đó, sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn, cuộc sống của anh lâm vào bế tắc.

Không chấp nhận lùi bước trước khó khăn, anh Nguyễn Bá Tâm đã tìm cách vươn lên để thoát nghèo. Tận dụng lợi thế gia đình có truyền thống chăn nuôi lâu năm, anh Tâm quyết định xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với tiêu chí sản xuất hàng nông sản chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý.

Năm 2008, anh Nguyễn Bá Tâm khởi nghiệp bằng việc nuôi 20 đôi chim bồ câu và gần 100 con gà, ngỗng. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, công việc của anh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh không hề nản chí, quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần mô hình chăn nuôi của anh đi vào ổn định, kiếm được lợi nhuận. Từ năm 2012 cho đến nay, anh đã phát triển cơ sở chăn nuôi thành Trang trại gia cầm - thủy cầm Quyết Tâm. Những năm qua, lợi nhuận thu được hàng năm của gia đình anh đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015 anh thu lợi nhuận 500 triệu đồng, đến năm 2020 anh đã thu lợi trên 1 tỷ đồng.

Hiện nay, mô hình trang trại của anh đang ngày càng phát triển hơn, tạo việc làm cho trên 15 nhân công lao động và trong đó có 7 nhân công lao động là người khuyết tật. Tất cả các lao động ở trang trại đều thường xuyên được tập huấn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất để nâng cao tay nghề. Bản thân anh Tâm cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn…

Anh Nguyễn Bá Tâm chia sẻ, anh luôn không ngừng tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, sau đó vận dụng sáng tạo vào mô hình của mình. Anh đã sáng tạo ra sản phẩm máng cho ăn thông minh của gia cầm. Sản phẩm đã đạt Giải Khuyến khích trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI năm 2017.

Với những nỗ lực vượt khó, anh Nguyễn Bá Tâm đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Trong đó có 3 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (giai đoạn 2011 - 2014, giai đoạn 2015 - 2017 và giai đoạn 2017 - 2020); Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020…

Năm 2020, anh vinh dự được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích là nông dân tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/vuot-kho-vuon-len-khong-de-khuyet-tat-la-can-tro-20240411141502498.htm