Vướng, nghẽn chừng nào, người bệnh lãnh đủ chừng ấy

Cách đây gần chục năm, 'cửa sổ tâm hồn' của tôi bỗng trở chứng. Đi khám, rồi chữa chạy theo chỉ định của bác sĩ. Chữa dài dài hơn nửa thập kỷ, tháng nào cũng tái khám theo hẹn, cũng điểm, cũng chích thuốc theo chỉ định. Bệnh có dừng, không tiến triển theo chiều hướng xấu. Rất mừng!Nhưng rồi một hôm, sáng ngủ dậy bỗng thấy có triệu chứng bất thường....

Lo dẹp hết công việc, lật đật đến gặp bác sĩ và được chỉ định nhập viện, chờ mổ. Hoảng quá, phải gọi nhờ tư vấn. Một người thân là bác sĩ mắt có thương hiệu đang công tác tại Hà Nội khuyên tôi thu xếp ra ngoài ấy để kiểm tra lại. Có bệnh thì việc gì cũng phải gác đã, tôi quyết định lên đường đi Hà Nội.

Sức khỏe đôi mắt là vấn đề hệ trọng (Ảnh minh họa)

Đến Hà Nội, tôi tới thẳng Bệnh viện Mắt trung ương (BVMTƯ). Sau khi có kết quả chiếu chụp, làm các loại xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ ở đây hội chẩn, rồi cho làm Laser quang đông. Rẹt rẹt trong 1 buổi chiều, rồi xuất viện. Ba tháng sau tái khám lần nữa, rồi thôi, bảo khi nào thấy có gì bất thường thì đến, không thì yên tâm. Về lại cố đô, lòng phơi phới nhẹ nhàng. Thoát được cái cảnh tháng nào cũng một phen vào viện, nộp hồ sơ, khám, tiêm đến là khổ ải.

Bẵng đi khoảng 2 năm, cảm giác mắt mũi nhìn không được trong trẻo lắm, tết nhất mà này thì mất sướng, nhớ lời bác sĩ dặn lúc trước, tôi quyết định ra lại Hà Nội để nhờ tái khám. Có Bảo hiểm y tế (BHYT) nên tôi xin cái giấy chuyển viện lận lưng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia khi cần.

Cũng như lần trước, bác sỹ thăm khám vui vẻ, tận tình. Tuy nhiên, có một số khâu lại phức tạp phiền toái hơn rất nhiều. Như cần chụp cái hình đáy mắt góc rộng, phải chạy sang Bệnh viện Lão khoa Trung ương để làm. Tốn kém chưa nói, nhưng mắt khi ấy đã được nhỏ thuốc giãn, đồng tử mở tối đa không co được nên rất lóa khi ra ngoài, may có người nhà tháp tùng chứ không thì chẳng biết xoay xở thế nào. Đến khi có chỉ định cho bắn Laser để xử lí thêm một số vị trí bị rò ở mạch máu võng mạc, lại phải đi ra làm ngoài ở một bệnh viện tư, không chấp nhận BHYT cho nên cái giấy chuyển viện xin chỉ “cho vui” chứ không có ý nghĩa gì cả.

Cần nói rõ ở đây là không phải các bác sĩ của BVMTƯ muốn gây khó khăn hoặc nghèo trang thiết bị, mà xui xẻo cho tôi là những thiết bị cần cho việc thăm khám đối với bệnh của tôi ở đây đang bị hỏng hóc. Bệnh viện đang xin mua nhưng chưa được bởi vướng đấu giá, một thứ vướng tương tự nhiều cơ sở khám chữa bệnh khác trên cả nước. Do vậy, người bệnh đành ráng đỡ!

Một ca kiểm tra đáy mắt tại Trung tâm Mắt Bệnh viện TƯ Huế (Ảnh minh họa)

Đến chỗ chờ làm Laser, hóa ra không chỉ có mỗi mình tôi mà còn rất đông người bệnh đang chờ. Những người đang sống tại Hà Nội còn đỡ, những bệnh nhân ở xa, mỗi lần đến Hà Nội mỗi lần khó, cho nên, cho dù cuộc sống không khấm khá gì, cho dù có tốn kém đi nữa cũng cố mà làm, vì lành bệnh mới là quan trọng, và cũng vì để nhỡ “có gì” xui xẻo cũng vẫn đang Hà Nội, chạy ngay đến bác sĩ mà cậy.

Trong lúc ngồi chờ đến phiên, vì đồng cảnh ngộ nên các bệnh nhân và người nhà làm quen rất nhanh và cũng rất nhanh mặn chuyện. Trong câu chuyện, vướng mắc đấu giá được bàn tán rộn ràng nhất. Cũng đúng thôi, vì nó đang sát sườn, đang “hành” chính họ mà. “Chuyện vướng mắc này nghe cũng đã lâu lâu, đã đưa lên mổ xẻ tại nghị trường Quốc hội từ 2 năm trước. Chẳng hiểu vướng gì mà đến bây giờ nó vẫn… còn vướng?” - Một bệnh nhân đàn ông đến từ Thái Bình buông một câu thõng thượt khiến người nghe vừa buồn cười vừa não ruột.

Hàn Yên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/vuong-nghen-chung-nao-nguoi-benh-lanh-du-chung-ay-136525.html