Vườn ươm những hạt giống đỏ

Trường không có kế hoạch chiêu sinh, tiếp nhận học sinh hoàn toàn bị động. Cán bộ, bộ đội và học sinh từ các nơi về có lúc tập trung đôi ba chục người, có lúc vài người; về thời điểm đầu năm học, có khi giữa năm hoặc cuối năm học. Trình độ văn hóa có người chưa biết chữ, có người đã học lớp 1, 2, nhiều anh, chị em nói tiếng phổ thông chưa sõi... Nhưng vượt lên những thử thách đó, Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đã đào tạo ra hàng trăm hạt giống đỏ, là UV BCH T.Ư Đảng, UV BTV Quốc hội, Trung tướng công an… và đông đảo hơn cả là lực lượng lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ, Nam Trung Bộ.

Cựu học sinh nhà trường tại tỉnh Đăk Lăk chia sẻ kỷ niệm những năm tháng học tập tại Trường Cán bộ dân tộc miền Nam.

Với đặc thù của trường, để có chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả, được sự giúp đỡ của các Ty Giáo dục: Hòa Bình, Hà Nam, Cao Bằng, trường đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối, phương châm giáo dục của Đảng, luôn nghiên cứu khâu tổ chức, giảng dạy sao cho phù hợp. Nội dung chương trình học tập được biên soạn sát với đối tượng học sinh, giáo viên phải sản xuất ra nhiều đồ dùng giảng dạy, làm giáo cụ trực quan và giành nhiều thời gian tăng cường phụ đạo cho học sinh ngoài giờ lên lớp.

Từ năm 1959 - 1975, trường đã có 563 học sinh, cán bộ được cử đi học các ngành trung cấp chuyên môn; 380 người đi công tác "B", 450 người đi công tác thực tế vừa làm vừa học ở các tỉnh kết nghĩa. Đặc biệt, cán bộ, học viên các dân tộc có trình độ văn hóa cấp I, cấp II được chuyển về Nam công tác sau ngày miền Nam giải phóng là 460 người.

Theo danh sách thống kê chưa đầy đủ của Ban liên lạc cựu học sinh Trường cán bộ dân tộc miền Nam, nhiều gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc có từ 1 - 5 người con trưởng thành từ mái trường này giữ cương vị chủ chốt ở các sở, ban, ngành của tỉnh và Trung ương. Tiêu biểu như gia đình ông K So Ný có 3 người con là: Ksor Nhan, Ksor Nham, Ksor Phước giữ cương vị chủ chốt từ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai cho đến Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Gia đình ông A Ma Khê, nguyên Phó Giám đốc Trường Cán bộ dân tộc miền Nam có 6 người con thì có 4 người con học tập tại trường đã trưởng thành, trong đó có 1 người là Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, 1 người là Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy, 2 người là Phó Chủ tịch UBND tỉnh của tỉnh Đăk Lăk…

Trò chuyện với chúng tôi, bà Mai Hoa Niê Kdăm, nguyên TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết: Trong những năm tháng học tập, sinh sống tại Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, nhiều anh, chị em học viên dân tộc thiểu số miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau đã được rèn luyện, trưởng thành, trở những "hạt giống đỏ” cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ và tái thiết đất nước từ sau ngày giải phóng miền Nam tới nay. Từ không biết chữ, chưa nói rõ tiếng phổ thông, họ được giáo dục và trở thành những con người có lòng yêu nước, trung thành với sự nghiệp cách mạng, có kiến thức văn hóa, nhận thức chính trị. Nhiều người trong số đó đã giữ các cương vị chủ chốt của tỉnh, các sở, ban, ngành các tỉnh miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và có sự đóng góp ý nghĩa trong phát triển KT - XH mỗi địa phương.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/135643/vuon-uom-nhung-hat-giong-do.htm