Vua Lê Thánh Tông củng cố quốc phòng

Quân đội dưới thời Vua Lê Thánh Tông hùng mạnh, triều đình nắm độc quyền tổ chức lực lượng vũ trang, gần với cách tổ chức hiện đại ngày nay. Đại Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông có sức mạnh đáng kể trong vùng Đông Nam Á, trong nước yên ấm, bờ cõi mở mang. Vua Lê Thánh Tông đã thực hiện được chí khí: Một phân núi, một tấc sông của cha ông cũng không thể mất!

Bậc minh quân trong lịch sử dân tộc Lê Thánh Tông là cháu nội của Lê Lợi, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) và mất ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1497). Ông tên thật là Lê Tư Thành, còn có tên khác là Lê Hạo. Ông là một trong những bậc minh quân, là nhân vật lớn, toàn năng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời gian 38 năm trị vì ông đã tiếp tục tôn vinh đạo học, đẩy lên cao tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”; hoàn chỉnh, ban hành Luật Hồng Đức (một bộ luật đầu tiên của Việt Nam, vào loại sớm trong lịch sử luật pháp thế giới). Vua Lê Thánh Tông cũng là người chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm lại thơ văn, tư liệu về Nguyễn Trãi, ông làm thơ ca ngợi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, cấp cho con cháu Nguyễn Trãi 100 mẫu ruộng để thờ cúng tổ tiên. Vua Lê Thánh Tông mở mang bờ cõi mạnh mẽ, lừng lẫy, theo Trần Trọng Kim trong “Việt Nam sử lược” thì lịch sử nước ta chưa bao giờ được cường thịnh như vậy. "Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững" Vua Lê Thánh Tông thường thân chinh đi tuần ở các vùng biên ải xa xôi, thường xuyên tiếp xúc với quần chúng nhân dân chứ không chỉ ngồi trong cung nghe báo cáo tô vẽ. Đối với việc phòng thủ, ông nói: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại”. Mùa xuân năm 1468, khi đi tuần vùng Đông Bắc, xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, hoàng đế-nhà thơ Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên đá trải lòng mình với thiên nhiên, với dân tộc. Bài thơ gồm 56 chữ Hán và 48 chữ đề tựa, nay đã mờ và phân hóa, nhưng nội dung vẫn còn trong các thư tịch cổ làm chỗ dựa cho các nhà nghiên cứu. “Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững. Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn”. Đó là ý kết của bài thơ. Núi Truyền Đăng khắc bài thơ đó của nhà vua về sau có tên “núi Bài Thơ” thuộc TP Hạ Long (Quảng Ninh) ngày nay. 261 năm sau, năm 1729, chúa An Đô Vương Trịnh Cương, khi đem quân đi tuần qua đây đã có bài thơ rất hay, họa lại thơ của tiền nhân. Sau khi ca ngợi cảnh đẹp, Trịnh Cương hạ bút: “Mùi tanh giặc thác còn đâu đó/ Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây/ Ba quân tướng sĩ đều vui khỏe/ Bữa tiệc biển khơi chén rượu đầy”. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, mở rộng buôn bán, chủ trương quản lý xã hội bằng pháp luật… tóm lại là những việc rất cụ thể, rất “khô khan” thì vua Lê Thánh Tông vẫn thể hiện là một nhà thơ, một nhà phê bình văn học, một nhà tư tưởng. Những trước tác của Hội Tao đàn được ghi chép trong Thiên nam dư hạp tập, trong Quỳnh uyển cửu ca, Chinh tây hành kỷ, Hồng Đức quốc âm thi tập… thể hiện Lê Thánh Tông là nhà thơ, nhà kinh tế, nhà quân sự, nhà triết học. Lê Thánh Tông khuyến khích và tiên phong dùng chữ Nôm. Trong một bài thơ Nôm của mình, ông bộc bạch: “Trống dời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”. Cải cách quân đội sâu sắc Mặc dù đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế, văn hóa, song vua Lê Thánh Tông đã ra các sắc chỉ chỉnh đốn lại quân đội, ban 43 điều quân chính, đôn đốc và thực hiện các bước tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội. Theo một số tài liệu, vũ khí quân sự thời Lê Thánh Tông đã có những tiến bộ vượt bậc do tiếp thu kỹ thuật chế tạo súng hỏa công phương Tây, vũ khí thu được trước đó của nhà Minh, kết hợp kỹ thuật Đại Việt từ thời nhà Hồ, đã tạo thành hệ thống vũ khí đa dạng và hùng mạnh. Nhiều lần chinh chiến phía Tây, phía Nam… ông đều thắng lợi. Vua Lê Thánh Tông cũng đặc biệt chú ý đến lương thảo các vùng biên cương. Một nghệ thuật làm “lương khô” thời đó là thóc chín, sấy khô. Loại lương khô này có thể cất giữ vài năm không mất phẩm chất, dùng tiện lợi cho quân sự. Năm 1465, vua Lê Thánh Tông cho làm hộ tịch trong cả nước. Cứ 6 năm một lần, các xã trưởng mang sổ hộ khẩu của mình lên kinh đô chiếu vào, viết lại trong chính thư của triều đình về số dân hiện tại trong xã. Cũng 6 năm một lần, triều đình sai các quan về địa phương lập trường tuyến, sau đó duyệt tân binh. Các dân đinh từ 18 tuổi trở lên đều phải đăng ký vào hộ tịch và chia làm các bậc: Tráng hạng, quân hạng, dân hạng, lão hạng, cố hạng, cùng hạng. Khi cần điều động sẽ đưa tráng đinh làm lính. Nhà có 3 dân đinh thì 1 người vào hạng lính tráng, 1 người vào hạng quân, một người vào hạng dân. Nhà có 4 người thì 2 người vào hạng dân... Phan Huy Chú nhận xét trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Phép tuyển binh thời Hồng Đức rõ ràng, chu đáo. Dân đinh không sót tên trong sổ, mà số binh có nhiều”. Thời đó, cũng quy định rõ những trường hợp miễn quân sự, gồm: Con cháu các quan viên văn võ nhất phẩm, nhị phẩm và con trưởng quan tam phẩm; con, cháu các công, hầu, bá, nếu biết chữ sẽ sung làm nho sinh trong Sùng Văn quán, nếu không sẽ cho vào làm tuấn sĩ đội cấm y. Các con quan tam phẩm tới bát phẩm nếu biết đọc sách thì cho thi vào làm nho sinh Tú lâm cục, nếu không biết chữ thì sung vào Vũ lâm, nếu có tài, được làm quan ở Nha môn. Các quan cửu phẩm, chỉ được 2 người như con quan bát phẩm, còn lại như con dân thường. Còn đối với dân thường, nhà nào cha con, anh em 3 đinh trở lên cùng 1 xã thì 1 đinh được miễn tuyển, nếu khác xã thì không được miễn. Đối với người làm thuê, làm mướn, nếu biết chữ, được Ty thừa tuyên bản xứ chấp thuận thì được miễn. Năm 1466, Vua Lê Thánh Tông cải tổ hệ thống tổ chức quân đội. Toàn quốc, quân đội chia làm 2 loại: Thân binh thay Cấm binh bảo vệ kinh thành; Ngoại binh trấn giữ các xứ. 5 đạo vệ quân, được chuyển đổi sang 5 phủ đô đốc. Đó là Trung quân phủ, Nam quân phủ, Bắc quân phủ, Đông quân phủ, Tây quân phủ. Mỗi phủ có 6 vệ, mỗi vệ có 5 hoặc 6 sở, mỗi sở có khoảng 400 người (theo Việt Nam sử lược- Trần Trọng Kim). Bên cạnh có 2 đạo nội, ngoại, gồm nhiều ty, vệ. Ngoài các đạo quân chủ lực, thường trực, Lê Thánh Tông còn chú trọng quân dự bị tại các địa phương. Giai đoạn này “phủ” không phải là đơn vị quân đội mà tương đương 2, hoặc 3 đơn vị hành chính, chẳng hạn "Trung quân phủ" phụ trách Thanh Hóa, Nghệ An (hiểu nôm na như các quân khu ngày nay). Tổng quân số thường trực trong nước ngày đó khoảng hơn 16,7 vạn người. Trong các điều luật thời Lê Thánh Tông quy định rõ: Các cấp quản lý mà che giấu cho đào ngũ, trốn lính, hoặc bắt lính nộp tiền thay nghĩa vụ phải xử nghiêm, nặng đến tử hình. Kẻ trốn nghĩa vụ phải chém. Người chỉ huy không sâu sát, quan liêu thì xử giảm 2 bậc so với kẻ đào ngũ, đồng lõa thì bị xử lưu (Tội lưu là một trong các tội của ngũ hình thời Lê, gồm: Xuy-đánh bằng roi, trượng-đánh bằng gậy, đồ-cho đi tù, lưu-cho đi đày, tử-tử hình). Tướng hiệu nơi trấn thủ tự ý cho lính về nhà thì xử tội đồ, cho rời nơi đóng quân thì xử giảm một bậc. Đang lúc đánh trận mà cho lính bỏ đi thì xử chém. Xã trưởng, quan huyện không bắt lính trốn nộp cũng bị xử tội. Lính trốn mà đầu thú thì xử giảm một bậc và đền tiền khóa dịch cho triều đình. Quan tướng hiệu không chú trọng luyện quân, sai quân sĩ làm việc riêng cho mình, nhẹ xử tội đồ, nặng xử tội lưu. Duyệt tập quân đội, quân lính vắng mặt phạt 80 trượng. Nếu chỉ huy mượn người khác thay thế (che giấu cấp trên) cũng bị phạt 80 trượng, giáng chức 3 bậc. Cách tổ chức quân đội của Lê Thánh Tông còn nhiều giá trị với ngày nay. Xuân Bằng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/33/33/114234/Default.aspx