Vụ Vòng quay nghìn tỷ” từ hai hợp đồng ký lén: Hoạt động không cần trụ sở?

Trụ sở mới của OMC tại khu dân cư Kim Sơn, Q7

(CATP) Không chỉ nhảy lên ghế Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Minh Cường còn chiếm luôn vị trí người đại diện pháp luật Công ty OMC của TGĐ Trần Quỳnh Hương. Hơn 60 lá đơn khiếu nại, tố cáo của TGĐ Hương và Chủ tịch HĐQT Dương Thanh Khiết kèm tài liệu chứng cứ xác thực vẫn không “địch” nổi ông Cường với “bửu bối” là giấy phép điều chỉnh.

Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch HĐQT Dương Thanh Khiết và TGĐ Trần Quỳnh Hương, một số cơ quan chức năng đã chuyển đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để làm rõ. Lãnh đạo UBCKNN đã có nhiều văn bản trả lời nhưng ông Khiết không đồng ý.

>> “Vòng quay nghìn tỷ” từ hai hợp đồng ký lén (bài 2)

>> “Vòng quay nghìn tỷ” từ hai hợp đồng ký lén (bài 1)

BỊ TUÝT CÒI

Chịu cú sốc nặng khi bị nhóm ông Cường tước chức vụ đang nắm giữ trái pháp luật, Chủ tịch HĐQT Dương Thanh Khiết và TGĐ Trần Quỳnh Hương càng bức xúc hơn khi UBCKNN cho đăng thông tin về nhân sự mới và người đại diện pháp luật của OMC. Ông Khiết và bà Hương đã gởi đơn đề nghị UBCKNN xem xét lại việc quản lý, công bố thông tin trên website của ủy ban. Thừa lệnh Chủ tịch UBCKNN, Phó chánh văn phòng Nguyễn Tiến Dũng ký văn bản ngày 30-10-2012 gửi bà Hương, cho rằng “việc công bố thông tin thay đổi nhân sự trên trang thông tin điện tử của UBCKNN là trách nhiệm của OMC, ủy ban không chịu trách nhiệm về nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp”(!).

Không đồng ý, ông Khiết, bà Hương liên tục gửi bốn đơn khiếu nại vào các ngày 14-11, 22-11, 23-11 và 17-12-2012. Thừa lệnh Chủ tịch UBCKNN, Vụ trưởng Thanh tra Vũ Thị Chân Phương ký văn bản ngày 26-12-2012 trả lời gồm ba nội dung nhưng không đề cập gì đến hai hợp đồng “ủy thác” 6.445 tỷ đồng trái pháp luật.

Với tư cách là TGĐ và người đại diện pháp luật, đứng tên tài khoản giao dịch của Công ty OMC, bà Hương yêu cầu hai ngân hàng BIDV và Eximbank phong tỏa hơn 17 tỷ đồng tiền mặt hiện có trong tài khoản của OMC nhằm tránh thiệt hại khi ông Cường chiếm giữ con dấu.

Do OMC có đến hai người đại diện theo pháp luật nên Tòa án nhân dân (TAND) Q3 đã ra quyết định yêu cầu UBCKNN cung cấp tài liệu nhằm xác định rõ. Thừa lệnh Chủ tịch UBCKNN, ngày 22-1-2013 Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và đầu tư chứng khoán Nguyễn Hải Nam ký văn bản 328/UBCK-QLQ gửi TAND Q3, nêu rõ: “Trong quy định của pháp luật về chứng khoán, người đại điện pháp luật của các công ty quản lý quỹ không cần sự chấp thuận, phê duyệt của UBCKNN. Công ty quản lý quỹ chỉ cần thực hiện báo cáo và công bố thông tin về việc thay đổi người đại diện pháp luật của công ty trên trang thông tin điện tử của công ty và của UBCKNN... Đối với các nội dung công bố của các công ty trên trang thông tin điện tử của ủy ban, UBCKNN không chịu trách nhiệm”.

Ông Cường lấy ngay văn bản 328/UBCK-QLQ gửi Eximbank đề nghị thay đổi chủ tài khoản, kế toán trưởng của OMC để công ty “hoạt động kinh doanh bình thường”. Ngày 25-2-2013, Phó TGĐ Eximbank Nguyễn Thanh Nhung ký văn bản gửi UBCKNN, nêu rõ: Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành thì “việc thay đổi thành viên HĐQT, giám đốc, TGĐ... của công ty quản lý quỹ phải báo cáo đồng thời được sự chấp thuận của UBCKNN và UBCKNN công bố thông tin mới có giá trị pháp lý”. Phó TGĐ Nhung nhấn mạnh công văn 328/UBCK-QLQ không phải là căn cứ pháp lý điều chỉnh giấy phép số 21/GPĐC-UBCK ngày 14-11-2011 (do UBCKNN cấp cho OMC) để công nhận ông Nguyễn Minh Cường là người đại diện theo pháp luật thay thế TGĐ Trần Quỳnh Hương, nên Eximbank chưa thể tiến hành các yêu cầu của OMC. Eximbank đề nghị UBCKNN cho biết hiện nay ai là người đại diện theo pháp luật của OMC.

CÔNG TY “TÀNG HÌNH”

Văn bản của Eximbank như gáo nước lạnh dội vào đầu Nguyễn Minh Cường. Trước đó, TGĐ Trần Quỳnh Hương nhận được văn bản do đại tá Hoàng Ngọc Tú, Phó cục trưởng Cục An ninh tài chính - Tiền tệ - Đầu tư Bộ Công an, ký ngày 13-11-2012 nêu rõ: “Cục đang xem xét việc OMC ký hai hợp đồng ngày 19-7 và 17-8-2011, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật”. Ngày 15-1-2013, ông Khiết đã gửi đơn tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm ông Cường và những người liên quan theo quy định pháp luật, tránh để kéo dài, hậu quả càng nghiêm trọng. Ngày 22-3-2013, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM có văn bản chuyển đơn tố cáo đến UBCKNN để xử lý theo thẩm quyền.

Trong khi hàng loạt vấn đề nóng bỏng liên quan đến OMC, nhất là hai hợp đồng ủy thác 6.445 tỷ đồng vẫn chưa được làm rõ, xử lý thì ông Khiết bất ngờ nhận được thông tin ông Cường đã có giấy phép mới. Quả không sai, ngày 9-5-2013 Phó chủ tịch UBCKNN Nguyễn Đoan Hùng (người ký quyết định đình chỉ hoạt động của OMC ngày 29-5-2012) xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và đầu tư chứng khoán đã ký quyết định 12/GPĐC-UBCKNN cấp “giấy phép điều chỉnh” cho OMC. Tại điều 1 của giấy phép xác định ông Nguyễn Minh Cường là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của OMC. Phó chủ tịch UBCKNN Nguyễn Đoan Hùng nhấn mạnh ở điều 2: “Các nội dung quy định tại điều lệ tổ chức hoạt động của OMC phải được sửa đổi theo quy định giấy phép điều chỉnh này”.

Ông Khiết lên tiếng: Ông Cường bị tố cáo, đang chờ cơ quan pháp luật giải quyết. Mặt khác, OMC vượt quá thời hạn đình chỉ hoạt động hơn 8 tháng trong khi quy định tối đa không quá 60 ngày. OMC đã vi phạm mục b khoản 12 điều 15 Thông tư 212/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 5-12-2012 nên phải thu hồi giấy phép hoạt động. Những sai phạm sẽ lộ diện trong quá trình OMC tiến hành thủ tục thanh lý, giải thể theo quy định pháp luật. Giấy phép điều chỉnh số 12/GPĐC-UBCKNN không chỉ cho OMC hoạt động trở lại mà còn công nhận ông Cường là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của công ty(!). Rõ ràng giấy phép này trở thành “bảo bối” giúp ông Cường thanh lý các hợp đồng nghìn tỷ trái luật một cách dễ dàng.

Ông Khiết phản ứng, OMC có ảnh hưởng không nhỏ khi tham gia thị trường tài chính, nhưng Phó chủ tịch Hùng ký cấp giấy phép điều chỉnh lại không có địa chỉ, vi phạm khoản 3 điều 24 và khoản 1 điều 25 Luật Doanh nghiệp; điều 3, điều 5, điều 6 Thông tư 212/2012/TT-BTC. Một quyết định sai nghiêm trọng như vậy nhưng người có trách nhiệm tại hai ngân hàng BIDV và Eximbank lại dễ dàng chấp thuận cho ông Cường thay thế TGĐ Hương đứng tên tài khoản, rút toàn bộ 17 tỷ đồng, tính cả lãi gần 20 tỷ. Trước đó, ông Cường ký báo cáo tài chính quý I năm 2013 thể hiện OMC có những khoản đầu tư “lạ” trị giá hơn 35 tỷ đồng.

Ngày 21-6-2013, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra Phạm Thị Thanh Hương thừa lệnh Chủ tịch UBCKNN ký văn bản gửi ông Khiết nêu rõ: Liên quan đến hai hợp đồng ủy thác giữa OMC với Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, UBCKNN sẽ kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của OMC trong hoạt động quản lý danh mục đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đối với hoạt động ủy thác vốn phải tuân thủ pháp luật về ngân hàng và chịu sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. “Không biết việc kiểm tra OMC thế nào, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ UBCKNN. Liên quan đến hai hợp đồng nghìn tỷ, tôi sẽ tiếp tục tố cáo, quyết đưa vụ việc ra ánh sáng...”, ông Khiết bức xúc.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=501005&mod=detnews&p=