Vụ việc xử lý giáo viên 'hành hạ' học sinh nói tục tại Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội): Đã xử lý đúng luật, có nên ép giáo viên…thôi việc?

Vụ việc một cô giáo ở Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) có hành vi xử lý phản cảm đối với một nữ sinh nói tục đã được nhà trường đã xử lý nghiêm khắc, tạm đình chỉ dạy học đối với cô giáo và thi hành kỷ luật ở mức cảnh cáo theo đúng khung vi phạm theo Nghị định số 27/2012/ NĐ-CP của Chính phủ. Thế nhưng, tưởng như sự việc đáng buồn trên sẽ lắng dịu để thầy và trò cùng sửa sai, tập trung cho nhiệm vụ dạy và học thì có một số người lại cố tình phức tạp hóa, việc bé xé ra to…

Làm trái qui định nghề nghiệp, cô giáo nhận kỷ luật cảnh cáo

Theo lời trình bày của một số em học sinh Trường THPT Cao Bá Quát, vào giờ học môn Hóa học ngày 10/09/2016 ở lớp 10A3, khi cô giáo Đặng Thị Huyền đang giảng bài thì học sinh M. nói tục trong lớp. Cô liền nhắc nhở và đưa hai phương án: Một là, viết bản kiểm điểm, hai là cái miệng hư vậy thì phải tự… vả vào miệng cho nhớ”. Học sinh M. chọn phương án hai . Vừa lúc ấy có tiếng trống hết giờ nên đến giờ Hóa chiều ngày 13/9, cô Huyền nhắc lại vụ việc hôm trước. Cô gọi em M. lên và bảo:” Bạn nào giúp bạn M. xử lý cái miệng đây?”. Nhiều học sinh giơ tay lên và cô đã gọi em A. là bạn thân của M. lên nhưng A tát nhẹ nên cô gọi em Đ. lên làm lại. Sau đó cô cho M về chỗ ổn định lớp và tiếp tục dạy, ra một bài tập, hầu như cả lớp giơ tay trong đó có M.. Cô đã gọi M. lên bảng để em hiểu rằng cô xử lý như vậy nhưng không ghét bỏ em và vẫn cho em 9 điểm. Giờ học kết thúc, em M ra chơi vẫn nô đùa với các bạn như thường ngày.

Sự việc chỉ có thế nhưng ít ngày sau, phụ huynh của em M, là một cán bộ thuộc một bộ ở Hà Nội bất ngờ có đơn gửi nhà trường, Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội, Công an huyện Gia Lâm vào cuộc, tố cáo cô Huyền đã có hành vi hành hạ, xúc phạm thô bạo và dã man học sinh M. khiến M sưng tấy, phù nề vùng mặt, bị hoảng loạn tinh thần và mất niềm tin vào thầy cô giáo, muốn nghỉ học.

Sau khi nhận được đơn, nhà trường đã quyết định đình chỉ giảng dạy 20 ngày và xử lý hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cô Huyền do “Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp”. Nhà trường còn buộc cô Huyền thôi không dạy lớp 10A3, thôi không chủ nhiệm lớp 12A7, lưu hồ sơ viên chức và phân công dạy ngoài giờ lên lớp.

Phụ huynh gây sức ép đòi cô giáo thôi việc!

Mặc dù vậy, phụ huynh học sinh vẫn không đồng ý với cách xử lý của nhà trường, liên tục gọi điện đến hiệu trưởng yêu cầu phải buộc cô Huyền thôi việc hoặc phải viết đơn xin nghỉ dạy, chuyển trường. “Tôi muốn việc làm của tôi sẽ trở thành một bài học xương máu cho bản thân cô Huyền và Trường Cao Bá Quát” – nữ phụ huynh gửi tin nhắn. Phụ huynh này còn ra “tối hậu thư” nêu thời hạn đến ngày 15/10 nếu cô Huyền không viết đơn xin nghỉ dạy và chuyển sang trường khác thì bà sẽ cho… báo chí vào cuộc.

Về phía nhà trường, theo một số giáo viên và phụ huynh học sinh cho biết, đã có ý kiến đề nghị phải xử lý theo hướng buộc cô Huyền viết đơn nghỉ việc hoặc chuyển trường, thậm chí một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần gọi điện yêu cầu xử lý.

Tập thể học sinh lên tiếng bảo vệ cô giáo

Trong khi đó, tập thể học sinh lớp 10A3 và 12 A7 vừa qua đã có đơn tập thể lên tiếng bênh vực cô Huyền. Theo các em học sinh, không có việc em M bị sưng mặt, phù nề hay hoảng loạn. Tập thể học sinh kiến nghị nhà trường xem xét lại sự việc, cô Huyền nghiêm khắc nhưng giảng dạy tốt, có tâm, các em rất yêu mến cô, đề nghị giữ cô ở lại trường và tiếp tục làm giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy. Nhiều em học sinh gọi cô là “mẹ”. Em Q.A tâm sự: “Lớp chúng cháu ban đầu cũng lộn xộn lắm, nhưng khi mẹ Huyền đến thì đã thành một gia đình, cũng có lúc có bạn chưa ngoan, mẹ Huyền giận khiến bọn cháu tự bảo nhau cố gắng…”. Về phía cô Huyền, cô cũng thẳng thắn nhận lỗi với tập thể lớp: “Cô rất lấy làm tiếc vì sự việc cô xử lý em M, với mục đích cảnh cáo để lần sau bạn không tái phạm nữa nhưng cô đã dùng sai phương pháp khiến bạn bị ảnh hưởng tâm lý.Qua đây cô cũng thành thật xin lỗi bạn M và nhờ M chuyển lời xin lỗi của cô tới bố mẹ (vì bố mẹ em M không chịu gặp cô để nghe cô xin lỗi). Cô xin lỗi cả lớp vì đã để xảy ra sự việc trên khiến các con cũng bị ảnh hưởng trong học tập…”.

Nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo nói gì?

Trao đổi với phóng viên về sự việc, luật sư Nguyễn Xuân Bính (Hà Nội) cho rằng, cô giáo Huyền đã vi phạm quy định chuyên môn nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng, dù theo khoản 1, khoản 7, Điều 11 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP qui định mức cảnh cáo cho hai hành vi: “Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng”; “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp”. Do đó, việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với cô Huyền là đúng pháp luật. Hơn nữa, nhà trường còn áp dụng hình thức bổ sung, cho thôi giảng dạy lớp 10A3, thôi chủ nhiệm lớp 12A7 và phải dạy thêm ngoài giờ với cô Huyền là những biện pháp xử lý khá nghiêm khắc. Việc phụ huynh “ép” phải xử lý thôi việc hoặc buộc cô Huyền phải viết đơn xin nghỉ việc, chuyển tới trường khác là không có cơ sở pháp lý.

TS Nguyễn Xuân Sinh, Chủ nhiệm bộ môn, Khoa Giáo dục sư phạm quân sự Học viện Chính trị nêu quan điểm: Việc gây sức ép để cô giáo mắc sai lầm phải bị đuổi việc hoặc chuyển trường hoàn toàn không cần thiết khi tập thể học sinh vẫn yêu mến, tín nhiệm cô giáo, có đơn tập thể đề nghị cô tiếp tục ở lại. Đồng thời, cô Huyền có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân cô đã nhận rõ khuyết điểm, hứa sẽ sửa sai, khắc phục thì lãnh đạo nên xử lý sao cho có lý có tình, không nên việc bé xé ra to.

Vậy mà, trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sự việc đã được giải quyết “êm đẹp”, tình hình đã đi vào ổn định, nếu muốn nắm thông tin gì phải xin ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo và có chỉ đạo thì sẽ cung cấp thông tin. Còn ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội thì cho biết: “Sở không có chỉ đạo gì về việc gây sức ép buộc cô Huyền phải thôi việc hay chuyển trường. Tôi hoàn toàn không biết gì về việc này”.

Thiết nghĩ, môi trường sư phạm cần lấy học sinh làm trung tâm và đề cao tính nhân văn, tính giáo dục. Cần lắng nghe ý kiến của các em học sinh, phụ huynh và tập thể giáo viên, xử lý sự việc có lý có tình.

Thư của tập thể học sinh đề nghị tiếp tục giữ cô giáo ở lại giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm

Chí Tình

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/da-xu-ly-dung-luat-co-nen-ep-giao-vienthoi-viec/