Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc: Làm rõ 'lý lịch' của vườn sầu riêng

Đến trưa 1-8, đèo Bảo Lộc đã thông xe trở lại sau vụ sạt lở đất làm 3 cán bộ CSGT trạm Madaguoi hy sinh và 1 người dân tử vong. Trở lại hiện trường vụ sạt lở đèo Bảo Lộc vào chiều cùng ngày, phóng viên ghi nhận cảnh xe cộ tấp nập qua đèo sau thời gian khắc phục sạt lở. Tại đây, đất đá sạt lở từ ngọn đồi có vườn sầu riêng đã được san gạt qua hai bên để xe cộ có thể lưu thông.

Theo GS-TSKH Nguyễn Đức Ngữ, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc, có nguyên nhân trực tiếp là do mưa lớn, đặc biệt là cường độ mưa rất lớn trong khoảng thời gian rất ngắn. Cường độ mưa lớn sẽ dẫn đến xói mòn đất. Ngoài ra, sạt lở đất còn có nguyên nhân về địa hình, địa chất, lớp phủ thực vật, có thể vùng đất ấy không được bền, nền đất không được chắc. Về thảm thực vật, có thể vùng đất ấy không còn rừng hoặc vùng đất trơ trụi. Theo ông Nguyễn Đức Ngữ, cần rà soát toàn bộ các quy hoạch đã có của từng địa phương, từng ngành với từng vị trí cụ thể, để di dời người dân khỏi những công trình, nhà ở có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay mới chỉ dự báo mưa lớn, bão, lũ lụt, chưa thể dự báo cụ thể vị trí nào xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm trên đèo Bảo Lộc lại xuất hiện một vườn sầu riêng trên Trạm CSGT Madaguoi, theo ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, bà Đ.T.L (người được coi là chủ của vườn sầu riêng; ngụ thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) cùng gia đình sống ở khu vực miếu Ba Cô từ trước năm 1975 và khai phá khu đất (là vườn sầu riêng) để làm rẫy từ năm 1985. Năm 2008, khu đất được đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Chinh cũng cho rằng khu vực đèo Bảo Lộc thường xuyên xảy ra sạt lở, không chỉ đất trồng cây sầu riêng của người dân mà đất rừng cũng sạt lở khi có mưa lớn. Còn ông B. (cháu bà L.) cho biết khu vườn sầu riêng là rẫy của gia đình có từ thời ông bà để lại. Mấy năm trở lại đây, các cây trồng trước bị già cỗi nên gia đình đã chuyển sang trồng sầu riêng chứ không phá hay xâm lấn rừng.

Về "lý lịch" khu vườn sầu riêng, ông Võ Đức Trí, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai - đơn vị quản lý rừng khu vực đèo Bảo Lộc, cho biết: "Từ những năm 1960-1965, khi khu đất này là đất rừng nhưng trồng cây nên người dân gần miếu Ba Cô dùng canh tác cây mít, bơ, cà phê. Họ canh tác trên đất trống, ổn định lâu năm và không có hành động nào phá cây rừng hay lấn chiếm đất rừng. Sau này những loại cây trên không hiệu quả nữa thì họ chuyển sang trồng sầu riêng như hiện nay".

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 1-8, liên quan đến vườn sầu riêng, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nói: "Chắc chắn vị trí trồng sầu riêng là rừng phòng hộ ở trên cạn. Chính quyền địa phương phải quan tâm quy hoạch và rà soát lại đất phòng hộ, trồng cây theo đúng quy định kỹ thuật mà bộ đã ban hành cũng như theo hướng dẫn của Nghị định 156".

V.Duẩn - Tr.Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/vu-sat-lo-tren-deo-bao-loc-lam-ro-ly-lich-cua-vuon-sau-rieng-20230801221733003.htm