Vụ sập mái nhà đang thi công khiến nhiều người thương vong ở Thái Bình: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo luật sư, cần phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ sập mái nhà khiến nhiều người thương vong và chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện các quy định quản lý công trình xây dựng.

Hiện trường vụ sập căn nhà đang thi công khiến 3 người chết và 5 người bị thương ở thị trấn Diêm Điền. Ảnh: NDCC

UBND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã có báo cáo ban đầu vụ tai nạn lao động khiến 3 người tử vong, 5 người bị thương xảy ra vào chiều ngày 12/12 tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.

Theo báo cáo, ông Nguyễn Văn Đoàn (SN 1985, trú tại tổ dân phố số 8, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) thuê đất của ông Trần Xuân Sơn và bà Đỗ Thị Lan Phượng để xây dựng nhà kết cấu khung thép. Căn nhà này thuộc khu Đồng Miễu, tổ dân phố Bao Trình, thị trấn Diêm Điền.

Ông Đoàn thuê anh Đinh Văn Du (SN 1987, trú tại xã Hồng Dũng) và anh Trần Thanh Trường (SN 1987, trú tại thị trấn Diêm Điền) thi công xây dựng. Anh Du đã thuê nhóm thợ xây gồm 13 người do anh Trịnh Ngọc Quang (SN 1987, trú tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy) làm tổ trưởng tổ thợ thi công.

Khoảng 15h ngày 12/12, nhóm công nhân gồm: T.N.Q., T.V.L, T.V.L., N.T.C., P.T.L., L.V.N., N.Q.P., N.V.C., (cùng trú tại xã Thụy Bình); Đ.V.C., Đ.V.T., Đ.V.N. (cùng trú tại xã Thụy Sơn); và N.Đ.N., V.Đ.T. (cùng trú tại xã Thụy Văn) thi công đổ bê tông mái tầng 1 nhà ông Đoàn. Khi đang thi công thì mái nhà bị sập.

Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng huyện Thái Thụy đã điều động nhiều lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn đến hiện trường phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, giải thoát những người bị mắc kẹt bên trong.

Đến 21h15 cùng ngày, công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường đã thực hiện xong, cơ quan chức năng ghi nhận 3 nạn nhân tử vong, 5 người bị thương phải cấp cứu tại bệnh viện.

Cơ quan chức năng xác định 3 người tử vong là ông Đ.V.N (SN 1960), ông V.Đ.T. (SN 1974), trú tại xã Thụy Văn và bà N.T.C (SN 1981, trú tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy).

Công an huyện Thái Thụy đã báo cáo Công an tỉnh Thái Bình tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi về tính an toàn lao động trong quá trình thi công và trách nhiệm của các bên liên quan. Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ quá trình thi công công trình này có đảm bảo an toàn lao động hay không để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyên phân tích, Điều 115 Luật Xây dựng năm 2014 quy định, chủ nhà và nhà thầu thi công phải phối hợp với nhau, nhằm đảm bảo an toàn cho con người cũng như công trình xây dựng, tài sản, thiết bị phương tiện trong quá trình thi công và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả khi xảy ra sự cố trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Luật sư Nguyên cho rằng, về trách nhiệm pháp lý, căn cứ khoản 3 và khoản 4 Điều 45, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định về giải quyết sự cố công trình xây dựng, chủ nhà và chủ thầu thi công có trách nhiệm khắc phục sự cố theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố công trình. Do có hậu quả chết người xảy ra nên cần phải xác minh, điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

Trong quá trình điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của từng chủ thể, tùy theo tính chất, mức độ người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 298, BLHS năm 2015, với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 15 năm tù giam.

"Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện các quy định nhằm quản lý công trình xây dựng trên địa bàn"- luật sư Nguyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình các cơ quan chức năng giải quyết, làm rõ nguyên nhân sự việc thì đơn vị quản lý, chủ doanh nghiệp này phải có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người bị thương tích được cứu chữa kịp thời, hỗ trợ mai táng đối với gia đình nạn nhân có người thiệt mạng và hoàn tất thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 298, BLHS: Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121%;

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-sap-mai-nha-dang-thi-cong-khien-nhieu-nguoi-thuong-vong-o-thai-binh-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-363518.html