Vụ nước mắm có thạch tín: Doanh nghiệp có quyền kiện Vinastas không?

Luật sư Phạm Ngọc Minh phân tích việc công bố nước mắm có thạch tín của Vinastas dưới góc nhìn pháp lý.

Trong những ngày qua dư luận đang hết sức xôn xao trước việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tiến hành chương trình khảo sát chất lượng nước mắm đóng chai bán trên thị trường của 10 tỉnh, thành phố trong cả nước và công bố hàm lượng ar sen hữu cơ vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, thực tế này đang khiến dư luận hoang mang, lo lắng và nhiều người cho rằng, việc VINASTAS công bố kết quả khảo sát nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng là không khách quan, gây thiệt hại cho các đơn vị được lấy mẫu, đặc biệt các hộ kinh doanh nước mắm truyền thống.

Đứng dưới gốc độ pháp lý, Luật sư Phạm Ngọc Minh (Công ty Luật TNHH Everes, Tổng đài tư vấn 1900 6218) đã cõ những chia sẻ thẳng thắn về vụ việc với Báo Gia đình Việt Nam.

Xin luật sư cho biết, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) có chức năng tổ chức lấy mẫu nước mắm đi phân tích?

Trước hết, cần khẳng định, không chỉ VINASTAS mà bất cứ công dân nào khi có nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm thì đều có quyền tự mình đi lấy mẫu phân tích để kiểm tra “mức độ an toàn” của sản phẩm.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì một tổ chức xã hội hoàn toàn có quyền độc lập khảo sát, thử nghiệm, từ đó công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà mình đã thực hiện. Bởi vậy, với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, một lần nữa khẳng định VINASTAS có quyền tổ chức lấy mẫu nước mắm đóng chai bán trên thị trường của 10 tỉnh, thành phố trong cả nước để đi phân tích.

Vậy, xét về mặt quản lý Nhà nước Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam có được công bố rộng rãi trước công chúng khi có kết quả lấy mẫu?

Như đã nêu căn cứ pháp lý trên đây, VINASTAS có quyền độc lập khảo sát, thử nghiệm; từ đó công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc luật định về bảo vệ người tiêu dùng thì đúng là VINASTAS có quyền lấy mẫu phân tích nước mắm và công bố kết quả phân tích mà mình đã thực hiện nhưng cần đảm bảo việc này không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, VINASTAS có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin đã công bố, và những cảnh báo mà mình đã đưa ra cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp này, mục đích thực sự của VINASTAS là gì, có bảo vệ quyền của người tiêu dùng hay vì một lý do nào khác, thì tôi chưa bàn luận đến. Chỉ thấy rõ ràng một điều là những thông tin vừa công bố không chuẩn mực, vì vậy nên dư luận và cơ quan chức năng có quyền nghi ngờ về động cơ mục đích thực sự của VINASTAS. Bởi VINASTAS là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có những hội viên là những người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực đánh giá chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì đương nhiên VINASTAS hiểu rõ những thông tin, ý kiến mà mình công bố sẽ có tác động rất lớn và rất mạnh tớ tâm lý, thái độ của người tiêu dùng. Khi đó, việc công bố rộng rãi trước công chúng những thông tin, nhưng lại là thông tin hời hợt, thiếu trách nhiệm thì “không thể chấp nhận được”.

Khi đó, nếu những thông tin được công bố rộng rãi không đúng, không đủ, thiếu trách nhiệm, không khách quan thì hành vi này hoàn toàn vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ như việc VINASTAS công bố thông tin về nước mắm truyền thống nhưng lại “mập mờ” giữa asen hữu cơ và asen vô cơ, trong khi hai loại này có ảnh hưởng rất khác nhau đến sức khỏe con người. Nếu đúng là như vậy thì việc làm này của VINASTAS không chỉ ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng và trật tự xã hội.

Tuy nhiên, ngược lại, nếu những thông tin VINASTAS công bố có căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật thì những thông tin này sẽ là một căn cứ, dấu hiệu để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, điều tra và xử lý vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp VINASTAS công bố thông tin nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng nhưng không chứng minh được có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, trong khi khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp thiệt hại, vậy họ có quyền khởi kiện hay không? Thủ tục tiến hành như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng đều có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua quyền khởi kiện vụ án dân sự. Đối với vụ án dân sự về quyền lợi người tiêu dùng thì có một điểm khác so với nguyên tắc chung là người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất, tuy nhiên, vẫn phải chứng minh có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại và mối quan hệ nhân quản giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nhưng thực tế, đối với các vụ việc kiểu như thế này thì việc chứng minh thiệt hại và mối quan hệ nhân quả không phải chuyện đơn giản.

Ví dụ như sự việc một số nhà mạng tiếp tay cho những công ty công nghệ của Trung Quốc để “móc túi” khách hàng mà báo chí đã phản ánh trước đây. Thiệt hại thực tế là có, thậm chí tổng mức độ thiệt hại không hề nhỏ, bên cạnh đó còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không có bất cứ một vụ kiện nào yêu cầu nhà mạng bồi thường thiệt hại, bởi lẽ, đối với mỗi cá nhân, mức độ thiệt hại tuy có nhưng không lớn, chi phí thu thập chứng cứ chứng minh thiệt hại có khi còn lớn hơn mà mức bồi thường mà mình có thể nhận được, và chứng minh ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân, hoang mang, lo lắng trong dư luận, thì chứng minh thế nào?

Tương tự, giả sử việc VINASTAS công bố thông tin, nhưng những thông tin này không rõ rằng, gây thiệt hại cho các đơn vị, doanh nghiệp khác thì các đơn vị, doanh nghiệp này hoàn toàn có quyền khởi kiện VINASTAS tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tuy nhiên, như tôi đã nói, các đơn vị, doanh nghiệp thiệt hại cần có đầy đủ chứng cứ để chứng minh thiệt hại của mình về sản xuất, kinh doanh mà nguyên nhân chính là do các thông tin không rõ ràng, thiếu trách nhiệm của VINASTAS. Và trên thực tế, việc chứng minh này không phải chuyện dễ dàng, và có thể phải mất rất nhiều chi phí. Tôi cho rằng đây một trong những “lỗ hổng” của pháp luật, và thực tế đặt ra là cần có những sửa đổi nhất định, đặc biệt đối với pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng để có những chế tài cụ thể, các mức bồi thường thiệt hại... chứ không phải là “chờ” một vụ kiện thực tế của người tiêu dùng.

An Nhiên (thực hiện)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/vu-nuoc-mam-co-thach-tin-doanh-nghiep-co-quyen-kien-vinastas-khong-d101682.html