Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm: Cần làm rõ đối tượng cầm đầu

Vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được dư luận đặc biệt quan tâm vì tính chất phi đạo đức của nó. Khi có kết luận điều tra, dư luận càng quan tâm hơn khi ông giám đốc Nguyễn Trí Liêm - người chịu trách nhiệm chính trong vụ án này - chỉ bị truy cứu tội “thiếu trách nhiệm”. Vậy, ông Liêm có đúng là chỉ “thiếu trách nhiệm...” và vụ việc liệu có “đánh bùn sang ao”?

Ai là đối tượng có thể chỉ đạo vụ việc này?

Dù ông Liêm không thừa nhận chỉ đạo việc in trước kết quả xét nghiệm, nhưng lời khai của các kỹ thuật viên (KTV), nhân viên trong bệnh viện với cơ quan điều tra lại cho thấy không phải như vậy. Các lời khai cho thấy, ông Liêm đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhân viên của mình khai gian dối với cơ quan điều tra.

Cụ thể, ông Liêm đã hướng dẫn họ khai: “Không có việc in trước kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ trả cho bệnh nhân ngoại trú, mà chỉ khai: Cho người thân, người quen kết quả xét nghiệm đã in sẵn để đưa vào hồ sơ học lái xe, xin việc làm...”.

Đặc biệt, ông Liêm còn chỉ đạo các nhân viên của mình khai rằng, “không có ai chỉ đạo việc in trước kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ”. Vậy, nếu thực sự ông Liêm không chỉ đạo việc in trước kết quả, thì làm sao phải hướng dẫn cách khai như vậy? Liệu có phải chỉ là do “có thiếu sót trong công tác quản lý, nên đã để các cán bộ của khoa xét nghiệm làm sai và diễn ra trong thời gian dài nhưng không có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời” như ông Liêm khai với cơ quan điều tra?

Đồng thời, vụ việc “diễn ra trong thời gian dài” như vậy, nhưng có phải ông Liêm chỉ biết khi thanh tra Sở Y tế đến làm việc? Lời khai này của ông Liêm liệu có đáng tin, khi còn một số lời khai của nhân viên đã chỉ ra điều ngược lại.

Cụ thể, rất nhiều lời khai của bị can, của các đối tượng liên quan cho rằng, việc lấy các kết quả xét nghiệm huyết học dù chữ ký không đúng thẩm quyền của các KTV, là theo chủ trương của ban giám đốc. Đặc biệt, bị can Nguyễn Thị Nhiên - Phó giám đốc, phụ trách khoa xét nghiệm - khai rất rõ ràng:

“Có biết việc các KTV khoa xét nghiệm ký vào các phiếu xét nghiệm khi trả cho bệnh nhân, các nhân viên khoa khác đến xin mà không qua KTV trưởng và trưởng khoa kiểm tra, ký duyệt, có báo cáo trong các cuộc họp giao ban, nhưng giám đốc không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, mà còn phổ biến cho các khoa là chữ ký của các KTV tại các kết quả xét nghiệm là có giá trị, vì bên bảo hiểm vẫn cho thanh toán”. Như vậy, những chữ ký không có giá trị pháp lý này ông Liêm rất biết, nhưng vẫn... OK.

Không thể hiểu nổi

Như đã phân tích, việc các KTV ký sai thẩm quyền, không chỉ giám đốc biết, mà tất cả các cán bộ chủ chốt của BV đều biết. Chính họ, những cán bộ này biết hơn ai hết hậu quả của việc ký sai nguyên tắc này nguy hiểm như thế nào. Nhưng vì đây đã là chủ trương của ban giám đốc thì họ phải thực hiện. Do đó, các KTV - những người “thấp cổ bé họng” - càng không thể trái lệnh.

Nhưng đắng cay là ở chỗ, họ lại trở thành nhân vật chính của vụ án: “Vương Thị Kim Thành cùng đồng phạm can tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn...”, còn ông Liêm chỉ bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm...”. Điều này thật khó hiểu.

Điều này càng phi lý hơn khi đọc kết luận điều tra. Trong vụ án, không ai trong các đối tượng này được hưởng lợi trực tiếp từ việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm.

Kết luận điều tra cho thấy, số tiền hưởng lợi bất chính từ vụ việc này không được trích lại bất cứ phần trăm nào cho phòng xét nghiệm, mà chỉ cho “lợi ích cơ quan” với số tiền không nhiều (16,5 triệu đồng trong 10 tháng) cho cả bệnh viện (gần 200 người). Câu hỏi đặt ra là, phải chăng ông giám đốc làm việc sai này chỉ nhằm mục đích thu lợi cho BV với số tiền nhỏ này (bình quân mỗi người hơn 8.000 đồng/tháng)?

Vậy còn “nhân bản” cả nghìn phiếu xét nghiệm thì các vật tư tiêu hao không phải dùng đến được ăn chia thế nào và những ai được hưởng? Phải chăng, những khoản này và những gì phía sau nó chưa được cơ quan điều tra làm rõ mới là động cơ chính của việc chỉ đạo quyết liệt của giám đốc Liêm? Do đó, việc ông Liêm chỉ bị truy cứu về tội “thiếu trách nhiệm ...” liệu có thỏa đáng? (còn tiếp)

Trả lời phỏng vấn báo chí tại kỳ họp QH đang diễn ra, đại biểu QH Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) nói: “Tham nhũng là phải “đánh” vào người có chức có quyền, mà theo đường lối chính sách của Đảng là phải “đánh” vào kẻ chủ mưu cầm đầu”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-nhan-ban-ket-qua-xet-nghiem-can-lam-ro-doi-tuong-cam-dau/147248.bld