Vụ lúa thu - đông, mùa năm 2023: Nhiều bất lợi do thời tiết và giá vật tư nông nghiệp tăng

Mặc dù giá lúa ở vụ hè - thu năm 2023 vừa qua đứng ở mức tương đối cao và người sản xuất lúa có lợi nhuận (dao động từ 27 - 28 triệu đồng/ha). Hiện nay, qua ghi nhận trong vụ lúa thu - đông, mùa năm 2023, tình hình giá vật tư nông nghiệp (chủ yếu phân bón) đang tăng cao; cùng với đó do ảnh hưởng thời tiết đầu vụ (mưa bão) làm cho sản xuất lúa ở vụ này gặp nhiều bất lợi và người trồng lúa cũng lo ngại về giá lúa thời gian tới.

Nông dân xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải giặm lại mạ của trà lúa thu - đông bị thiệt hại do mưa dầm đầu vụ.

Nông dân Thạch Hòa Bình, ngụ ấp Cây Da, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải cho biết: hiện nay, do mưa nhiều, cùng với khu vực này trũng, kênh nằm xa nên thoát nước gặp khó… Vì vậy, các diện tích ruộng của các hộ xung quanh ở đây thường bị ngập. Chỉ tính riêng trong đầu vụ thu - đông (khoảng 15 ngày trong đầu tháng 10/2023), với diện tích lúa của gia đình có hơn 0,8ha, đầu vụ tới nay phải thực hiện bơm tát 05 đợt (chi phí hơn 150.000 đồng/đợt) để chống ngập úng cho lúa phát triển.

Thông tin từ lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh), đến giữa tháng 10/2023, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được 71.542ha lúa thu - đông; cao hơn cùng kỳ 6.823ha và vượt 4,81% kế hoạch năm. Lúa tập trung chủ yếu vào các giai đoạn sinh trưởng như giai đoạn mạ 12.287ha, đẻ nhánh 47.988ha và đòng trổ 10.338ha...

Về tình hình sâu bệnh có xu hướng tăng, do ảnh hưởng thời tiết mưa bão và ẩm độ cao; diện tích nhiễm sâu bệnh 1.800ha, gồm: bệnh đạo ôn lá 1.212ha (tỉ lệ gây hại phổ biến 05 - 10%); sâu cuốn lá nhỏ 234ha (mật số gây hại phổ biến 25 - 50 con/m2); bệnh bạc lá 217ha (tỉ lệ gây hại phổ biến 10 - 20%); ốc bươu vàng 137ha (tỉ lệ phổ biến 05 - 10%)… Ngoài ra, do ảnh hưởng mưa lớn trong thời điểm xuống giống vụ lúa thu - đông, nên đã gây ngập úng hơn 415ha lúa trên địa bàn huyện Trà Cú 400ha, Duyên Hải 15ha…

Về tình hình giá vật tư nông nghiệp trong tháng 10/2023 đã tăng hơn 10% so với đầu tháng 9/2023; theo anh Trần Thanh Vân, chủ 01 đại lý vật tư nông nghiệp ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè: đối với phân đạm (Urê) Cà Mau tăng thêm 500 đồng/kg, ở mức 13.200 đồng/kg; DAP giá 22.000 đồng/kg; NPK 20 - 20 - 15 giá 17.650 đồng/kg… Nếu so với ở vụ hè - thu thì phân bón tăng khoảng 1.000 đồng/kg.

Hiện nay, nhiều địa phương đã xuống giống dứt điểm vụ lúa thu - đông năm 2023; người trồng lúa ngoài chịu áp lực về giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì chi phí đầu tư trong chăm sóc cho đầu vụ lúa cũng tăng do ảnh hưởng mưa bão, sâu bệnh; đặc biệt, là chi phí lao động thực hiện dặm lúa, bơm tát và diệt ốc bươu vàng cũng tăng.

Ghi nhận tại xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang; tại đây, nhiều nông dân phải tốn 01 chi phí khá lớn để diệt ốc bươu vàng và chuột cắn lúa. Nông dân Thạch Sa Ren, ấp Nô Pộk, xã Trường Thọ cho biết: gia đình có 01ha sản xuất giống lúa OM 18, trong thời gian 01 tháng ở đầu vụ, gia đình đã chi hơn 02 triệu đồng tiền mua thuốc diệt ốc bươu vàng. Nếu giá lúa vụ này bằng với vụ hè - thu thì người trồng lúa sẽ không có lợi nhuận, do vụ lúa thu - đông thường gặp mưa bão ở đầu vụ và giai đoạn thu hoạch cùng với đó năng suất thấp hơn vụ hè - thu.

Dự kiến năng suất lúa vụ này đạt khoảng 05 - 5,2 tấn/ha; còn ở vụ hè - thu trên 06 tấn/ha và chi phí sản xuất không cao.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/vu-lua-thu-dong-mua-nam-2023-nhieu-bat-loi-do-thoi-tiet-va-gia-vat-tu-nong-nghiep-tang-32584.html