Vũ khí đột phá giúp Nga đạt mục tiêu nhưng ít hao tổn trên chiến trường Ukraine

Bằng việc tăng cường đáng kể những vụ dội bom lượn vào các mục tiêu của Ukraine thời gian gần đây, Nga đã liên tục có được những thắng lợi then chốt trên chiến trường.

Vũ khí "cổ" nhưng hiệu quả

Washington Post dẫn lời các chuyên gia phương Tây nhận định, loại bom có từ thời Liên Xô có khả năng mang tới nửa tấn chất nổ này, đã được gắn thêm cánh và hệ thống dẫn đường để có thể bay một quãng đường dài với độ chính xác cao.

Điều này cho phép các máy bay chiến đấu của Nga có thể thả vũ khí này từ xa mà không bị hệ thống phòng không của Ukraine tiêu diệt.

Trên thực địa, cùng với máy bay không người lái, tên lửa và đạn pháo, những quả bom lượn đã giúp tăng cường đáng kể sức công phá của quân đội Nga ở khu vực miền Đông Ukraine mà mới đây nhất là việc Nga đánh chiếm thành công thành phố Avdiivka. Đây cũng là một trong những thắng lợi quan trọng của quân đội Nga trong gần một năm qua.

Người phụ nữ bước qua xác chiếc máy bay Su-34 của Nga bị bắn hạ tại Chernihiv (Ảnh: Reuters).

Phía Ukraine đánh giá, vũ khí hiệu quả nhất để đối đầu với loại bom đáng sợ này của Nga chính là tiêm kích F-16 của Mỹ mà nước này liên tục yêu cầu đồng minh cung cấp cho họ.

Trước khi được tiếp nhận F-16 trong thời gian tới, những quả bom lượn được Nga lần đầu triển khai năm 2023 chính là giải pháp hiệu quả nhất để Nga phô diễn ưu thế vượt trội về không quân của mình trước hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của đối phương.

Người phát ngôn quân đội Ukraine ở khu vực phía Đông nước này Dmytro Lykhovii cũng thừa nhận bom lượn là một loại vũ khí hủy diệt cực mạnh.

Bản thân phía Ukraine cũng sử dụng các loại bom lượn, bao gồm cả Bom tấn công trực tiếp phối hợp (JDAM) do Mỹ sản xuất có độ chính xác cao hơn các loại bom lượn của Nga. Tuy nhiên, nguồn cung cấp từ Mỹ lại có giới hạn.

Trong chiến dịch tấn công thành phố Avdiivka tháng trước, những quả bom lượn của Nga đã chứng minh sự hữu dụng khi đóng vai trò quan trọng giúp quân đội Nga chiếm được khu vực then chốt này bằng việc liên tục dội bom vào các mục tiêu của đối phương.

Trong một tài khoản đăng tải trên Telegram trong quá trình diễn ra chiến dịch Avdiivka, Maksym Zhorin – binh sĩ thuộc Lữ đoàn Xung kích số 3 – đã mô tả chi tiết việc có từ 60-80 quả bom lượn được thả xuống khu vực của anh mỗi ngày.

"Những quả bom này phá hủy hoàn toàn bất kỳ vị trí nào. Mọi tòa nhà và cơ sở hạ tầng đều biến thành một chiếc hố lớn chỉ sau một đợt bom", Zhorin nói.

Ông Konrad Muzyka, Giám đốc Viện Tư vấn Quốc phòng Rochan có trụ sở tại Ba Lan, dẫn số liệu từ Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, kể từ giữa tháng 12 năm ngoài, số lượng các cuộc không kích của Nga sử dụng bom lượn đã tăng lên đáng kể. Đến tháng 1 năm nay, số lượng các cuộc không kích của Nga mỗi ngày đã vượt qua con số 100 và lên tới gần 160 trong suốt 4 ngày trước khi Avdiivka sụp đổ.

"Những đợt ném bom này gần như không khiến Nga tổn thất gì nhiều. Tôi có thể hình dung họ có rất nhiều loại bom này và có lẽ còn lâu mới bị cạn kiệt", ông Muzyka nhận định.

Blogger người Nga Military Informant (Người đưa tin quân sự - PV) cũng xác nhận ở một nội dung đăng tải trên Telegram ngày 2/3 rằng máy bay Nga "đã tăng cường đáng kể tỷ lệ dội bom vào các mục tiêu của Ukraine đặc biệt là ở khu vực quanh Avdiivka nhằm ngăn chặn khả năng sống sót của các lực lượng quân đội Ukraine, khiến cho họ chịu tổn thất lớn về nhân lực và lãnh thổ".

Ukraine có chịu bó tay?

Nhà phân tích quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Chiến lược có trụ sở tại Kiev, Ukraine Mykola Bielieskov nhận định, loại bom lượn này của Nga đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với Ukraine.

Những quả bom này được làm bằng thép dày có trọng lượng lớn nên gần như không thể bị bắn hạ. Hơn thế nữa, các hệ thống phòng không thường được căn chỉnh để phát hiện mục tiêu là tên lửa và rocket có quỹ đạo bay có thể dễ dàng xác định nên khó có thể dùng để chống lại các quả bom thả từ trên máy bay xuống.

"Chúng tôi đang nỗ lực chống lại họ chỉ với một nguồn lực bị giới hạn. Cách thức tốt nhất để có thể khôi phục lại tình thế có lợi cho Ukraine phải là chiến đấu cơ F-16 mà các phi công Ukraine đang được huấn luyện bay và có thể được đưa ra chiến trường vào mùa Hè năm nay.

F16 với những cải tiến mới nhất gồm tên lửa không đối không AIM-120 có thể tăng cường khả năng tiêu diệt các chiến đấu cơ của Nga trong lúc phương tiện này tiến hành ném bom hoặc quay trở về căn cứ", ông Bielieskov

Khung cảnh tan hoang tại Orikhiv, Ukraine sau khi dính bom lượn của Nga (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, lực lượng phòng không Ukraine cho biết, họ cũng đã đạt được một số thành tích đáng kể như đã bắn hạ 15 máy bay quân sự của Nga gồm 10 máy bay ném bom Su - 34, hai máy bay chiến đấu Su-35 và một chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50 chỉ trong tháng 2.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã lên tiếng bày tỏ thận trọng trước những con số mà phe Ukraine cung cấp bởi nó chưa được xác minh độc lập.

Ông Justin Bronk, chuyên gia về không chiến và là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện các Quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh có trụ sở tại London, chia sẻ: "Việc báo cáo vống là vấn đề thường xuyên xảy ra trong các cuộc giao tranh từ xa".

Bản thân ông Bronk đánh giá có khả năng một chiếc máy bay nào đó bị bắn hạ trong giao tranh nhưng cũng có thể chiếc máy bay đó chủ động hạ độ cao xuống dưới tầm quét của radar để tránh hỏa lực của Ukraine khiến nó hoàn toàn biến mất trên màn hình radar.

Cùng chung quan điểm này, ông Muzyka cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa nhận thấy sự suy giảm đáng kể nào về số lượng các cuộc không kích của Nga".

Viện nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington D.C tuần trước cũng cho biết: "Những chiếc máy bay Nga dường như đang tiếp tục thực hiện các vụ ném bom lượn với tần suất cao" bất chấp những báo cáo từ Ukraine về việc bắn rơi máy bay Nga. Theo viện này, điều này "nhiều khả năng là do Bộ chỉ huy quân đội Nga nhận thấy chiến dịch ném bom có hiệu quả tích cực hơn so với những tổn thất mà họ phải gánh chịu".

Bên cạnh đó, không quân Nga cũng đã gia tăng các cuộc tấn công sử dụng bom lượn ở Kharkiv. Thống đốc Kharkiv Oleh Synyehubov cho biết, lần đầu tiên thành phố Kupyansk đã phải hứng chịu một đợt bom lượn. "Nếu bạn xem xét tình hình từ 10 tháng trước bạn sẽ thấy họ hiếm khi sử dụng bom lượn nhưng giờ nó đã trở thành ưu tiên của họ", ông Synyehubov nói.

Một thông tin có phần tích cực cho Ukraine là chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố gói viện trợ mới nhất dành cho nước này trị giá 300 triệu USD. Theo người phát ngôn quân đội Mỹ, Thiếu tướng Pat Ryder số tiền này sẽ dùng mua sắm tên lửa đối không Stinger, đạn pháo 155mm và 105mm… và các loại vũ khí quan trọng khác cho Ukraine.

Hiện, Lầu năm góc có thể chi thêm khoảng 4 tỷ USD cho mục đích viện trợ trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, họ cũng đang phải cân nhắc rất nhiều bởi nếu làm như vậy, nhiều khả năng họ sẽ không đủ tiền để mua bổ sung vũ khí cho quân đội Mỹ trong trường hợp gói cứu trợ trị giá 60 tỷ USD dành cho Ukraine không được Hạ viện Mỹ thông qua.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-khi-dot-pha-giup-nga-dat-muc-tieu-nhung-it-hao-ton-tren-chien-truong-ukraine-192240317200312828.htm