Vụ khai thác trái phép hàng chục nghìn m3 đất rừng bên bờ hồ thủy lợi Khe Rò 3: Công ty GFC lợi dụng nạo vét lòng hồ thủy lợi Khe Rò 3 để khai thác đất trái phép

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Nguyễn Minh Hoàng khi làm việc với phóng viên Báo Quảng Trị. Ông Hoàng nói: Vì công ty này được cấp phép nạo vét, tận thu lòng hồ thủy lợi Khe Rò 3 nên khi thấy hàng đoàn xe tải chở đất ra khỏi địa bàn, người dân lầm tưởng rằng đó là sản phẩm tận thu nên không báo với chính quyền. Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ môi trường GFC (Công ty GFC) đã lợi dụng lòng tin của Nhân dân để khai thác trái phép đất bên cạnh lòng hồ Khe Rò 3 mang đi nơi khác.

Từ diện tích bị khai thác đất trái phép với độ sâu này, mưa lớn sẽ tạo thành dòng nước mạnh cuốn theo đất đá trôi về lấp đầy hồ thủy lợi Khe Rò 3 - Ảnh: MT

Cho thuê bãi chứ không bán tài nguyên đất

Vụ khai thác trái phép hàng chục nghìn m3 đất ngay sát hồ thủy lợi Khe Rò 3 khiến dư luận hoài nghi có sự thỏa thuận giữa chủ đất là ông Nguyễn Văn Ba và đối tượng khai thác. Thực tế qua tìm hiểu được biết, ông Ba có thỏa thuận cho Công ty GFC (trụ sở tại Khu phố 5, Phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) thuê đất để mở đường và làm bãi tập kết vật liệu tận thu từ nạo vét lòng hồ thủy lợi Khe Rò 3.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã Hải Lâm đã có nhiều phiên làm việc với ông Nguyễn Văn Ba để làm rõ các vấn đề liên quan. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, ông Ba vì đã bán tài nguyên đất cho đối tượng khai thác trái phép nên không dám báo với chính quyền về việc đất bị khai thác. Trong cuộc làm việc của phóng viên với UBND huyện Hải Lăng hôm 8/5, ông Lê Xuân Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, sẽ tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm khắc ông Ba về hành vi này.

Phân trần sự việc, ông Nguyễn Văn Ba cho biết, năm 2022, ông có làm việc với anh Giang (tự xưng là giám đốc Công ty GFC) về việc cho thuê 0,8 ha đất rừng làm nơi tập kết vật liệu và mở đường vận chuyển đất tận thu từ lòng hồ Khe Rào 3.

Công ty chi trả 70 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại về cây và 20 triệu đồng tiền thuê bãi tập kết vật liệu, máy móc. Việc thỏa thuận này chỉ bằng lời nói chứ không lập văn bản. Ngày 4/5, khi phát hiện đất gia đình bị khai thác trộm, ông liền điện cho anh Giang, hỏi: Sao các anh múc đất của tôi sâu vậy? Anh Giang trả lời: Tôi đang đi vắng, lỡ có múc sâu quá, Giang vào sẽ xử lý.

Như vậy, theo lời ông Nguyễn Văn Ba thì ông chỉ cho thuê diện tích đất chứ không hề bán tài nguyên đất cho Công ty GFC khai thác. Ông Ba cũng bức xúc việc công ty “múc trộm” đất của gia đình mình nên yêu cầu cơ quan chức năng điều tra rõ.

Trao đổi để làm sáng tỏ vấn để này với ông Lê Xuân Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hải Lăng, phóng viên đưa ra giả thiết: Nếu ông Nguyễn Văn Ba bán đất thì sẽ không thu về 90 triệu đồng, trong đó giá bồi thường cây trên đất đã là 70 triệu như ông đã khai báo. Vì nếu áp theo giá thị trường thì với hàng chục nghìn m3 đất đồi, Công ty GFC phải thanh toán cho ông Ba hàng trăm triệu đồng.

Giả thiết thứ hai, cứ cho rằng giữa Công ty GFC và cá nhân ông Nguyễn Văn Ba có thỏa thuận bằng lời nói, hoặc văn bản, thì cũng không có giá trị pháp lý, vì việc bán tài nguyên đất thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Các cá nhân, hộ gia đình chỉ được sử dụng thửa đất đúng mục đích sử dụng đã ghi ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nên, trong vụ này, đối tượng cần phải xử lý nghiêm minh là những người đã tổ chức và trực tiếp khai thác trái phép tài nguyên đất, chứ không phải người cho thuê mảnh đất đó- ông Nguyễn Văn Ba.

Đồng quan điểm với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải khẳng định, sẽ chỉ đạo kiểm tra tất cả hoạt động của Công ty GFC tại hồ thủy lợi Khe Rò 3, đặc biệt về quy trình nạo vét, việc chấp hành pháp luật có liên quan. Qua đó, huyện sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan của tỉnh để xử lý theo pháp luật.

Từ đồi cao biến thành…hồ

Bên cạnh việc khai thác tài nguyên đất trái phép, việc triển khai nạo vét lòng hồ thủy lợi Khe Rò 3 của Công ty GFC không tuân thủ quy định cũng gây dư luận nhiều bức xúc.

Toàn bộ diện tích 0,8 ha của ông Nguyễn Văn Ba hiện trạng như một lòng hồ - Ảnh: MT

Ngày 4/10/2021, UBND tỉnh cấp giấy phép số 2853/GP- UBND cho phép Công ty GFC được tiến hành hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình các hồ thủy lợi: Khe Rò 1, Khe Rò 2, Khe Rò 3 thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng với tổng diện tích 41,14 ha, trong đó hồ thủy lợi Khe Rò 3 là 6,48 ha.

Cụ thể được nạo vét, tăng dung tích trữ nước các hồ thủy lợi nói trên, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp. Phạm vi nạo vét từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước chết. Độ sâu nạo vét trung bình tại hồ Khe Rò 3 là 2,256 m. Công ty GFC có trách nhiệm thực hiện các nội dung trong Quy chế phối hợp thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp của UBND tỉnh.

Tại Điều 3 Quy chế phối hợp thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp của UBND tỉnh nêu rõ: “ Việc nạo vét lòng hồ thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn phải phát huy hiệu quả sử dụng đa mục tiêu của hồ chứa, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, không gây ảnh hưởng đến các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, không làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh”.

Không chấp hành nghiêm túc quy định của UBND tỉnh, Công ty GFC đã khai thác trái phép một số lượng lớn đất sát bờ hồ thủy lợi Khe Rò 3, đã không phát huy hiệu quả sử dụng đa mục tiêu của hồ chứa, không đảm bảo an toàn hồ chứa nước, mà còn gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến các công trình đường sá và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

Sau khi được cấp phép, Công ty GFC thuê 0,8 ha đất rừng của hộ ông Nguyễn Văn Ba để mở đường xuống hồ khai thác và làm bãi tập kết đất tận thu dưới lòng hồ. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng thì qua xác minh khẳng định, Công ty GFC đã lợi dụng việc nạo vét lòng hồ thủy lợi Khe Rò 3 để khai thác trái phép đất rừng khối lượng lớn, vận chuyển ra bên ngoài.

Theo biên bản kết quả đo đạc của UBND xã Hải Lâm tại hiện trường khu đất ông Nguyễn Văn Ba ghi rõ, khu vực bị khai thác trái phép có tổng chiều dài 120 m, chiều ngang rộng nhất 38 m, chiều sâu nhất 8 m.

Thêm một vấn đề khác, mặc dù trong quyết định của UBND tỉnh cho phép Công ty GFC nạo vét theo công nghệ dùng máy đào xúc các tầng thứ tự từ xa bờ đến gần bờ, độ dốc từ thấp đến cao để đảm bảo quanh hồ có vành đai an toàn bảo vệ công trình không bị xói lở, nhưng phía Công ty GFC thực hiện ngược lại quy trình này.

Công ty dùng máy móc khai thác đất xung quanh khu vực bờ hồ khiến vành đai an toàn của Khe Rò 3 trở thành một hồ chứa nước khác với độ sâu tương tự. Báo cáo của UBND xã Hải Lâm ghi rõ: “Toàn bộ diện tích 0,8 ha của ông Nguyễn Văn Ba hiện trạng như một lòng hồ”.

Người dân trong vùng lo lắng, mùa mưa lũ đến, khu vực này trở nên rất nguy hiểm do bị xói lở nặng. Từ diện tích bị khai thác đất trái phép với độ sâu này, mưa lớn sẽ tạo thành dòng nước mạnh cuốn theo đất đá trôi về lấp đầy hồ thủy lợi Khe Rò 3.

Như vậy, mục tiêu cải tạo, nạo vét lòng hồ Khe Rò 3 nhằm tăng dung tích trữ nước, chống hạn cho diện tích lớn cây lương thực trên địa bàn huyện Hải Lăng sẽ không thực hiện được, tức việc đầu tư của Nhà nước rơi vào lãng phí, kém hiệu quả.

Minh Tuấn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/an-ninh-trat-tu/thong-tin-tiep-vu-khai-thac-trai-phep-hang-ngan-m-3-dat-o-bo-ho-thuy-loi-khe-ro-3-cong-ty-gfc-loi-dung-nao-vet-long-ho-thuy-loi-khe-ro-3-de-khai-thac-dat-trai-phep/176847.htm