Vụ đông sớm: Thu nhập cao nhưng khó mở rộng

Theo tính toán, mỗi sào dưa chuột vụ đông sớm đem lại cho bà con nông dân xã Lương Phú (Phú Bình) thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cây trồng vụ đông sớm lại đang gặp không ít khó khăn.

Vợ chồng ông Đỗ Văn Đại, ở xóm Mảng, xã Lương Phú (Phú Bình), mặc dù năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn là lao động chính trong sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Từ nhiều năm qua, bà con nông dân xã Lương Phú đã đưa cây dưa chuột vào trồng trong vụ đông sớm. Theo đó, dưa chuột cho thu hoạch ngay từ khi người dân bắt đầu gặt lúa mùa muộn. Do thời điểm này trên thị trường có ít dưa chuột nên dễ tiêu thụ, sản phẩm lại được giá. Dưa thu hoạch đến đâu được các thương lái đến tận ruộng thu mua đến đó.

Bà Cao Thị Lan, ở xóm Mảng, xã Lương Phú, cho biết: Tôi bắt đầu trồng dưa chuột sau khi thu hoạch xong lúa mùa sớm. Năm nay, gia đình trồng 1 sào dưa, năng suất bình quân đạt khoảng 1,5 tấn/sào, nếu chăm sóc tốt có thể đạt tới 2 tấn.

Đang vận chuyển những bao dưa vừa thu hoạch đến điểm tập kết để bán cho thương lái, bà Phạm Thị Dư, xóm Phú Mỹ, chia sẻ: Tùy từng thời điểm, thương lái thu mua dưa chuột với giá dao động từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg. Năm nay, giá dưa rẻ hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với năm ngoái, nhưng mỗi sào dưa chúng tôi vẫn thu được khoảng 6-10 triệu đồng.

Mặc dù mỗi sào dưa chuột vụ đông sớm cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa, đầu ra cũng thuận lợi, nhưng theo bà con thì việc mở rộng diện tích lại gặp khó khăn. Nguyên nhân là do ngày càng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Đỗ Văn Đại, sinh năm 1960, ở xóm Mảng, bộc bạch: Cây dưa chuột là loại hoa màu không khó trồng, chi phí đầu tư ít song cần nhiều công lao động từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hái. Cũng bởi thế nên gia đình tôi dù có 10 sào ruộng nhưng chỉ trồng 2 sào dưa chuột vụ đông sớm, vì các con đi làm công ty hết, chỉ còn hai vợ chồng tôi làm ruộng.

Về vấn đề này, ông Dương Đình Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phú, cho biết: Xã hiện có 1.187 hộ, với 5.287 nhân khẩu. Trong đó, lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm trên 65%. Hiện nay, đa phần lao động trẻ trên địa bàn đều đi làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, chỉ còn lại những người trung và cao tuổi tham gia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, dù cây trồng vụ đông sớm như dưa chuột, ớt, đỗ, cà chua... đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân nhưng lại khó mở rộng diện tích trồng vì thiếu lao động. Năm nay, diện tích trồng rau màu vụ đông của xã chỉ đạt khoảng 70ha trong tổng số 642ha đất nông nghiệp.

Để góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, ông Dương Đình Duy cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hai hợp tác xã nông nghiệp, nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên mới chỉ đóng vai trò như thương lái, chứ chưa trực tiếp tham gia sản xuất.

Thời gian tới, chúng tôi đề xuất các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm giúp các hợp tác xã có điều kiện liên kết với các hộ dân để đưa máy móc vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Qua đó khai thác tối đa lợi thế sản xuất vụ đông, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202312/vu-dong-som-thu-nhap-cao-nhung-khomo-rong-2e101b7/