Vụ đem cá chết ra quốc lộ: Ngư dân phải bán đất trả nợ

Hàng chục tấn cá trên làng bè sông Chà Và chết trắng đã đẩy ngư dân vào thua lỗ. Nhiều hộ trắng tay, phải bán đất lấy tiền trả nợ.

Ngày 14/10, ngư dân làng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết tình trạng cá chết vẫn tiếp diễn và tình trạng này đã sang ngày thứ 3.

Theo số liệu thống kê từ lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến sáng cùng ngày, đã có 17 hộ bị ảnh hưởng với tổng lượng thiệt hại gần 63 tấn.

Hải sản bị chết bao gồm cá chim, cá bớp, cá chẽm, mú... gần thu hoạch, có trọng lượng từ 0,3 kg đến 7 kg mỗi con.

Ngư dân Dư Việt Xuân cho biết: "Chúng tôi dùng máy sục khí oxy cứu hải sản nhưng không cải thiện được tình hình. Cá vẫn bỏ ăn, bơi chậm và chết dần. Trong sáng nay, tôi vớt khoảng 50 kg xác cá mang đi tiêu hủy.

Ngư dân Lê Văn Thuận (46 tuổi) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng trong đợt này. Ông nói: "Trong bốn ngày, 10 tấn cá bớp thương phẩm ồ ạt chết làm gia đình thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Thất thu trong khi các khoản nợ đến hạn nên tôi phải bán mảnh đất ở xã Long Sơn để giải quyết một phần. Gia đình đang nợ ngân hàng và bạn bè, người thân 900 triệu đồng". Trong ảnh: Cá Đù Mỹ giống của ông Thuận mới nuôi bị chết trắng.

Khi hải sản chết với số lượng lớn, nhiều gia đình tìm cách bán cho các hộ chăn nuôi với giá rẻ để vớt vát. Số bị ươn, thối, họ mang lên bờ sông đổ tạo thành đống gây ô nhiễm môi trường.

Theo ngư dân, xác cá còn tươi bán với giá rẻ mạt nhưng không phải lúc nào cũng có người mua.

Không nỡ vứt bỏ, họ xẻ thịt, ướp muối hoặc chất vào tủ đông lạnh để sử dụng làm thực ăn.

Một ngư dân chọn những con cá bớp còn tươi để xẻ thịt, phơi làm thực phẩm khô

Ngư dân Võ Văn Cường, cho biết đây là lần thứ 4 trong năm xảy ra tình trạng hải sản chết hàng loạt. Không chỉ các hộ nuôi cá, những gia đình nuôi hàu cũng bị thiệt hại. Có hộ trắng tay nên phá bè nuôi, bỏ sông lên bờ tìm việc làm. "Nếu chính quyền, lực lượng chức năng không có biện pháp ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện tình hình thì cuộc sống ngư dân còn phải chịu thiệt hại. Gia đình tôi 6 miệng ăn trông chờ vào bè cá nhưng giờ mất trắng rồi", ngư dân 44 tuổi, nói.

"Cách đây mấy hôm, 44 lồng nuôi còn đầy cá nhưng giờ trở thành lồng không. Hàng trăm triệu đồng, công sức chăm sóc suốt năm trời mất trắng trong vài ngày", ông Thuận buồn bã.

Ông Trần Văn Ba có thâm niên 8 năm nuôi cá lồng nhưng đây là lần ông bị thiệt hại nặng nhất. Người đàn ông 49 tuổi nói cá chết làm gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Liên tưởng câu chuyện buồn khi nghề gặp rủi ro, ông tâm sự: "Hai năm trước, cũng vì cá chết mà em rể tôi lâm nợ. Không có khả năng trả nên nó buồn phiền rồi tưới xăng lên người tự thiêu".

Trước đó, vào ngày 13/10, người dân nghi ngờ cá chết do các doanh nghiệp chế biến hải sản gần sông Chà Và xả thải qua cống số 6 nên họ đưa xác cá đến cổng công ty phản đối. Hàng chục người đổ cá ra đường, chặn quốc lộ 51 qua khu vực xã Tân Hải, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) để gây áp lực. Chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng phải cử cán bộ đến giải thích, vận động người dân giải tán.

Ngọc An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-dem-ca-chet-ra-quoc-lo-ngu-dan-phai-ban-dat-tra-no-post689622.html