Vụ cướp máy bay Mig-29 đào tẩu của phi công Liên Xô và kết cục của kẻ phản bội

Sáng ngày 20/5/1989, thành phố cảng Trabzon của Thổ Nhĩ Kỳ nằm bên bờ Hắc Hải đang chìm đắm trong không khí yên ả của ngày nghỉ cuối tuần bỗng bị những âm thanh chói tai của một chiếc máy bay chiến đấu phản lực phá vỡ.

Chiếc Mig-29 của Custody tại căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ được canh giữ cẩn mật

Trước ánh mắt hoảng hốt của mọi người, chiếc chiến đấu cơ siêu thanh hiện đại kiểu lạ mang phù hiệu ngôi Sao đỏ của không quân Xô-viết lượn 1 vòng thấp rồi hạ cánh xuống căn cứ không quân Trabzon. Khi những người lính Thổ Nhĩ Kỳ lăm lăm súng chạy tới, viên phi công mở nắp buồng lái, kêu lớn: “Đừng bắn! Tôi là người Mỹ!”.

Mig-29 – nỗi thèm khát của người Mỹ

Chiếc chiến đấu cơ Liên Xô bất ngờ hạ cánh xuống căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ đó chính là loại Mig-29 vừa mới được đưa vào trang bị của không quân Xô-viết cách đó ít lâu. Loại máy bay tiêm kích hiện đại được NATO đặt tên là “Fulcrum” (Điểm tựa) này lần đầu xuất hiện công khai tại Triển lãm hàng không quốc tế Anh tháng 6/1988 đã khiến các chuyên gia hàng không quân sự trầm trồ thán phục bởi những động tác nhào lộn phức tạp và khả năng cơ động tuyệt vời.

Khi đó, người thực hiện chuyến bay biểu diễn trên chiếc Mig-29 là viên phi công Anatoly Malik thuộc Cục Thiết kế Moskva. Sau khi cất cánh, Malik bắt đầu tăng tốc độ cho chiếc Mig-29 theo một góc độ lớn và đạt đến độ cao tối đa, sau đó toàn thân máy bay lật úp, đầu máy bay vòng từ trên xuống trước khi trở lại trạng thái bay bình thường trước sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ của tất cả mọi người có mặt.

Kiểu bay này của các phi công Liên Xô được các chuyên gia lúc đó gọi là “kiểu chuông treo ngược”, đây là một kỹ năng bay vô cùng phức tạp và nguy hiểm, khi đó chưa có phi công nước nào thực hiện được.

Sơ đồ đường bay chạy trốn của Custody

So sánh với các loại máy bay Mig-21, Mig-23 và Su-15 thì đặc điểm nổi trội nhất của máy bay này là có khả năng cơ động cao nhờ vào thiết kế khí động học, cùng với hệ thống chống rađa và trang thiết bị vũ khí hiện đại. Tháng 7/1976, Cục Thiết kế Moskva đưa ra mô hình đầu tiên của Mig-29 và đến tháng 8/1977, họ đã cho ra mắt một chiếc máy bay hoàn chỉnh và 2 tháng sau, loại máy bay này được tiến hành kiểm tra lần cuối rồi được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1982.

Kết quả đánh giá của Cục Thiết kế Moskva cho thấy, do được trang bị hệ thống tên lửa không đối không tầm thấp R-73, nên khả năng tác chiến của Mig-29 cao hơn rất nhiều so với hai loại máy bay chiến đấu F-15 và F-16 hiện đại nhất của Mỹ khi đó. Hơn một năm sau, 30 chiếc Mig-29 đầu tiên bắt đầu được đưa vào trang bị cho lực lượng Không quân Liên Xô.

Mặc dù việc nghiên cứu và trang bị máy bay Mig-29 này được thực hiện hết sức bí mật, thế nhưng CIA vẫn biết được và tiến hành các hoạt động gián điệp để thu thập thông tin về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của loại máy bay này. Điều khiến các nhân viên tình báo của CIA cảm thấy lo ngại là loại máy bay này có thể tránh được sự theo dõi của hệ thống rada đối phương nhờ vào khả năng bay và tốc độ vượt trội của nó.

CIA chỉ thị cho các điệp viên nằm vùng tại Liên Xô phải tìm mọi cách để nắm cho được những thông số kỹ thuật cùng tính năng, trang bị của nó, nếu tìm cách có được một chiếc Mig-29 còn nguyên thì càng tốt; CIA còn trao giải 1 triệu USD cho ai lấy được một chiếc Mig-29. Giữa lúc họ đang bối rối chưa tìm được cách thực hiện ước muốn này thì một kẻ phản bội đã đem dâng món quà vô giá này tận nơi. Kẻ phản bội đó là viên Đại úy phi công Xô viết Alexandre Custody.

Custody sau khi tới Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc trốn chạy bất ngờ

Đúng vào thời điểm mà CIA vô cùng sốt ruột vì không thu được những thông tin giá trị về Mig-29, thì viên phi công, Đại úy không quân Alexandre Custody thuộc một sư đoàn bay tại khu căn cứ không quân Tskhakaya của Gruzia, đang âm thầm nghĩ kế chạy trốn cùng chiếc Mig-29.

Custody vốn là một phi công lái máy bay trực thăng vũ trang Mi-24, sau đó được chuyển loại sang học lái máy bay phản lực. Năm 25 tuổi, anh ta kết hôn với con gái vị Tham mưu trưởng sư đoàn, sau đó được cử đi đào tạo phi công thử nghiệm, nhưng do yêu cầu của việc nhập học rất nghiêm khắc nên Custody không qua được các khâu tuyển chọn, phải trả về đơn vị.

Đối với Alexandre Custody, việc được lái một chiếc Mig-29 là điều khó khăn vì theo quy định lúc đó, bất cứ phi công nào được lái Mig-29 đều phải tham gia vào lớp bay thử nghiệm. Nhưng rồi Custody được trực tiếp lái chiếc Mig-29 là vì bố vợ anh ta chính là Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân phụ trách căn cứ này, hơn nữa bản thân Custody là một người cũng có chút uy tín tại khu căn cứ này, bởi anh ta là một người thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát... và tất nhiên, không một ai nghi ngờ gì về động cơ chính trị của anh ta.

Tuy vậy, do bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây thâm nhập vào Liên Xô sau khi ông Gorbachev lên cầm quyền, Custody bắt đầu nảy sinh ý nghĩ thay đổi vị trí công tác. Anh ta đã nộp đơn xin chuyển công tác khỏi căn cứ không quân Tskhakaya để về Nga nhưng không được chấp thuận. Thất vọng vì không thể thuyên chuyển được công tác, Custody bắt đầu rơi vào trạng thái chán nản. Anh ta thường xuyên đi muộn về sớm, mượn rượu giải sầu.

Trước tình trạng đó, chỉ huy khu căn cứ đã nhiều lần gặp gỡ, khuyên nhủ và động viên Custody: “Cậu nên trân trọng trước sự tín nhiệm của lãnh đạo dành cho cậu, hãy cố gắng làm chủ chiếc Mig-29, tương lai chính trị của cậu đang rất rộng mở”.

Chiếc Mig-29 trong trạng thái mang vũ khí trực chiến

Thế nhưng, Custody đã để ngoài tai tất cả những lời khuyên nhủ đó. Anh ta càng ngày càng nghiện rượu nặng và thường xuyên không về nhà. Không lâu sau đó, người vợ của anh đang mang thai không chịu được người chồng suốt ngày chỉ biết uống rượu và chửi bới đã quyết định sống ly thân.

Đúng lúc đó, Custody cũng nhận được lệnh dừng bay của cấp trên. Anh ta nghĩ: “Mình đã không được thuyên chuyển công tác lại bị cắt bay, chi bằng hãy cướp máy bay bỏ trốn sang Mỹ tị nạn chính trị để có cuộc sống tốt hơn”. Lấy lý do mất ngủ, Custody đã nhiều lần đến các hiệu thuốc tìm mua trữ một lượng lớn thuốc ngủ, chuẩn bị khi cần sẽ dùng.

Ngày 19/5/1989, Custody đột nhiên nhận được nhiệm vụ trực ban giám sát các máy bay cất, hạ cánh tại khu căn cứ từ chiều đến sáng sớm ngày hôm sau. Nhận thấy đây là thời cơ tốt nhất để ra tay, anh ta quyết định thực hiện kế hoạch chạy trốn đã hoạch định từ trước. Custody quay lại khu nhà nghỉ, cho toàn bộ số thuốc ngủ đã chuẩn bị trước đó vào những chiếc bánh ga-tô rồi mang đến tháp điều hành bay đưa cho đồng đội cùng ca trực, nói dối rằng đây là quà của vợ anh ta làm cho anh em trong căn cứ vì vợ anh ta vừa mới sinh được con gái.../.(Mời xem tiếp số sau)

Thu Thủy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//quoc-te/vu-cuop-may-bay-mig29-dao-tau-cua-phi-cong-lien-xo-va-ket-cuc-cua-ke-phan-boi-347578.html