Vụ Cty VN Pharma nhập thuốc ung thư 'giả': Đề nghị cơ quan tố tụng xem xét đúng bản chất vụ án

Đó là ý kiến của ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Chống Buôn lậu, Gian lận Thương mại và Hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) - trong cuộc trao đổi với Lao Động chiều ngày 5.9.

Các bị cáo trong vụ án thuốc ung thư của Cty VN Pharma.Ảnh: L.D

Cần xem xét đúng bản chất vụ án

Với tư cách cá nhân, với kinh nghiệm nhiều năm trong quản lý, đấu tranh chống hàng nhái hàng giả được phân công mà trực tiếp phối hợp với Bộ Y tế, ông Trần Hùng - cho rằng: “Với những quy định, luật pháp, hồ sơ các vụ án mà tôi nắm được, tôi cảm thấy chưa tâm phục khẩu phục trước những phát ngôn của Bộ Y tế. Dấu hiệu bắt buộc của hành vi buôn lậu là hàng phải qua biên giới. Hơn thế, thuốc cũng chỉ là một hàng hóa thôi, vì vậy phải chiếu theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, Nghị định đã giải thích rất rõ hàng giả là gì? Chỉ cần chiếu theo Nghị định này, thì tôi có thể khẳng định lô thuốc ung thư mà VN Pharma nhập về Việt Nam là hàng giả” - ông Trần Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng kiến nghị: “Để lập lại trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, nhất là thuốc, bởi thuốc giả ảnh hưởng đến tính mạng con người, tôi đề nghị các cơ quan tố tụng TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét đúng bản chất vụ án, bởi đây là tội buôn bán hàng giả”. Ông cho rằng buôn bán thuốc giả là tội ác. Mà đã là tội ác thì phải bị trừng phạt đúng với hành vi mà những kẻ phạm tội gây ra.

Trách nhiệm của Bộ Y tế ở đâu?

Theo thông tin của Bộ Y tế, từ công văn của Cơ quan an ninh điều tra đề nghị xử lý khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dược của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã thực hiện xử lý hành chính, yêu cầu các cán bộ liên quan và chuyên gia thẩm định báo cáo giải trình, rút kinh nghiệm sâu sắc và thực hiện việc luân chuyển lãnh đạo, chuyên viên phụ trách, thay thế và bổ sung các chuyên gia thẩm định.

Điều đáng nói là cho đến thời điểm này, người phụ trách mảng Dược của Bộ Y tế vẫn “im hơi lặng tiếng”. Bộ Y tế đã phân công Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến tới dự và “đứng mũi chịu sào” trước những câu hỏi rất gay gắt từ phía báo chí về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong việc xử lý thuốc nhập khẩu của VN Pharma. Trong khi đó, ai cũng biết, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến là giáo sư hàng đầu trong ngành sản khoa, ông không có chuyên môn về dược, cũng không phải là người có thể đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ bê bối thuốc giả VN Pharma.

Khi đề cập đến việc cấp giấy chứng nhận nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet, Bộ Y tế nói rằng theo quy định hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhập khẩu cần có giấy chứng nhận thuốc lưu hành tự do (FSC) và giấy chứng nhận nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), nhưng do hai tài liệu trên làm giả quá tinh vi nên các chuyên gia về dược không phát hiện được bằng mắt thường.

Tại sao giấy phép hoạt động tại Việt Nam của nhà nhập khẩu là Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn nhưng tổ thẩm định Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) không phát hiện? Câu hỏi này, Bộ Y tế cũng không đưa ra được câu trả lời. Thời điểm mà tổ thẩm định hồ sơ xin nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet bắt đầu từ ngày 5.11.2013 đến ngày 25.12.2013, trong khi đó giấy phép hoạt động tại Việt Nam của công ty này đã hết hạn từ ngày 6.10.2013.

Thông tin Cục Quản lý Dược đã cấp số đăng ký lưu hành cho 7 loại thuốc và cấp phép nhập khẩu cho 3 loại thuốc đều từ hồ sơ giả đã được Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) xác định cũng không được Bộ Y tế công khai.

Trong nhiều ngày qua, phóng viên Lao Động cũng như nhiều cơ quan thông tấn, báo chí khác đã liên tục liên hệ với Thứ trưởng Trương Quốc Cường kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế để chất vấn các thông tin liên quan, đồng thời làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc thẩm định, cấp giấy phép cho VN Pharma nhập lô thuốc ung thư giả H-Capita. Tuy nhiên, mọi liên hệ đến các số điện thoại của ông Cường đều không thành.

ĐỨC VÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-cty-vn-pharma-nhap-thuoc-ung-thu-gia-de-nghi-co-quan-to-tung-xem-xet-dung-ban-chat-vu-an-562976.ldo