Vụ bắt giữ 42.000 tấn quặng bauxit: Sau gần 1 năm chưa giải quyết dứt điểm

Gần một năm qua, lô hàng 42.000 tấn quặng bauxit của Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên bị Tổng cục Hải quan tạm giữ do nghi vấn xuất khẩu khoáng sản trái phép, tới nay dù đã quá hạn tạm giữ lô hàng nhưng sự việc vẫn chưa thể khép lại khiến doanh nghiệp điêu đứng.

Trước đó, cuối tháng 10/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) – Tổng cục Hải quan tổ chức kiểm tra các tàu tại vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh phát hiện 35 tàu chở hàng. Làm việc với lực lượng chức năng 35 chủ tàu xuất trình các chứng từ như hợp đồng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, lệnh điều động phương tiện cùng đứng tên Công ty Cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên) có địa chỉ huyện Văn Lãng, Lạng Sơn.

Qua kiểm tra được biết, ngày 17/10/2019, Công ty Bảo Nguyên đăng ký tờ khai xuất khẩu số 302816355501/B11 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Hàng hóa theo khai báo là 42.000 tấn tinh quặng bauxit (hàm lượng AL2O3 ≥ 50%, khối lượng +-10%), xuất khẩu theo giấy phép số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014 của Bộ Công thương và Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Tổng trị giá lô hàng xuất khẩu 10.204.740.000 đồng.

Cùng với đó, Công ty này tiếp tục xuất trình hồ sơ hải quan để kiểm tra theo quy định gồm: Phiếu kết quả thử nghiệm đủ số 19V02kk4551 ngày 18/10/2019 của Vinacontrol (là đơn vị có phòng thí nghiệm được cấp tiêu chuẩn VILAS) hàm lượng AL2O3 50,36% của quặng bauxit.

Các tàu chở hàng của Công ty Bảo Nguyên bị tạm giữ

Ngày 22/10/2019, khi Công ty đang phối hợp hoàn thiện thủ tục xuất khẩu thì Cục Điều tra chống buôn lậu (Cục ĐTCBL) – Tổng cục Hải quan có điện fax số 16/ĐTCBL-HĐ1 gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả với nội dung nghi vấn lô hàng ghi sai số lượng, chủng loại nên yêu cầu giữ toàn bộ hàng hóa và phương tiện.

Sau đó, Tổng cục Hải Quan đã kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định tại Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện giám định. Theo đó, kết luận lô hàng quặng bauxit xuất khẩu của Công ty Bảo Nguyên là “quặng bauxit dạng thô” với tổng trọng lượng lô hàng xuất khẩu 44.123,020 tấn, trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Về vấn đề này, tại công văn số 6356/TCHQ-VP, Tổng cục Hải quan khẳng định: “Theo Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, mặt hàng quặng thô không nằm trong danh mục được xuất khẩu. Do đó, việc Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu quặng thô nhưng khai báo là tinh quặng là vi phạm pháp luật”.

Không đồng ý với kết luận của Cục ĐTCBL, Công ty Bảo Nguyên cho rằng: Ngày 25/8/2014, Bộ Công thương có công văn số 8228 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xuất khẩu tinh quặng bauxit mỏ Léo Cao, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn do Công ty Bảo Nguyên khai thác, trong đó nêu, Bộ Công thương nhất trí với đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn để doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu tinh quặng bauxit hàm lượng AL2O3 ≥ 49%. Công ty đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về hồ sơ pháp lý và hàm lượng tinh quặng khi xuất khẩu và chính Hải quan cửa khẩu Hải quan Cẩm Phả đã thực hiện thủ tục cho phép thông quan xuất khẩu tinh quặng bauxit trong nhiều năm qua mà không gặp khó khăn nào.

Đối với chất lượng của lô hàng 42.000 tấn quặng, Công ty lý giải căn cứ theo kết quả phân tích mẫu của Vinacontrol (đơn vị có phòng thí nghiệm đạt chuẩn VILAS) xác nhận hàm lượng AL2O3 bằng 50,36%, đồng thời, theo chính mẫu kiểm định do Tổng cục Hải quan gửi phân tích cũng cho hàm lượng bình quân AL2O3 của lô hàng là 50,07% đạt tiêu chuẩn tinh quặng, vượt quy chuẩn AL2O3 ≥ 49% được phép xuất khẩu trên giấy phép số 8228 của Bộ Công thương cấp cho Công ty.

Bên cạnh đó, văn bản số 2246/BCN-CLH ngày 21/05/2007 của Bộ Công nghiệp trả lời công văn số 2324/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc phân biệt quặng thô và tinh quặng; công văn số 15/CN-KSLK ngày 14/01/2020 của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) trả lời Công ty Bảo Nguyên có nêu: Trong khi chưa có quy định cụ thể về xác định quặng thô, quặng tinh, chủng loại sản phẩm quặng tinh bauxit đã chế biến đạt hàm AL2O3 ≥ 48% được coi là tinh quặng.

Trụ sở Tổng cục Hải quan

Từ những căn cứ này, Công ty Bảo Nguyên cho rằng lô hàng 42.000 tấn là tinh quặng không phải quặng thô, tổng cục Hải quan giữ lô hàng không cho xuất khẩu là không đúng quy định. Công ty Bảo Nguyên còn cho biết: Cục ĐTCBL lấy 35 mẫu tại 35 tàu chở quặng gửi đến Phòng Thạch luận và Địa chất đồng vị của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản để giám định mẫu, kết quả giám định có 6 mẫu hàm lượng AL2O3 dưới 48%, 29 mẫu lớn hơn 48%. Nếu tính phương pháp trung bình cộng cho tất cả các mẫu giám định thì hàm lượng AL2O3 đạt 50,07%. Thế nhưng, cuối các kết quả giám định đều có kết luận giống nhau là mẫu thuộc quặng bauxit thô.

Trong khi đó, tại công văn số 6356/TCHQ-VP, Tổng cục Hải quan nêu quan điểm: Đối với phiếu kết quả thử nghiệm đủ số 19V02kk4551 ngày 18/10/2019 của Vinacontrol do Công ty Bảo Nguyên tự lấy mẫu, tự gửi cơ quan giám định, không có cơ quan hải quan phối hợp cùng lấy mẫu, không đúng theo quy định khoản 1 Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BCT (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2016/TT-BCT) nên không có giá trị làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu trên.

Đối với việc lô hàng đang bị tạm giữ, theo Công ty, hiện đã quá hạn theo các quyết định của cơ quan Hải quan và hết thời hạn xử lý vi phạm hành chính nhưng đến nay cơ quan Hải quan vẫn chưa đưa ra bất kỳ hướng giải quyết nào cho lô hàng kể trên. Vì vậy, công ty này đã có ý kiến yêu cầu nếu cơ quan Hải quan xác định là quặng thô bauxit thì đề nghị tịch thu, giữ hàng và giải phóng tàu để tránh những thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, từ khi xảy ra sự việc, doanh nghiệp đã phải hứng chịu thiệt hại lên tới gần 50 tỷ đồng. Các đối tác mua hàng, vận chuyển cắt hợp đồng và đòi phạt vì không thực hiện đúng nghĩa vụ đã ký. Không chỉ có vậy, do không xuất khẩu được, nên hiện nhà máy khai thác và chế biến quặng của Công ty Bảo Nguyên đã phải tạm dừng hoạt động khai thác quặng khiến hàng trăm, cán bộ công nhân phải nghỉ việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Để tránh những thiệt hại tiếp tục diễn ra, Công ty Bảo Nguyên nhiều lần gửi công văn gửi Cục ĐTCBL đề nghị giải quyết dứt điểm sự việc.

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cho rằng do lô hàng bị phát hiện vi phạm khi doanh nghiệp đang làm thủ tục hải quan xuất khẩu, chưa được giải quyết thông quan, vẫn đang chịu kiểm tra, kiểm soát, nên cơ quan hải quan tiếp tục giám sát, quản lý hàng hóa để đảm bảo nguyên trạng phục vụ công tác điều tra, xác minh và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và công bố thông tin khi có kết quả.

Trước tính chất phức tạp của vụ việc, để tạo dựng niềm tin và truyền đi thông điệp Chính phủ kiến tạo, phục vụ, coi doanh nghiệp là động lực phát triển của Thủ tướng, mong rằng, các cơ quan chức năng tiếp tục căn cứ đầy đủ các quy định của pháp luật, sớm giải quyết dứt điểm sự việc. Không để những văn bản “vô tình” khiến doanh nghiệp điêu đứng.

Thế Hoàng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/vu-bat-giu-42000-tan-quang-bauxit-sau-gan-1-nam-chua-giai-quyet-dut-diem-56989.html