Vụ án 'Tham ô tài sản' tại Quảng Bình: Không đủ căn cứ để cấu thành tội 'tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có'

Theo quy định pháp luật thì để kết tội một người về tội danh tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 BLHS thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh là bị cáo “biết rõ” tài sản đó là phạm pháp nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì mới có thể bị xử lý hình sự về tội danh này. Tuy nhiên, trong vụ án này TAND huyện Bố Trạch vẫn kết tội mà không căn cứ vào chứng cứ cụ thể…

Cấp phúc thẩm nên ra quyết định hủy án sơ thẩm, tránh oan sai

Trong vụ án “tham ô tài sản” ở Bố Trạch, Quảng Bình thì các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Dương Quang Tám có nhận tiền thưởng tết cùng với các cán bộ lãnh đạo khác của xã Nhân Trạch. Khi nhận tiền, người đưa tiền là bị cáo Hoành cũng không nói là tiền từ đâu, chỉ nói đây là tiền thưởng tết nên những người nhận tiền đều “không đề phòng”. Khi vụ án xảy ra thì mọi người mới biết số tiền này đã bị Hoành hợp thức hóa hồ sơ để lấy từ ngân sách trước đó 3 năm. Bị cáo Dương Quang Tám không biết rõ nguồn gốc số tiền thưởng tết từ đâu nên hành vi nhận tiền thưởng tết của Bị cáo Tám không thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội danh này.

Quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường ((Trưởng VP Luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) xoay quanh vụ án “tham ô tài sản” tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Tại phiên tòa sơ thẩm đã làm rõ là năm nào UBND xã cũng có tiền tết để cho các cán bộ, nhân viên ăn tết, tiền này thường lấy từ các nguồn phúc lợi, các nguồn quỹ hợp pháp của UBND xã. Chưa có tài liệu, chứng cứ nào hợp pháp để chứng minh bị cáo biết rõ số tiền nêu trên là tài sản do bị cáo Hoành phạm tội mà có nên không có căn cứ để xử lý bị cáo Dương Quang Tám về tội danh quy định tại Điều 250 BLHS.

Để làm rõ căn nguyên từ đâu mà TAND huyện Bố Trạch lại ra một bản án “trái khoáy” như vậy? PV báo NB&CL đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Qua trao đổi luật sư Cường cho biết: Tòa phúc thẩm nên căn cứ quy định tại Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 (Không có sự việc phạm tội) và điểm 2 (Hành vi không cấu thành tội phạm) Điều 107 của Bộ luật này, bên cạnh đó Tòa án cấp phúc thẩm cũng cần áp dụng Điều 159 (Giám định bổ sung hoặc giám định lại): “1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó; 2. Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì TAND tỉnh Quảng Bình có thể hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Bố Trạch để ra quyết đình chỉ điều tra đối với bị cáo Dương Quang Tám về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Cần làm rõ hành vi bao che, dung túng của Huyện ủy huyện Bố Trạch

Liên quan đến số tiền mà bị cáo Hoành đã tham ô mà báo NB&CL đã phản ánh trước đó, qua trao đổi luật sư Cường cho biết thêm: Đối với khoản tiền chính sách 23.800.000 đồng, mà bị cáo Hoành đã gian dối để tham ô, chiếm đoạt, đồng thời với diễn biến mới tại phiên tòa vừa qua và theo nội dung tố cáo của các bị cáo trong vụ án này thì CQĐT công an huyện Bố Trạch phải áp dụng điều 278 Bộ luật hình sự để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị cáo Hoành thêm tội tham ô tài sản đối với số tiền 23.800.000 đồng mà bị cáo đã nhận trong quá trình làm việc tại UBND xã Nhân Trạch. Việc Huyện ủy huyện Bố Trạch chỉ kỷ luật Hoành bằng hình thức “cảnh cáo” về hành vi tham ô tài sản của Hoành mà không chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra thể hiện sự bao che dung túng, bỏ lọt tội phạm…

Theo quy định của BLHS thì mọi công dân đều có trách nhiệm đấu tranh với tội phạm. Nếu phát hiện người có hành vi phạm tội thì phải kịp thời bắt giữ hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Hành vi bao che, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, điều 313, Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội che giấu tội phạm như sau: “Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Như vậy, nếu người nào có hành vi “che giấu” hành vi phạm tội của người khác thì sẽ bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật nêu trên.

Trong vụ án tham ô tài sản tại Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, xuất hiện tình tiết mới là các bị cáo trình bày, giao nộp chứng cứ về hành vi tham ô trước đó của bị cáo Lê Thanh Hoành với số tiền tham ô là 23.800.000 đồng. Vì vậy, tòa án sẽ chuyển hồ sơ này cho cơ quan điều tra làm rõ. Nếu cơ quan điều tra xác định hành vi của Hoành có dấu hiệu tội phạm và xác định có người che giấu hành vi này của Hoành thì người che giấu cho Hoành cũng có thể bị xem xét về tội che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm theo quy định của BLHS. Vụ việc này cần phải xác minh, làm rõ và xử lý theo pháp luật…

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/khong-du-can-cu-de-cau-thanh-toi-tieu-thu-tai-san-do-nguoi-khac-pham-toi-ma-co/