Vụ án đòi lại nhà tại TP. HCM: Văn tự bán nhà có dấu hiệu giả mạo

Chúng tôi đã có bài phản ánh vụ đòi lại nhà 55 Ngô Quyền, phường 6 quận 10, TP.HCM đã được các cấp Tòa thụ lý, xét xử không đúng thẩm quyền, xác định không đúng nội dung đơn khởi kiện...

Chính vì vậy Tòa đã tuyên án không khách quan, không phù hợp thực tế, làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Đáng chú ý là những tình tiết quan trọng, xác định bản chất vụ án lại không được tòa án thẩm tra, xác minh làm rõ.

Những điểm bất hợp lý của Văn tự bán nhà

Căn cứ hồ sơ vụ việc, cho thấy, căn nhà số 55 Ngô Quyền, phường 6 quận 10, TP. Hồ Chí Minh (số cũ 55 Triệu Đà, Chợ Lớn) được xây dựng trước năm 1945, mái tôn, vách ván, nền lót gạch tàu, trên phần đất, có chiều ngang 3,8m, có chỗ 4,3m, có chỗ 5m, do ông Trần Văn Phiên và bà Nguyễn Thị Lang đứng tên chủ quyền. Căn nhà có diện tích tầng trệt 70,20m2 và 2 gác gỗ, diện tích 41,40m2, với tổng diện tích sử dụng là 111,60m2. Qua thời gian sử dụng, căn nhà bị xuống cấp, chủ nhà xin phép và được chính quyền địa phương chấp thuận sửa chữa nâng nền nhà để tránh ngập vào mùa mưa, thay gạch tàu cũ bằng gạch bông lót nền; xây tường bằng gạch, xi măng thay cho vách ván đã mục, mái nhà được nâng cao hơn trước và cửa cây cũ thay bằng cửa sắt.

Như vậy, diện tích căn nhà 55 Ngô Quyền, phường 6, quận 10 vẫn giữ nguyên, vì nhà mặt tiền, giáp đường Ngô Quyền không thể nào nới rộng được. Bên trái giáp con hẻm 53 Ngô Quyền là lối đi công cộng của nhân dân từ trước đến nay. Bên phải mượn vách nhà 57 Ngô Quyền, còn phía sau giáp vách căn nhà 221/53 Ngô Quyền nên diện tích căn nhà không thay đổi từ năm 1972 đến nay.

Đơn xin khai thêm tên người vào Tờ khai gia đình có chữ ký cụ Lang và Văn tự bán nhà cụ Lang không ký tên.

Trong đơn khởi kiện đòi lại nhà gửi TAND TP.HCM thì chứng cứ duy nhất mà nguyên đơn Nguyễn Văn Luật xuất trình là Văn tự bán nhà giữa cụ Nguyễn Thị Lang và ông Nguyễn Văn Luật, lập ngày 7/9/1972 và được Quận trưởng Quận 10 xác nhận ngày 11/9/1972. Tuy nhiên, theo các nhân chứng thì Văn tự bán nhà nói trên có nhiều khuất tất, giả mạo, bởi lẽ: Bên bán nhà là cụ Lang chỉ có dấu lăn tay, mà không có chữ ký, trong khi cụ Lang tinh thần minh mẫn, viết chữ đẹp (Đính kèm Đơn xin khai thêm tên người vào tờ khai gia đình năm 1958).

Đáng chú ý là, Tờ chứng sức khỏe ngày 11/9/1972, bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Anh - Y Trưởng quận 5, xác nhận: Bà Nguyễn Thị Lang có đủ sức khỏe, không bị bệnh truyền nhiễm, tinh thần minh mẫn nhưng lại không có chữ ký và đóng dấu. Hơn nữa, dưới tiêu đề Y viện Chợ Lớn lại được đóng dấu Quận trưởng quận 10 là điều hết sức phi lý, vì cụ Lang ở quận 10 đi khám ở Y viện Chợ Lớn thì tại sao không đóng dấu Y viện Chợ Lớn, theo kiểu lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia!?

Tại Văn tự bán nhà ghi ngang 3,5m; dài 10m; diện tích 35m2, không gác, không lầu, cất đã 30 năm, với giá bán 100.000 đồng, là hoàn toàn khác với hiện trạng căn nhà số 55 Ngô Quyền, vì căn nhà này có chiều ngang không đồng đều, có chỗ là 3,8m, 4,30m, có chỗ 5m; chiều dài là 15,70m, với diện tích tầng trệt là 70,20m2 và có 2 gác gỗ, làm từ năm 1955. Cũng xin nói thêm, giá tiền mua căn nhà 100.000 đồng là rất vô lý, không phản ánh đúng giá trị thực của căn nhà, vì cùng thời điểm đó, căn nhà số 59 Ngô Quyền của bà Đào Kim Thoa mua năm 1972, có diện tích tương đương, xây dựng bằng vật liệu nhẹ, bán với giá 450.000 đồng. Theo bà con lối xóm, ông Nguyễn Văn Luật đã móc nối với bà Phạm Thị T, cư ngụ phường 5 quận 10 và ông Thanh (em cụ Lang), lợi dụng lúc bà Ga và ông Khích bị chế độ cũ bắt giam từ năm 1971- 1973, để làm giả Văn tự bán nhà nói trên, vì ông Luật gọi cụ Lang là cô. Sau đó, bà Phạm Thị T, xuất cảnh đi Mỹ, còn ông Thanh đã chết, hiện chỉ có bà Đào Kim Thoa là biết rõ vụ việc này.

Một vấn đề rất đáng quan tâm là từ khi mua nhà 55 Ngô Quyền, phường 6 quận 10 năm 1972 nhưng ông Luật không ở đó một ngày nào, mà phải về tá túc nhà cha mẹ vợ ở tỉnh Bến Tre, không kê khai đăng ký nhà đất sau ngày thành phố Sài Gòn giải phóng; không làm nghĩa vụ thuế theo quy định. Bản thân ông Luật là thương phế binh chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Tại sao ông Luật không đòi lại nhà khi cụ Lang còn sống, trong khi ông khai phải ở nhờ gia đình vợ!?

Phải đến năm 1981, sau khi cụ Lang chết, ông Luật mới gặp gia đình bà Ga xin ở nhờ để chữa bệnh nhưng bị từ chối, thì ông Luật làm đơn khởi kiện đòi nhà 55 Ngô Quyền, phường 6 quận 10. Đối chiếu với đặc điểm, chiều ngang, chiều dài căn nhà trong Văn tự bán nhà của ông Nguyễn Văn Luật với hiện trạng căn nhà thì không phải là căn nhà số 55 Ngô Quyền, phường 6, quận 10 nên việc đòi lại nhà của ông Luật là không có cơ sở pháp lý. Phải chăng, ông Luật đã lợi dụng tình cảm cô cháu (ông Luật gọi cụ Lang bằng cô), trong lúc vợ chồng bà Ga đang bị chế độ cũ bắt giam, cụ Lang ở nhà với các cháu còn nhỏ, rồi làm giả giấy tờ bán nhà, với mục đích chiếm đoạt căn nhà trên, là trái với pháp lý và đạo lý.

Cần giám định Văn tự bán nhà

Do hai cụ Trần Văn Phiên - Nguyễn Thị Lang, không có con nên đã nhận ông Phan Văn Khích (tự Hai Rô, tự Lê Văn Gầm) làm con nuôi từ lúc 2 tuổi. Cụ Phiên, cụ Lang đã nuôi nấng, dạy dỗ cho ăn học đến trưởng thành và đứng ra xây dựng gia đình cho ông Khích. Sau thời gian dài cụ Phiên bị bệnh bại liệt, vợ chồng bà Ga lo lắng, thuốc men, phụng dưỡng. Năm 1961, cụ Phiên qua đời, gia đình bà Ga vẫn ở tại 55 Ngô Quyền, phường 6 quận 10 để chăm sóc mẹ già.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, năm 1971, bà Ga, ông Khích bị địch bắt giam vì tội hoạt động cách mạng, các con của ông Ga, bà Khích vẫn ở với bà nội (cụ Lang) tại 55 Ngô Quyền. Năm 1973, được tha về, ông Khích, bà Ga cùng các con vẫn ở trong căn nhà trên với cụ Lang. Năm 1981, cụ Lang mất, vợ chồng bà Ga lo ma chay chu đáo, hỏa táng và đem hài cốt về thờ phụng, cúng giỗ, làm tròn bổn phận người con. Trong tờ khai gia đình, chính quyền chế độ cũ đã công nhận ông Khích là con, bà Ga là dâu. Do đó, ông Khích phải được hưởng thừa kế tài sản tại 55 Ngô Quyền, phường 6, quận 10 nhưng các cấp tòa khi xét xử đã... bỏ quên!?

Có thể nói, vụ án đòi lại nhà 55 Ngô Quyền, phường 6, quận 10, TP.HCM, chứng cứ quan trọng nhất, quyết định bản chất vụ việc là Văn tự bán nhà giữa cụ Nguyễn Thị Lang với ông Nguyễn Văn Luật, lập ngày 7/9/1972, có chữ ký của Phó tá hành chính quận 10 ngày 11/9/1972 nhưng qua các phiên tòa, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Luật và Hội đồng xét xử (HĐXX) đều không xuất trình được bản chính Văn tự bán nhà ngày 7/9/1972, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong vụ án dân sự!?

Tại đơn tường trình ngày 16/10/1997, ông Nguyễn Văn Luật và bà Chung Ngọc Cẩm, có nêu hiện nay vợ chồng chúng tôi không giữ giấy tờ nhà, tuy nhiên xác nhận ngày 4/11/1997 của Thẩm phán TAND TP. HCM Nguyễn Văn Triệu, có nội dung: TAND quận 10 có biên nhận giấy tờ mua bán nhà 55 Ngô Quyền của ông Luật nộp nhưng bị thất lạc.

Ông Luật và vợ là bà Chung Diệp Cẩm còn 1 tờ mua bán nhà bản chính có nộp cho TAND thành phố xem trước khi xét xử nhưng Tòa án không giữ, trả lại cho bà Chung Diệp Cẩm nên trong hồ sơ không có bản chính. Điều rất khó hiểu là, ngày 26/1/1994, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre Nguyễn Duy Thăm ký, xác nhận sao y bản chính Văn tự bán nhà cho ông Nguyễn Văn Luật, nên không thể lấy lý do là bản chính Văn tự bán nhà lập ngày 7/9/1972 bị... thất lạc!?

Nếu so sánh Văn tự bán nhà giữa cụ Nguyễn Thị Lang và ông Nguyễn Văn Luật, lập ngày 7/9/1972 (theo mẫu in sẵn được đánh máy toàn bộ, trừ ngày 11 là ghi bằng tay), với Văn tự bán nhà của ông Đỗ Văn Tý, số 59 Ngô Quyền, phường 6 quận 10 (số cũ 59 Triệu Đà, Chợ Lớn) với bà Đào Kim Thoa vào tháng 12/1972 (theo mẫu in sẵn nhưng nội dung ghi bằng tay), có thị thực của Quận trưởng quận 10 (cách nhau 3 tháng), đã có sự khác biệt về hình thức: dấu niêm thuế, chữ ký của Quận trưởng quận 10, nội dung lời chứng, về dấu vân tay và chữ ký của các bên giao dịch.

Theo bà Lý Tú Liêm (Tư thuốc bắc), trước cư trú tại 100 Ngô Quyền, phường 6 quận 10 (đối diện nhà bà Ga) thì có dấu hiệu làm giả giấy tờ. Người thực hiện là bà Phạm Thị T. (tự Mười D), chuyên làm giả giấy tờ trước ngày thành phố Sài Gòn giải phóng, nay đang định cư tại Mỹ.

Trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bà Ga, ông Khích cùng những người tham gia tố tụng đại diện cho bị đơn nhiều lần yêu cầu Tòa án cung cấp bản chính Văn tự bán nhà và cho giám định chữ ký, dấu vân tay của cụ Lang, cũng như mời một số người cư ngụ lâu năm tại địa phương, ra làm chứng nhưng HĐXX đều từ chối không có lý do. Đặc biệt là trong các bản án không có nhận định, kết quả giải quyết về giám định, xét xử khi không có bản chính Văn tự bán nhà, không khách quan, không minh bạch, không phù hợp với thực tế, gây thắc mắc, nghi ngờ trong dư luận.

(Còn tiếp)

Minh Yến/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/tp-hcm-van-tu-ban-nha-co-dau-hieu-gia-mao-nhung-toa-khong-lam-ro-2-p42837.html