Vụ 500 hộ dân Kinh Môn kêu cứu khẩn cấp: Mòn mỏi chờ kết luận của cơ quan chức năng

Mặc cho người dân kêu cứu, cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương vẫn để cho doanh nghiệp hoành hành gây ô nhiễm môi trường. Người dân Kinh Môn phải tiếp tục sống với ô nhiễm cho đến bao giờ?

Chuyên trang khoe365 – Báo điện tử Người đưa tin đăng tải loạt bài phản ánh việc gần 500 hộ dân thuộc 4 xã nằm trên địa bàn huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đồng ký đơn kêu cứu khẩn cấp gửi báo. Nội dung đơn thư tố cáo Công ty cổ phần kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng (Công ty Đà Nẵng), đóng trên địa bàn xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Ngày 18/9, Phóng viên đã có buổi làm việc với Sở Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương để làm rõ những vấn đề mà báo đã phản ánh. Ông Tạ Hồng Minh – Phó Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường Hải Dương, ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chánh Thanh tra sở, ông Nguyễn Mạnh Tưởng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (sở TN&MT) cùng làm việc với Phóng viên.

Đại diện sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương làm việc với Phóng viên

Ông Tạ Hồng Minh – Phó giám đốc sở Tài Nguyên và Môi trường xác nhận cơ quan này đã nhận được đơn thư của người dân Kinh Môn phản ánh doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. “Sở Tài Nguyên và Môi trường đã kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu công ty khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường”. Ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, giai đoạn này doanh nghiệp chưa hoàn thành một số yêu cầu như chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; chưa đầu tư đầy đủ một số công trình bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo ĐTM như: chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất, chưa đầu tư đầy đủ thiết bị xử lý khí thải, chưa bố trí khu vực tập kết chất thải rắn tạm thời đảm bảo quy định…

Ông Minh cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân, sở TN&MT đã ban hành văn bản 08/STNMT-TTr về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với công ty Đà Nẵng như báo chí đã nêu.

“Giai đoạn mà công ty chưa thực hiện là từ năm 2016, đến năm 2017, theo báo cáo 03, công ty đã khắc phục được một số nội dung, UBND tỉnh tiếp tục có công văn giao sở TN&MT đôn đốc công ty thực hiện các nội dung trong báo cáo này”. Ông Minh nói.

Một điều kỳ lạ là, tại văn bản 08/STNMT-TTr, sở TN&MT yêu cầu công ty Đà Nẵng báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu trước ngày 31/1/2017. Tuy nhiên cho đến ngày 8/9, doanh nghiệp này mới có báo cáo 03/CVMT gửi UBND tỉnh và sở TNMT, tức là đã quá thời hạn 8 tháng. Khoảng thời gian này doanh nghiệp vẫn tiếp tục xả thải, và người dân vẫn tiếp tục phải sống chung với các nguồn không khí ô nhiễm từ nhà máy.

Văn bản 03/CVMT công ty Đà Nẵng gửi UBND tỉnh và sở TN&MT Hải Dương

Cũng tại văn bản 03/CVMT do công ty Đà Nẵng gửi lãnh đạo địa phương, đơn vị này thừa nhận nhiều hạng mục chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên chưa được các cơ quan chức năng xác nhận như: Bê tông hóa mặt bằng sân công nghiệp; thu gom và xử lý triệt để hệ thống nước thải, cải tạo toàn bộ hệ thống thoát nước mặt, xây dựng các ga thu, ga lắng cặn… trước khi thải ra môi trường; lập văn bản xin thay đổi một số nội dung đã được phê duyệt theo ĐTM..

Doanh nghiệp đã viện dẫn một số lý do như tình hình thời tiết thất thường, hoạt động kinh doanh không thuận lợi… cho việc chưa hoàn thành các yêu cầu của sở TN&MT; đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Hải Dương cho lùi thời gian hoàn thành các nội dung đã được phê duyệt trong ĐTM tới …quý I năm 2018.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Với nhiều hạng mục chưa hoàn thành theo ĐTM, theo luật, doanh nghiệp có được phép hoạt động hay không, mức độ hoạt động như thế nào? Phó giám đốc sở TN&MT cho biết: những hạng mục chưa được hoàn thành thì đã bị xử phạt, nhà nước yêu cầu công ty khắc phục những hạng mục còn thiếu.

Vị phó giám đốc sở cũng cho biết trên cơ sở báo cáo 03 của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã giao cho sở TN&MT đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, còn thời hạn thì phải chờ đoàn kiểm tra của bộ TN&MT sau khi kiểm tra mới có kết luận.

Như vậy có thể thấy, văn bản pháp lý đối của cơ quan nhà nước cấp tỉnh đối với hàng loạt những sai phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mới chỉ là một quyết định xử phạt hành chính 165 triệu đồng do UBND tỉnh bản hành, đi kèm những yêu cầu tiếp tục khắc phục với sự giám sát của sở TN&MT. Còn việc xử lý dứt điểm các sai phạm, cũng như việc hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, các giấy tờ chưa đầy đủ thì sở TN&MT không thể đưa ra được.

Cũng cần thông tin thêm, UBND tỉnh Hải Dương cấp quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án “Cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất muối công nghiệp” từ 23/10/2014. Và cho tới 3 năm sau đó, tức thời điểm tháng 9/2017, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạng mục chưa đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của ĐTM được UBNT tỉnh phê duyệt.

Và với việc gửi văn bản 03/CVMT, doanh nghiệp đề xuất lùi thời hạn hoàn thành một số nội dung được phê duyệt trong ĐTM đến quý I năm 2018, khi mà thời điểm bây giờ chưa hết quý III năm 2017, thì người dân Kinh Môn vẫn phải tiếp tục sống chung với khí thải, khói bụi của nhà máy thêm ít nhất 2 quý nữa.

Thanh Bùi

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/vu-500-ho-dan-kinh-mon-keu-cuu-khan-cap-mon-moi-cho-ket-luan-cua-co-quan-chuc-nang-p43410.html