Vòng lặp cá tra

Ngành cá tra Việt Nam hiện đang trong thời kỳ khó khăn khi giá bán giảm do hàng tồn kho nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ chậm. Nhưng xét về lâu dài, tiềm năng của thị trường cá tra vẫn lớn khi nhu cầu cá thịt trắng tăng, doanh nghiệp Việt Nam còn dư địa để cải thiện các vấn đề nội tại.

Chế biến cá tra tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: T.L

Là một doanh nghiệp nhiều năm chế biến và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Công ty Thủy sản Trường Giang thường thu hoạch cá có kích cỡ từ 900 gam đến 1 ki lô gam để xuất khẩu. Nhưng hiện nay cá ở trong ao đã lên tới 1,5 ki lô gam mà không thể chế biến. Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Trường Giang, lo lắng vì cá dưới ao nhiều và lượng hàng tồn kho còn khá lớn.

“Chưa có con số thống kê chính thức nhưng lượng tồn kho lớn làm cho dòng tiền doanh nghiệp dường như tắc nghẽn”, ông Văn nói.

Chu kỳ không hoàn hảo

Ngành hàng cá tra có tính chu kỳ. Cá tra dễ nuôi, thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn. Cá nặng khoảng 500-700 gam là đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu. Thị trường Trung Quốc chấp nhận cá lớn hơn ở khoảng 1 ki lô gam. Một lứa cá từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch chỉ dao động từ 6-8 tháng. Cũng vì thời gian nuôi thả ngắn, khi giá xuất khẩu cao, người nuôi đồng loạt thả mới. Ngược lại, giá giảm người nuôi trì hoãn việc nuôi thả.

Giá xuất khẩu cá tra đạt đỉnh gần nhất vào năm 2018, sau đó tuột dốc năm 2019. Chuỗi trì trệ kéo dài trong hai năm tiếp theo do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tới đầu năm 2022, khi giá tăng trở lại, ngành cá tra kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, không giống những chu kỳ khác, sự hưng phấn chỉ kéo dài nửa năm.

Tại Hội thảo Quốc tế ngành cá tra vào cuối tháng 8 vừa qua, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), lý giải rằng vào nửa đầu năm 2022 nền kinh tế các nước bắt đầu phục hồi sau dịch Covid-19, các nhà nhập khẩu ồ ạt nhập hàng với kỳ vọng sẽ tăng doanh số bán trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, kinh tế thế giới không tươi sáng như dự đoán, lượng tồn kho đó kéo rê đến nửa đầu năm 2023. Giá xuất khẩu giảm khi cá tra mới sản xuất chịu áp lực cạnh tranh với chính hàng tồn kho mà các nhà nhập khẩu cần giải phóng.

Vòng lặp tăng tồn kho – giảm giá của ngành cá tra tương tự các ngành có tính chu kỳ khác. Triệt tiêu là không thể, nhưng tính toán để giảm biên độ thay đổi về giá giữa đỉnh và đáy chu kỳ sẽ giúp ngành ổn định hơn, đặc biệt ở chu kỳ không hoàn hảo với thời gian tăng giá ngắn như hiện tại.

“Đến lúc này, các doanh nghiệp ngành cá tra cùng với sự chủ trì của VASEP nên ngồi lại để cân đối mùa vụ cho năm sau, có thể thu hoạch vào quí 2-2024. Mỗi doanh nghiệp có một cách riêng nhưng tổng thể phải nuôi giảm mật độ, tránh dịch bệnh, tăng trọng nhanh hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp. Những điều này sẽ giúp giá thành sản xuất thấp hơn”, lãnh đạo Trường Giang nói.

Theo tính toán của Trường Giang, giá thành cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp hiện ở mức 1,2 đô la Mỹ/ki lô gam, chưa tính chi phí chế biến. Doanh nghiệp cá tra bị lỗ khi giá thành phẩm xuất khẩu chỉ ở mức 1,1 đô la/ki lô gam. Giá thành sản xuất cá tra ngày càng cao bởi thức ăn chăn nuôi tăng giá khoảng 30% và tỷ lệ hao hụt tự nhiên lớn. Nếu không tìm cách giảm giá hoặc tăng giá trị, cá tra Việt Nam khó cạnh tranh với các loại cá thịt trắng khác, theo ông Văn.

Thị trường còn tiềm năng nhưng đang thay đổi

Đối thủ của cá tra là các loại cá nuôi trồng và khai thác tự nhiên nằm trong nhóm cá thịt trắng. Cá thịt trắng có 10 loại cơ bản phổ biến như cá minh thái, cá tuyết trắng (khai thác tự nhiên), cá tra, cá rô phi, cá đù… (cá nuôi trồng). Thị trường cá thịt trắng là một trong những phân khúc lớn nhất, được giao dịch nhiều nhất của thị trường thủy sản toàn cầu, chiếm khoảng 11% tổng sinh khối thị trường thủy sản, theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO). Năm 2021, tổng sản lượng cá thịt trắng toàn cầu đạt 18 triệu tấn. Ngành nuôi cá tra của Việt Nam lớn nhất thế giới. Năm 2022, sản lượng cá tra Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hai loài cá tra và cá nheo ôn đới Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý tới các đối thủ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Theo dự báo của FAO, tới năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản ở châu Á tăng 88%. Trong đó, Trung Quốc tăng 55%, Ấn Độ tăng 12%, trong khi Việt Nam chỉ tăng khoảng 3%.

Ông Arno Willemink, Giám đốc Vận hành De Heus Việt Nam – người có kinh nghiệm nhiều năm trong mảng thu mua, cho rằng về dài hạn tiềm năng với ngành cá tra là rất lớn. Sản lượng khai thác cá thịt trắng trong tự nhiên của thế giới không tăng và có xu hướng ổn định suốt nhiều năm qua. Cá minh thái Alaska và cá tuyết Đại Tây Dương hiện được khai thác ổn định sau giai đoạn khai thác quá mức trước đó. Ngược lại, sản lượng cá nuôi trồng không ngừng tăng, đặc biệt, cá rô phi và cá tra có mức tăng trưởng nhanh nhất.

Từ góc nhìn của thị trường tiêu thụ, ông Arno Willemink phân tích, người Mỹ đang có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người lớn nhất thế giới và cũng là nơi tiêu thụ cá tra lớn nhất khi so sánh với cá rô phi và cá minh thái, cá tuyết (mức trung bình 1,22 ki lô gam/người/năm). Thị trường này với dân số đông, dễ tiếp nhận các loại cá nuôi nên sẽ tiếp tục là cơ hội cho Việt Nam. Với khu vực châu Âu, khách hàng ưa thích mặt hàng đánh bắt tự nhiên hơn, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, người dân thắt chặt chi tiêu, giá cả sẽ quyết định lựa chọn của khách hàng. Cá tra phi lê đang có lợi thế trong so sánh giá tại châu Âu.

“Tăng tiêu thụ cá phụ thuộc vào các chiến dịch tiếp thị để người châu Âu chấp nhận cá tra hơn”, đại diện De Heus gợi ý, đặc biệt khi người dân nơi đây ngày càng chú trọng tới ăn uống lành mạnh, giảm đạm thịt.

Nhìn vào tổng tiêu thụ thủy sản thế giới theo khu vực do FAO thống kê, ông Arno Willemink cho rằng tăng trưởng tiêu thụ thủy sản đến năm 2030 sẽ chủ yếu đến từ các quốc gia có thu nhập trung bình, tiêu thụ 73% lượng thủy sản làm thực phẩm. Vị này đưa ra gợi ý các thị trường có thể nhập khẩu cá tra như Trung Quốc, Mexico, Thái Lan, châu Phi…

Với kinh nghiệm của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Ong Hàng Văn cho biết thị trường Trung Quốc bây giờ đã rẽ theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và châu Âu. Nghĩa là, doanh nghiệp nhập khẩu hàng của Trường Giang sẽ yêu cầu công ty cung cấp các chứng chỉ về nhà máy, vùng nuôi, thức ăn và con giống. Dĩ nhiên, sản phẩm có 4 sao này sẽ bán được giá cao hơn nhưng điều cốt lõi để bán hàng hiệu quả là doanh nghiệp sản xuất cá tra phải nâng cao chất lượng cá và giảm giá thành sản xuất.

Theo ông Văn, Việt Nam cần cải thiện chất lượng đàn cá giống như tăng cường công tác quản lý, tránh lạm dụng kháng sinh và tăng cường các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giống. Cùng với đó, việc kiểm soát tốt hơn vấn đề thuốc và dịch bệnh của cơ quan quản lý cũng sẽ giúp cá tra Việt Nam tăng lợi thế.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vong-lap-ca-tra/