Vốn ưu đãi - Tiếp sức các hộ giảm nghèo bền vững

Đồng hành cùng bà con, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai hiệu quả các gói tín dụng, tạo động lực mạnh mẽ giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Anh Đinh Văn Giang ở khu 4 xóm Khoán, xã Hương Cần, phấn khởi trả hết tiền gốc và lãi vay cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Sơn.

Thanh Sơn là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong một chuyến công tác tại xã Hương Cần, tình cờ không hẹn mà gặp đúng ngày rải ngân, thu hồi vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Mới hơn sáu giờ sáng, mây mù còn giăng kín ngọn núi Lưỡi Hái, nhưng những chiếc ghế kê ở hội trường UBND xã đã kín chỗ. Anh Đinh Văn Giang ở khu 4, xóm Khoán rất thận trọng khi cầm quyền sổ ngân hàng trên tay như sợ rơi mất chờ đến lượt làm thủ tục. Trò chuyện với chúng tôi, anh Giang cho biết: “Năm 2014, tôi ra ở riêng được bố mẹ cắt cho ít đất rừng trồng cây, xoay xở mãi cũng không đủ ăn, mấy năm liền gia đình đều được xếp vào diện hộ nghèo của xã. Năm 2018, được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng, tôi mua hai con bò sinh sản. Sau bốn năm, đàn bò giờ đã được năm con. Vừa rồi tôi bán hai con trả Ngân hàng cả gốc lẫn lãi, số tiền còn dư tôi tập trung trồng rừng và chăn nuôi, cuối năm bình xét gia đình tôi đã chính thức được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo”.
Xã Hương Cần không chỉ riêng mình anh Giang được thụ hưởng vốn chính sách đầu tư phát triển kinh tế, bảo toàn nguồn vốn và sinh lời mà còn có nhiều hộ như: Đinh Văn An, Đinh Văn Ninh ở khu Ong. Hai anh em An và Ninh sau khi lập gia đình ra ở riêng, mỗi anh em cũng được bố mẹ chia hơn một héc ta đồi rừng, trên diện tích đó đã trồng keo hơn hai năm tuổi. Gia đình nhỏ với bao khó khăn, An và Ninh bàn nhau làm đơn lên xã, sau khi đi thẩm định, hai anh em được Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có tiền, An và Ninh mua thêm đất rừng trồng cây. Cây nguyên liệu bố mẹ cho đã đến kì khai thác, An và Ninh bán đi lấy vốn tiếp tục đầu tư và trả nợ ngân hàng. Khi chúng tôi đến thăm, ngôi nhà hai tầng của An vừa hoàn thiện vẫn còn nồng mùi vôi vữa, kế sát vách, nhà của Ninh cũng đặt những viên gạch đầu tiên lên tầng hai. Chia sẻ với chúng tôi, Ninh cười ngượng ngùng nói: “Chúng em không còn trong danh sách hộ nghèo, tiến tới phấn đấu là hộ khá của xã…”.

Được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách, sau 5 năm gia đình anh An và Ninh xóm Ong xã Hương Cần thoát nghèo, đã và đang xây dựng được ngôi nhà mới khang trang.
Để thực hiện chương trình tín dụng đạt hiệu quả cao hơn nữa theo đồng chí Kiều Duy Hiển - Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân đầu tư phát triển kinh tế đúng trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn ủy thác từ các hội, đoàn thể. Cùng với đó, nắm bắt các vấn đề khó khăn trong thực hiện vốn tín dụng để kịp thời đề xuất NHCSXH tháo gỡ, điều chỉnh phù hợp; đảm bảo 100% đối tượng hưởng lợi trên địa bàn xã khi có điều kiện đều được giải quyết hồ sơ, đề xuất NHCSXH tạo điều kiện vay vốn”.
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, thời gian qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Sơn đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Hết tháng 2/2022, Phòng giao dịch đạt 477.887 triệu đồng, với 13.584 khách hàng còn dư nợ. Hai tháng đầu năm nay đã có 587 lượt khách hàng được vay vốn với tổng số tiền 25.435 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên đáp ứng cơ bản 100% hộ nghèo có đủ điều kiện và nhu cầu được vay vốn. Cùng với đó là các chương trình như: Nước sạch và vệ sinh môi trường, tín dụng hộ cận nghèo, tín dụng hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp đỡ bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt…; đã phòng ngừa và hạn chế “cho vay nặng lãi, bán lúa non” tồn tại lâu nay trong đời sống người dân ở nông thôn. Mặt khác, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội còn giải quyết được các vấn đề xã hội như: Nhà ở, việc làm, môi trường, nước sạch, học tập nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: “Năm 2022, Phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện rà soát các đối tượng được vay vốn kịp thời giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng; kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu cho giai đình góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, thêm điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới…”.Thông qua chương trình tín dụng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển kinh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hẹp khoảng cách về mức sống trong nhân dân giữa các vùng miền…; củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng và Nhà nước.

Anh Tú

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202203/von-uu-dai-tiep-suc-cac-ho-giam-ngheo-ben-vung-183394