Vốn chính sách ở Đắk Glong - Hiệu quả đến từng hộ gia đình

Nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả tại huyện Đắk Glong (Đắk Nông), giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn vốn “gõ cửa” kịp thời

Nhiều năm trước đây, điều kiện kinh tế gia đình anh Lương Văn Ngọ, xã Đắk Som gặp nhiều khó khăn. Hơn 1,5 ha cà phê không có vốn tái đầu tư nên năng suất, chất lượng kém.

Nhiều hộ dân tại xã Đắk Som được vay vốn từ NHCSXH để phát triển mô hình nuôi dâu tằm

Tháng 3/2020, gia đình anh Ngọ được vay vốn từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Có vốn, anh Ngọ đầu tư chuồng trại, dê giống về nuôi tại vườn. Từ 4 con dê giống ban đầu, sau gần 4 năm, đàn dê phát triển hơn 54 con. Theo tính toán của anh Ngọ, nếu bán đàn dê thịt đang có tại vườn, gia đình đã thu về được hơn 100 triệu đồng.

“Trong lúc khó khăn, nguồn vốn ưu đãi đã “tiếp sức” để chúng tôi phát triển kinh tế vững hơn. Nếu tình hình chăn nuôi thuận lợi như hiện tại, thời gian không xa, kinh tế gia đình sẽ ổn định hơn rất nhiều”, anh Ngọ chia sẻ.

Cũng được vay vốn từ NHCSXH, gia đình chị H Zăm, xã Quảng Khê đã đầu tư vào phát triển kinh tế. Theo chị H Zăm, năm 2021, chị được vay vốn từ NHCSXH đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, gia đình chị đang tập trung vào chăm sóc bò, phát triển cây ngắn ngày phục vụ đời sống, tăng thu nhập.

Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Glong được vay vốn tín dụng chính sách ngày càng tăng

Từ 2 con bò giống ban đầu, đến nay, trong chuồng nhà chị luôn duy trì trên 20 con. Tận dụng nguồn phân chuồng, chị đầu tư trồng thêm cây chanh, su su để tăng thu nhập.

“Khi đàn bò chưa đến thời điểm xuất bán, gia đình tôi có nguồn thu từ cây ngắn ngày. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, hàng tháng gia đình bảo đảm tiền sinh hoạt và trả lãi ngân hàng”, chị Zăm cho biết.

Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận

Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong, cùng với nguồn vốn Trung ương, NHCSXH tỉnh phân bổ, địa phương đã quan tâm đến nguồn vốn ngân sách huyện để ủy thác cho vay. Hàng năm, trên cơ sở nguồn vốn phân bổ, đơn vị rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn từng hộ. Các gia đình nằm trong diện đủ điều kiện, Phòng Giao dịch NHCSXH tạo thuận lợi về thủ tục, giải ngân nguồn vốn vay. Thông qua nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội để đầu tư, phát triển kinh tế.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong kiểm tra mô hình vay vốn, sử dụng vốn vay của người dân

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Gong K’Ngai cho biết, hàng năm, khâu bình xét, vay vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay được đơn vị thực hiện chặt chẽ. Ngân hàng phối hợp với 4 tổ chức hội nhận ủy thác, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên kiểm tra, giám sát quá trình trước, trong, sau khi cho vay vốn. Các cấp chính quyền địa phương vào cuộc để cùng rà soát, bình xét, tạo thuận lợi cho nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

“Ngoài phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, các cấp chính quyền địa phương, chúng tôi tăng cường cán bộ xuống cơ sở tăng cường công tác giám sát. Những vi phạm trong quá trình vay sẽ được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời”, ông K’Ngai nhấn mạnh.

Cũng theo ông K’Ngai, Phòng Giao dịch NHCSXH luôn đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng “làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã”. “Chúng tôi thường xuyên cải tổ phương thức làm việc để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Chỉ mất từ 3 đến 5 ngày, người dân đã nhận được vốn vay từ NHCSXH”, ông K’Ngai thông tin.

Toàn huyện Đắk Glong hiện có 9.654 hộ gia đình được vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách tại địa phương gần 640 tỷ đồng. Trong số này, có hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn.

Giảm nghèo hiệu quả

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần khẳng định, cái được lớn nhất trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đó là giảm nghèo hiệu quả. Nhận thức của người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.

“Từ chỗ nhận thức nguồn vốn cho không, bà con chuyển sang suy nghĩ cho vay, phải làm ăn hiệu quả để trả vốn cho ngân hàng. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước được hạn chế”, ông Thuần khẳng định.

Một góc xã Đắk P'lao, huyện Đắk Glong hôm nay

Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại Đắk Glong còn 14,48%, giảm 12,24% so với 2022. Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 21,16% (kế hoạch 6%).

Để có được kết quả này, cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách, UBND huyện Đắk Glong chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp phối hợp với cơ quan khuyến nông tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ. Thông qua đó, các hộ vay vốn được hướng dẫn phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế.

Các địa phương khuyến khích, vận động hộ nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nguồn vốn vay ưu đãi được bà con sử dụng khá hiệu quả.

Công tác phổ biến, tuyên truyền của địa phương đóng vai trò quan trọng. Thông qua nguồn vốn vay, người nghèo đã dám nghĩ, dám làm. Từng địa phương nhân rộng mô hình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững. Mỗi gia đình trong bon, trong thôn học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tự lực phát triển kinh tế.

Nguyễn Lương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/von-chinh-sach-o-dak-glong-hieu-qua-den-tung-ho-gia-dinh-194318.html