Vốn chính sách đồng hành xóa nghèo ở Phan Lâm

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đồng hành cùng hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, góp phần xóa đói - giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Chăn nuôi gia súc ở xã Phan Lâm

Phan Lâm là một trong những xã vùng cao chậm phát triển, khó khăn nhất huyện Bắc Bình, diện tích đất tự nhiên rộng nhưng đất sản xuất nông nghiệp ít do địa hình nhiều núi cao, giao thông cách trở. Xã có trên 80% dân số là dân tộc Rắc Lây, còn lại là K’ Ho, Chăm, Kinh, Nùng, Hoa, Châu Ro, ChuRu, Chil, Thổ, Giao. Mật độ dân cư phân bổ không đồng đều, trình độ dân trí thấp, hạ tầng cơ sở hạn chế. Mức sống của người dân còn thấp, thu nhập mới đạt khoảng 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo gần 40%. Do vậy, việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân đã khó, còn để nguồn vốn phát huy hiệu quả lại càng khó hơn. Tuy nhiên với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều năm nay, người dân đã tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH là động lực để phát triển sản xuất, đẩy lùi đói nghèo ở địa phương này.

Hộ Trịnh Thị Đinh từ một hộ cận nghèo nay đã thoát nghèo cũng nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH.

Điển hình hộ ông Huỳnh Văn Dũng, tổ tự quản số 6 của xã, một trong những hộ nghèo và cận nghèo trong tổ, gặp khó khăn vì không có vốn phát triển kinh tế. Năm 2022 được tiếp cận vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo của NHCSXH, với số tiền 50 triệu đồng, gia đình ông đầu tư nuôi bò - giống bò sinh trưởng ở Bình Thuận quen với khí hậu thời tiết. Từ 3 con bò ban đầu mua với số tiền 45 triệu đồng, đến nay đàn bò phát triển lên thành 4 con.

Tương tự, hộ Trịnh Thị Đinh ở Tổ tự quản số 1, từ một hộ cận nghèo nay đã thoát nghèo cũng nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Cách đây 5 năm, hộ chị Đinh vay 30 triệu đồng cũng đầu tư vào bò như hộ ông Dũng, từ một cặp bò nay sinh sản được 3 con, tổng đàn giờ là 5 con. Gia đình chị dự định bán đi một con để xây, sửa nhà cửa và đầu tư thêm vào chăn nuôi, trồng trọt. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, đàn bò của gia đình chị phát triển rất tốt. Hàng tháng, gia đình chị đều trả lãi ngân hàng đúng hạn, không có nợ tồn. Với mong muốn khi đến hạn trả gốc sẽ được vay lại với số tiền nhiều hơn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt vươn lên khá giả.

Ông Mang Nhu, Chủ tịch UBND xã Phan Lâm cho biết: Trong những năm qua, vốn tín dụng ưu đãi đã khẳng định là "đòn bẩy" đắc lực của Đảng và Nhà nước trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và có đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH trên địa bàn. Các chương trình tín dụng đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, từ đó, họ có cơ hội vươn lên tự thay đổi cuộc sống của mình. Để người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp ủy, chính quyền đã định hướng người dân trồng cây gì, nuôi con gì và vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Xã vận động bà con, nhất là các hộ nghèo tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như phát triển chăn nuôi bò, trồng các loại cây ăn quả có múi... Hiện xã thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách với hơn 380 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, tổng dư nợ trên 17 tỷ đồng với 7 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, chương trình tín dụng hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường… chỉ trong quý III/2023 đã cho vay hơn 560 triệu đồng.

Có thể nói, qua nguồn vốn vay chính sách, đồng bào DTTS ở Phan Lâm đã và đang phát huy, khai thác thế mạnh của xã, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện sống, vươn lên dần thoát nghèo.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/von-chinh-sach-dong-hanh-xoa-ngheo-o-phan-lam-114134.html