'Vòi bạch tuộc' lũng đoạn, xáo trộn thị trường

Với chiêu trò thu mua, chiếm dụng rồi 'cắt tai mài vỏ' biến bình gas thuộc quyền sở hữu của DN khác thành của mình là chiêu thức khiến các DN 'sạch' trong lĩnh vực này 'khổ sở'…

Thu mua, chiếm dụng vỏ bình gas bằng thủ đoạn “cắt tai mài vỏ”:

Lực lượng chức năng phân loại, xác minh các vỏ bình gas bị chiếm giữ

Hàng nghìn vỏ bình PV GAS bị tập kết trái phép

Mới đây, CA huyện Đông Anh, Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển vỏ bình gas trái phép, thu giữ hàng nghìn vỏ bình gas mang nhiều nhãn hiệu khác nhau. Các bình gas này được tập kết tại Cty CP Kinh doanh và XNK Khí Gas hóa lỏng Vạn Lộc, có địa chỉ ở Lô CN4 - KCN Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngay sau đó, số bình gas này đã được cơ quan chức năng lập biên bản, thu giữ, xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Đăng Sinh - Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cho biết, hành vi tập kết vỏ bình PetroVietnam trái phép của Cty CP Kinh Doanh và XNK Khí Gas Hóa Lỏng Vạn Lộc chính là biểu hiện của sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, vốn đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn trong cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung.

Đơn cử như ngày 16-9-2021, CA huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh phát hiện tại một kho hàng ở xã Sơn Diệm 750 vỏ bình gas LPG mang các nhãn hiệu Việt Thái Gas và Green Petrol Gas QTH không có hóa đơn chứng từ nên đã tạm giữ để xác minh, xử lý.

Trước đó, tháng 5-2021 CA huyện Can Lộc đã phát hiện và thu giữ 252 chai LPG của nhiều DN kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh, do 1 cá nhân tự thu mua. CA huyện Can Lộc đã xử lý theo quy định và trả lại chai LPG cho các DN có quyền sở hữu số chai LPG nói trên.

Hay như tại Thanh Hóa, ngày 14-10-2021, Đội QLTT số 9, thuộc Cục QLTT Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật, tạm giữ phương tiện đối với đối tượng Nguyễn Văn Tùng, trú tại xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn khi đang có hành vi vận chuyển 863 vỏ bình gas đã qua sử dụng mang các nhãn hiệu An Dương Petrol, Gas Đất Việt, ELF Gas, Green Petrol Gas QTH, Petrol Việt Nam Gas, Shell Gas, PM Gas… Tại thời điểm kiểm tra, ông Tùng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, hoạt động kinh doanh khí hiện nay đang thiếu sự hợp tác, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, về tài sản, về uy tín của DN khác. Việc chiếm đoạt vỏ bình gas, sang chiết trái pháp luật; vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa của các DN có uy tín trong sang chiết gas... vẫn còn diễn ra công khai ở nhiều nơi.

Hành vi hủy hoại tài sản của người khác

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vấn nạn kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh đã diễn ra thời gian dài và khó khăn cho quá trình xử lý của cơ quan chức năng.

Theo quy định về kinh doanh khí hóa lỏng, các hãng gas đều tuyên bố bình gas là sở hữu của họ, kể cả người tiêu dùng đã đặt tiền vỏ bình khi mua gas về sử dụng. Vì vậy, các tổ chức chiếm hữu thì rõ ràng vi phạm, nhất là khi tiến hành các hành vi cắt tai hoặc xóa nhãn biến thành nhãn hiệu khác.

"Thực tế, có trường hợp cắt tai, xóa nhãn in đè nhãn khác, có những trường hợp thay vì sản xuất mới thì sửa lại và gắn nhãn hiệu bên mình vào. Đó là vi phạm sở hữu trí tuệ, trong một số trường hợp còn làm giả, bơm gas của mình vỏ bình của đơn vị khác, vì chất lượng của mỗi sản phẩm là khác nhau", luật sư Thái cho hay.

Theo luật sư Thái, giai đoạn vi phạm cũng được xác định khác nhau. Ban đầu chỉ là chiếm giữ vỏ bình gas, khiến đối thủ không có vỏ bình để kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tiếp đến là xóa nhãn, hủy bỏ vỏ bình ga là hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Sau đó là giai đoạn cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn hiệu thì đã có dấu hiệu vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.

"Theo tôi, cần có quy định rõ ràng hơn về kinh doanh khí hóa lỏng, nghiêm cấm xóa bỏ nhãn hiệu, cắt tai, mài vỏ. Thời gian của đại lý được lưu giữ vỏ bình gas của nhãn hiệu khác là bao lâu, cũng cần có quy định cụ thể. Nếu cứ giữ mãi vỏ bình của đơn vị khác trong kho là vi phạm, làm cho đơn vị khác không còn vỏ bình gas để kinh doanh", luật sư Thái phân tích.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Minh Hải - Phó GĐ Cty CP Kinh doanh LPG Việt Nam (PV GAS LPG) cho biết, Cty là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Cty Khí Việt Nam cho phép sử dụng, quản lý, giám sát và sản xuất, chiết nạp, kinh doanh các sản phẩm bình gas mang nhãn hiệu PetroVietnam GAS.

Mặc dù không được PV GAS LPG cho phép sử dụng, quản lý, giám sát và sản xuất, chiết nạp, kinh doanh các sản phẩm bình gas mang nhãn hiệu PV Gas, nhưng thời gian qua, Cty Khí Gas Vạn Lộc vẫn ngang nhiên làm việc đó.

Theo ông Hải, việc làm này của Cty Khí Gas Vạn Lộc đã vi phạm pháp luật, gian lận trong việc kinh doanh LPG, lừa dối cơ quan chức năng, khách hàng, người tiêu dùng; làm lũng đoạn, xáo trộn thị trường và mang lại tâm lý hoang mang cho hệ thống khách hàng của PV GAS LPG và gây thiệt hại đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của PV GAS LPG".

Liên quan đến vụ việc này, Cty CP Dầu khí EPIC cũng đã có đơn tố giác gửi CA TP Hà Nội và CA huyện Đông Anh, về việc số lượng lớn vỏ bình khí hóa lỏng mang các nhãn hiệu của Cty này đưa ra thị trường nhưng không quay về chủ sở hữu.

Đại diện Cty CP Dầu khí EPIC khẳng định, khẳng định không hề có thỏa thuận gì về việc trao đổi hoặc mua bán vỏ bình gas với Cty trên, do đó việc thu gom, chiếm giữ trái phép số vỏ bình gas của EPIC là có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh nên chúng tôi đã có đơn gửi các cơ quan chức năng.

Từ phát hiện của EPIC, đơn vị này cũng đã thông báo cho nhiều Cty khác cũng đang có vỏ bình ga được tập kết tại một DN tại Lô CN4, KCN Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh. Ngay sau đó, hàng loạt các đơn vị khác cũng đã có đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu xác minh làm rõ vụ việc này.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/voi-bach-tuoc-lung-doan-xao-tron-thi-truong-284258.html