Vợ chồng ở Đồng Nai bị chó dại cắn

Tỉnh Đồng Nai mới ghi nhận thêm 2 trường hợp bị chó dại cắn là hai vợ chồng sống ở huyện Trảng Bom.

Virus dại có thể truyền vào cơ thể nạn nhân qua vết cắn, vết cào. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo kết quả điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, hai vợ chồng ông D.V.N. (47 tuổi) và bà S.L.M. có nuôi một con chó lai không rõ loại, chưa được tiêm phòng bệnh dại.

Hàng ngày, chó được xích trong rẫy và không đeo rọ mõm. Trước khi cắn ông N. khoảng một tuần, con chó có biểu hiện ủ rũ, chán ăn, bỏ ăn, chảy nước dãi.

Ngày 29/2, ông N. bị chó cắn vào cẳng tay trái gây xây xát da lúc đang cho con chó ăn. Hai ngày sau, con chó tiếp tục cắn vào cẳng chân trái bà M. khi đang đi thăm rẫy. Vết cắn sâu, chảy máu nhiều.

Sau khi bị cắn, hai vợ chồng đã tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Ông N. cũng báo với Trạm chăn nuôi và thú y huyện Trảng Bom ngay trưa 1/3 để lấy mẫu xét nghiệm con chó đã cắn. Kết quả cho thấy con chó dương tính với virus dại.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, ngành y tế đã đề nghị 2 nạn nhân bị chó dại cắn tuân thủ nghiêm phác đồ tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Song song với đó, ngành thú y tuyên truyền các hộ nuôi cho trong khu vực nhốt, theo dõi và đưa vật nuôi đi tiêm phòng bệnh dại. Nếu con vật có biểu hiện bất thường, chủ hộ cần phải báo ngay với chính quyền địa phương.

Theo CDC Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, tỉnh này ghi nhận hàng loạt trường hợp bị chó cắn phải nhập viện, thậm chí tử vong.

Tiên vaccine phòng bệnh dại cho chó nuôi tại nhà. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Qua điều tra dịch tễ tại các ổ dịch, ngành chức năng nhận định dịch bệnh dại đang có diễn biến phức tạp và mầm bệnh dại đã lưu hành âm thầm trên diện rộng.

“Chó, mèo ở những khu vực đã có ca bệnh hầu hết đều được nuôi thả rông, không rọ mõm và chưa tiêm phòng dại. Khi đã có mầm bệnh mà chó, mèo được thả rông tiếp xúc, cào cấu, cắn nhau sẽ làm lây lan mầm bệnh”, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, cho hay.

Dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ 7-10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Hầu hết ca tử vong do bệnh dại đều không rõ lịch sử tiêm ngừa hoặc không tiêm khi bị chó, mèo cào và cắn.

CDC Đồng Nai khuyến cáo trong trường hợp bị động vật dại cắn, nạn nhân nên rửa kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch khoảng 15 phút và sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ, cồn i-ot hoặc rượu.

Lúc thao tác, mọi người cần chú ý hạn chế làm vết thưởng tổn thương sâu hoặc rộng hơn, không nên băng bó hay đắp thuốc kín. Sau khi sơ cứu, mọi người cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/vo-chong-o-dong-nai-bi-cho-dai-can-post1463177.html