Vợ chồng loay hoay bám trụ lại TPHCM sau 'cơn bão' cắt giảm lao động

Chị Lê Thị Bích Châm (38 tuổi, quê Sóc Trăng) là một trong số hàng ngàn công nhân của Công ty TNHH PouYen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) bị cắt giảm lao động. Ngày ngày, chị cùng chồng xếp áo mưa để có tiền trang trải cuộc sống.

Vợ chồng chị Lê Thị Bích Châm - anh Đào Văn Khỏe (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) nhận xếp áo mưa tại nhà để có tiền trang trải cuộc sống sau "bão" cắt giảm.

Bỏ bữa sáng để tiết kiệm

Hiện tại, vợ chồng chị Châm đang ở tại một căn phòng trọ rộng khoảng 12 mét vuông nằm trên đường Trần Thanh Mại (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM). Không khí tại đa số khu trọ quanh đây vào những ngày giữa tháng 11/2023 đượm buồn. Các chủ trọ cho biết, sau "bão" cắt giảm và loay hoay đi tìm việc mới mà không được, nhiều người đã trả phòng để về quê.

Đầu tháng 5/2023, chị Châm buồn bã đến tột cùng khi hay tin mình nằm trong danh sách cắt giảm của công ty. Chị là công nhân mài nhám giày và đã làm ở công ty được 14 năm. Chừng ấy năm theo nghề, sức khỏe của chị cũng bị ảnh hưởng do bụi bặm nên hay viêm xoang, đau đầu.

Chị Châm buồn bã khi hay tin bị cắt giảm lao động sau 14 năm làm việc ở công ty.

Đối với chị Châm, những ngày còn đi làm dù vất vả nhưng luôn đầy ắp niềm vui. Thu nhập của chị khi đó khoảng 8 triệu đồng/tháng đủ để chị trang trải cuộc sống và lo tiền học phí cho 2 con (đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi).

Trước đây, mẹ của chị Châm từng làm việc chuyên xếp áo mưa ở một công ty. Ngày thất nghiệp, chị nghe lời mẹ tìm đến công ty này để xin nhận áo mưa về trọ xếp. Anh Đào Văn Khỏe (44 tuổi, chồng chị Châm) lúc này vẫn đang làm bảo vệ cho một công ty sắt thép nên chủ yếu chỉ đi nhận, giao áo mưa giúp vợ. Thời gian rảnh, anh sẽ tranh thủ phụ vợ xếp áo mưa thêm. Nhưng éo le thay, cuối tháng 10, công ty của anh Khỏe cắt giảm biên chế khiến anh cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.

Mỗi ngày, vợ chồng chị Châm - anh Khỏe sẽ thức dậy từ 6 giờ nhưng chọn cách bỏ bữa sáng để "tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó". Lo cho con cái đi học xong xuôi, hai vợ chồng lại bày áo mưa ra để xếp. Đúng 9 giờ, anh Khỏe sẽ đảm nhận công việc đi đến công ty để lấy khoảng 2.000-3.000 cái áo mưa về.

Phần áo mưa này sẽ được vợ chồng chị chia cho những người lao động khó khăn cùng trọ hoặc những đồng nghiệp cũ từng làm ở PouYen và cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Trước đây, anh Khỏe làm bảo vệ cho một công ty sắt thép nên chủ yếu chỉ lấy, giao áo mưa giúp vợ và tranh thủ phụ vợ xếp áo mưa khi rảnh.

Quần quật xếp áo mưa từ 6h-21h, hai vợ chồng cũng xếp đươc khoảng 500-600 chiếc/ngày. Thu nhập dao động từ 100-150 ngàn đồng/ngày. Tiền học phí của con và sinh hoạt phí của gia đình bằng cả thu nhập mà hai vợ chồng kiếm được trong tháng.

Bữa cơm từ hôm vợ chồng cùng thất nghiệp cũng đơn giản dần. "Gia đình tôi chủ yếu ăn cơm cùng đậu bắp, trứng và nước mắm. Lâu lâu tôi sẽ ra chợ mua một con cá khoảng 30 ngàn đồng để cả nhà ăn cho đỡ ngán. Bữa nào mà túng quá thì sẽ ăn mì", chị Châm tâm sự.

Làm việc quần quật cả ngày, vợ chồng chị Châm - anh Khỏe xếp được khoảng 500-600 chiếc với thu nhập dao động từ 100-150 ngàn đồng/ngày.

Cầm cự từng ngày

Biết việc xếp áo mưa chỉ đủ để "cầm cự" cho qua bữa, vợ chồng chị Châm - anh Khỏe cũng từng đèo nhau đi khắp khu công nghiệp Tân Tạo, thậm chí chạy tuốt xuống tới khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) để tìm việc. Cứ chỗ nào dán bảng tuyển dụng lao động phổ thông, hai vợ chồng lại vào xin làm rồi trở ra đầy thất vọng vì đa số công ty chỉ tuyển người trong độ tuổi từ 18 đến 35.

Ròng rã mấy tháng trời kiếm việc làm không có kết quả, hai vợ chồng lại trở về nhà xếp áo mưa toàn thời gian vì "không làm thì không còn tiền để sống". Dù gặp khó khăn về kinh tế nhưng anh Khỏe chia sẻ, vợ chồng anh chưa từng xảy ra xích mích, cãi vả. Lúc nào, vợ chồng cũng động viên nhau cố gắng.

"Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Giờ vợ chồng mà không đồng lòng nữa thì cuộc sống chỉ có căng thẳng thêm. Thời buổi bây giờ, ai cũng khó khăn cả chứ không riêng gì mình.

Động lực cố gắng của chúng tôi bây giờ là vì các con. Hai đứa rất chăm học, lực học giỏi nên vất vả đến mấy thì vợ chồng tôi cũng ráng lo cho tụi nó ăn học đến nơi đến chốn", anh Khỏe cho hay.

Chị Lê Thị Hiếu (45 tuổi, ở sát phòng trọ chị Châm) cũng từng phải đối diện với nguy cơ bị nghỉ việc. Nhưng may mắn hơn chị Châm, đến phút cuối, chị Hiếu xin vào làm được cho một dây chuyền khác ở cùng công ty PouYen. Nhìn những người đồng nghiệp cũ lần lượt rời khỏi công ty, trong chị Hiếu vẫn luôn thường trực nỗi lo bị cắt giảm. Chị Hiếu cho hay, ở độ tuổi của chị để kiếm được một công việc khác vốn cũng không dễ dàng.

Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên chị Hiếu cũng được chị Châm chia cho một ít áo mưa để gia đình chị Hiếu cùng xếp vào thời gian rảnh. Chị Hiếu chia sẻ: "Tôi còn lo cho con đi học và ba mẹ già yếu ở quê. Tôi làm thêm để có ít tiền đi chợ, vợ chồng Châm nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ những người cùng cảnh nên ai cũng quý. Hôm nào cả gia đình tôi cùng tham gia xếp áo mưa thì cũng kiếm được khoảng 50 ngàn đồng/ngày".

Anh Đào Văn Khỏe (44 tuổi, chồng chị Châm) chở số áo mưa đã xếp đi giao cho công ty.

Cũng nhiều lần, vợ chồng chị Châm - anh Khỏe bàn tính chuyện về quê để kiếm sống. Nhưng nghĩ đến cảnh về quê không có nhà cửa hay đất canh tác, chị Châm nhủ bụng ráng cầm cự ở lại TPHCM và nuôi hy vọng sẽ kiếm được việc làm khác.

"Từ ngày bị cắt giảm, vợ chồng tôi không có tiền để mua sắm hay cho con cái ăn đầy đủ như trước. Tôi mong có doanh nghiệp hoặc một cơ quan nào đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho những lao động ngoài 35 như vợ chồng tôi có thể kiếm được một công việc ổn định, cân bằng lại cuộc sống", chị Châm hy vọng.

Bài, ảnh: Cao Như Quỳnh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-chong-loay-hoay-bam-tru-lai-tphcm-sau-con-bao-cat-giam-lao-dong-20231116123347838.htm