Vĩnh Phúc tổ chức tập huấn công tác nhân quyền

Ngày 12/4, Ban Chỉ đạo về nhân quyền tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền năm 2023.

Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ nên công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Vĩnh Phúc

Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân… đang ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo tốt các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tại Hội nghị, đại biểu được nghe báo cáo viên chia sẻ 3 chuyên đề: Hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Việt Nam; Quyền tự do ngôn luận, tự do internet và nhận diện hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, internet chống phá Việt Nam; Công tác nhân quyền trong tình hình mới.

Qua đó, các báo cáo viên đã cung cấp thông tin toàn diện, cập nhật tình hình thực tiễn về công tác bảo đảm và đấu tranh nhân quyền trong tình hình hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền - khẳng định, công tác nhân quyền là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Dân chủ, nhân quyền vẫn là hướng chủ đạo mà các nước phương Tây, các thế lực phản động thù địch khai thác để gây sức ép, thúc đẩy các yếu tố “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động số đối tượng chống đối.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền

2023 là năm bản lề triển khai thực hiện nhiệm vụ thành viên hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, tham gia tiến trình bảo vệ các Công ước CERD, ICCPR và Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ IV. Trong đó, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, internet… sẽ là những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động chống phá ta.

Vì vậy, cần tập trung triển khai cả hai mặt công tác bảo vệ và đấu tranh vì quyền con người trên các lĩnh vực: Nâng cao nhận thức, bảo đảm thúc đẩy quyền con người, thông tin - tuyên truyền về quyền con người và đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam.

Đây là nhiệm vụ của tất cả các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Việc tập huấn nhân quyền cho đội ngũ cán bộ cơ sở cần được thực hiện thường xuyên để nâng cao và thống nhất nhận thức về vấn đề quyền con người. Công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... để tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thái An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vinh-phuc-to-chuc-tap-huan-cong-tac-nhan-quyen-2131901.html