Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế đi cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống

Dự án “Thí điểm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường” được triển khai sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống của nhân dân Vĩnh Thịnh, đồng thời phát triển đàn bò sữa tốt hơn, rộng hơn, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là mục tiêu lớn mà tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, huyện Vĩnh Tường nói riêng đang hướng tới nhằm xóa bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang diễn ra tại xã Vĩnh Thịnh sau nhiều năm phát triển nghề chăn nuôi bò sữa.

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với các DN tháo gỡ vướng mắc về vốn, đất đai, kỹ thuật cho người dân nhằm đảm bảo đời sống người dân, đem lại hiệu quả kinh tế cho vùng. Ảnh: H.A.

Để chăn nuôi bò sữa tiếp tục là nghề chủ lực

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 10.000 con bò sữa thì ở huyện Vĩnh Tường có khoảng 7.200 con. Trong đó riêng tại xã Vĩnh Thịnh là gần 5.000 con, chiếm tới 67% số bò của toàn huyện. Trong số 900 hộ nuôi bò tại xã Vĩnh Thịnh chỉ có khoảng 10% số hộ có chuồng xa khu dân cư, 90% chuồng bò còn lại nằm liền với nhà dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân trong xã mà còn dẫn tới một mối lo khác là việc một khối lượng lớn chất thải nuôi bò thải ra môi trường dẫn tới ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng sữa và nếu không sớm được khắc phục, nguồn lợi kinh tế của địa phương sẽ bị ảnh hưởng khi đơn vị thu mua sữa kiểm soát chặt chẽ và trả giá cao thấp tùy theo chất lượng sữa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Lê Duy Thành, vấn đề môi trường đang là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, Vĩnh Phúc đang kết hợp với các công ty sữa thí điểm tổ chức lại sản xuất, đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2017-2020. Chủ trương này càng trở nên cấp bách vì ô nhiễm do chăn nuôi bò đã đến mức báo động, cần phải có giải pháp để phát triển kinh tế bền vững, không thể để mãi tình trạng người dân phải sống trong môi trường ô nhiễm như vậy.

Ông khẳng định quan điểm phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc là “công nghiệp là nền tảng, nông nghiệp là quan trọng, du lịch là mũi nhọn”. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo huyện và xã quán triệt tinh thần phát triển kinh tế phải luôn vì chất lượng đời sống nhân dân, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, phải hướng đến mục tiêu chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Cho tới khi cầu Vĩnh Thịnh được xây dựng thì ý tưởng chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng đất bãi ven sông sang phát triển du lịch - dịch vụ được xem là “chìa khóa” phát triển kinh tế nơi đây.

Theo đó, đầu năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc vừa phê duyệt triển khai dự án “Thí điểm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2020” tại huyện Vĩnh Tường. Cụ thể, 3 khu chăn nuôi bò sữa sẽ được xây dựng ra ngoài khu dân cư với tổng diện tích quy hoạch 26,5 ha, kinh phí dự kiến khoảng 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, huyện. Dự án này nhằm tìm ra mô hình, giải pháp cụ thể để phát triển đàn bò sữa theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Trên cơ sở mô hình thí điểm tại Vĩnh Thịnh, huyện sẽ nhân ra diện rộng, ông Lê Chí Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết.

Nhiều hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi

Theo dự án đã được phê duyệt, dự án sẽ quy hoạch xây dựng 3 khu chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư với tổng diện tích 26,5 ha, trong đó giai đoạn 1 (2017- 2020) sẽ thực hiện 50% diện tích mỗi khu đáp ứng ngay cho các hộ có nhu cầu và trên cơ sở kinh nghiệm kết quả thực hiện giai đoạn 1 để nhân rộng. Đáng chú ý, với mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô đàn bò sữa của xã có thể lên tới trên 10.000 con, quy hoạch tổng diện tích trồng cỏ lên tới 150ha. Khu chăn nuôi sẽ có hệ thống xử lý môi trường với hệ thống chuồng trại, chăm sóc y tế đảm bảo… Điều quan trọng ở chỗ, không chỉ làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, làm tăng thu nhập cho các hộ dân từ việc chăn nuôi bò sữa, từ khu chăn nuôi tập trung này sẽ hình thành sản phẩm du lịch từ các trang trại chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu gắn kết với khu du lịch sinh thái… Đây là mô hình phát triển kinh tế hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị.

Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên mô hình khu chăn nuôi bò sữa tập trung được đề xuất xây dựng tại Vĩnh Phúc. Trao đổi thêm về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh, Nguyễn Ngọc Triển cho biết, trước đó, từ năm 2009, UBND xã Vĩnh Thịnh cũng đã quy hoạch 3 khu chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 17 ha. Song do việc lựa chọn vị trí không phù hợp cho nên việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đưa trang trại vào khu quy hoạch không có kết quả. Quy hoạch lần này đã khắc phục những tồn tại của quy hoạch lần trước, UBND tỉnh, UBND huyện cũng có chính sách hỗ trợ cho người dân đưa bò ra khu tập trung. Trong điều kiện ô nhiễm hiện nay đã nặng nề hơn so với trước đây, lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh nhấn mạnh, vấn đề còn lại là công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận.

Với mô hình này, các chuồng, trại bò sẽ được xây dựng theo quy chuẩn sản xuất xanh và sạch, đáp ứng yêu cầu của vệ sinh, môi trường và an toàn thực phẩm. Phân bò sẽ được xử lý theo quy trình, và được đưa vào máy ép, chế phẩm sẽ được dùng cho sản xuất phân bón sạch. Những trang trại bò sữa này sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái trải nghiệm bên cạnh những resort, khu vui chơi hiện đại, sân golf… trong quần thể khu du lịch An Tường – Vĩnh Thịnh.

Về những hỗ trợ cho người dân, lãnh đạo huyện Vĩnh Tường cho biết, huyện sẽ hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong ba năm, cấp kinh phí để địa phương tổ chức đưa hộ chăn nuôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi bò sữa tập trung lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại tại một số tỉnh, thành phố trong nước... Dự án được triển khai sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống của nhân dân Vĩnh Thịnh, đồng thời phát triển đàn bò sữa tốt hơn, rộng hơn, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Lê Chí Thái, cũng cho biết, những hộ nuôi bò trong các khu trại tập trung sẽ được vay vốn không thế chấp với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ vật tư, lai tạo giống bò sữa, vắc xin, hỗ trợ kinh phí di dời đàn bò là 5 triệu đồng/hộ/trại, hỗ trợ 50% kinh phí mua máy vắt sữa, máy nghiền cỏ trộn thức ăn, phí bảo hiểm nông nghiệp cho bò, đồng thời được miễn tiền thuê mặt bằng trong 3 năm đầu…

Tới đây, để triển khai dự án thuận lợi, ông Lê Duy Thành cho biết tỉnh sẽ phối hợp với các DN tháo gỡ vướng mắc về vốn, đất đai, kỹ thuật cho người dân nhằm đảm bảo đời sống người dân, đem lại hiệu quả kinh tế cho vùng. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, phát triển kinh tế là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là mục tiêu mà tỉnh theo đuổi.

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Nhân sự - Hành chính và Đối ngoại cho biết, theo kế hoạch 5 năm tới, Vinamilk sẽ đầu tư trên 6.000 tỷ đồng để tăng đàn bò lên khoảng 50.000 con, vì vậy DN rất muốn hợp tác với các địa phương để xây dựng các trang trại chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn, cũng như liên kết sản xuất với bà con nông dân để tạo vùng nguyên liệu ổn định, bền vững. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Vinamilk đã có hoạt động liên kết sản xuất với nông dân từ vài năm trước, chủ yếu là huyện Vĩnh Tường với sản lượng thu mua hiện nay trung bình 42 tấn/ngày, năm 2016 Vinamilk Việt Nam đã chi trả cho bà con tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng. Sau khi tham quan tìm hiểu thực tế một số khu vực chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh, đại diện Vinamilk cho biết Vinamilk sẽ nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển dự án chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Phúc.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vinh-phuc-phat-trien-kinh-te-di-cung-voi-nang-cao-chat-luong-cuoc-song.aspx