Vĩnh Phúc: Nhiều dự án được đề xuất điều chỉnh tăng, giảm vốn

4 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều dự án được đề xuất điều chỉnh tăng, giảm vốn...

Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư xây dựng và tránh tình trạng một số công trình, dự án sau khi quyết toán dự án hoàn thành nhưng không sử dụng hết số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được giao, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh XIV diễn ra vào ngày 23/10, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh giảm gần 1.159 tỷ đồng của 39 công trình, dự án và chuyển nguồn vốn này tăng thêm cho 26 công trình, dự án.

Theo Tờ trình số 108 của UBND tỉnh, 39 công trình, dự án được đề xuất giảm lần này chủ yếu thuộc vốn đối ứng dự án ODA, lĩnh vực quân sự, quản lý nhà nước, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Cụ thể, lĩnh vực quân sự có 8 dự án đã quyết toán dự án hoàn thành nhưng không sử dụng hết nguồn vốn với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng; lĩnh vực quản lý nhà nước có 7 dự án đã quyết toán hoàn thành không sử dụng hết nguồn vốn và số tiền đề xuất giảm là 13,6 tỷ đồng; lĩnh vực công nghệ thông tin đề xuất điều chỉnh giảm 3,2 tỷ đồng từ 8 dự án đã quyết toán dự án hoàn thành.

Đặc biệt, điều chỉnh giảm gần 206,43 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 kéo sang thanh toán năm 2019 của một số dự án nhưng không thực hiện hết; điều chỉnh giảm 880,8 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn của 5 dự án đã cân đối đủ vốn gồm: dự án đường nối từ đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh đi thị trấn Lập Thạch (giai đoạn 2), đoạn từ đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh đến thị trấn Hoa Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT.305, đoạn từ Quán Tiên đi cầu Bến Gạo; dự án đường hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp Lập Thạch II, đoạn từ ĐT 306 đi ĐT 305; đường Nguyễn Văn Linh (Phúc Yên) kéo dài khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên); đường nối từ QL2C (vị trí đường trục trung tâm huyện Vĩnh Tường tại xã Đại Đồng đến đường tỉnh 305 (vị trí chợ Vàng tại xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương). Tuy nhiên, do 5 dự án này đều khởi công mới trong năm 2020 nên không thực hiện hết được mức vốn đã phân khai chi tiết tại Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh.

Cũng theo đề xuất của UBND tỉnh, số tiền được điều chỉnh giảm từ 39 dự án sẽ được bổ sung cho 26 dự án của một số ngành, lĩnh vực. Trong đó, bổ sung tăng vốn điều lệ Quỹ phát triển đất 206,4 tỷ đồng; bổ sung 475 tỷ đồng về ngân sách cấp huyện để các địa phương ưu tiên bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản và các công trình văn hóa – xã hội, chỉnh trang đô thị, vệ sinh trường học. Trong các lĩnh vực được đề xuất tăng vốn, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được đề xuất điều chỉnh tăng vốn nhiều nhất với gần 36,7 tỷ đồng cho 11 dự án và các nhiệm vụ quan trọng của ngành đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; lĩnh vực quân sự điều chỉnh tăng 25,3 tỷ đồng cho 3 dự án; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch điều chỉnh hơn 4,8 tỷ đồng cho 1 dự án.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn là do một số công trình, dự án thuộc trách nhiệm đầu tư từ ngân sách tỉnh đã hoàn thành hoặc chuyển tiếp từ các giai đoạn trước nhưng trong quá trình tổng hợp, các đơn vị không lập báo cáo hoặc thời điểm tổng hợp chưa cân đối đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện nên chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Cùng với đó, một số công trình, dự án sau khi quyết toán dự án hoàn thành không sử dụng hết vốn đã được giao; một số dự án sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã cân đối đủ vốn để hoàn thành dự án nhưng do các dự án sẽ khởi công mới trong năm 2020 không thực hiện hết được mức vốn giao trong năm 2020. Một số dự án có kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 được kéo dài sang thanh toán năm 2019 nhưng do vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện và không có khả năng giải ngân nguồn vốn được phép kéo dài đến ngày 31/12/2019.

Mặt khác, năm 2019 là năm thứ 4 Vĩnh Phúc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng hầu hết các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực đến giai đoạn hoàn thành không có khả năng hấp thụ thêm vốn. Do đó, việc điều chỉnh giảm hơn 1.158,5 tỷ đồng từ các dự án và bổ nguồn vốn này cho Quỹ phát triển đất để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, dự án ODA và các công trình, dự án khác là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch và đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn trung hạn được giao.

Được biết, tại kỳ họp thứ 13 này, UBND tỉnh cũng trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2019. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh giảm 63,667 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 được phép kéo dài sang thanh toán năm 2019; điều chỉnh giảm trên 206,4 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công của 43 dự án năm 2018 được phép kéo dài sang thanh toán năm 2019 nhưng không có khả năng thực hiện giải ngân đến 31/12/2019; điều chỉnh giảm gần 27,8 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019. Các nguồn vốn này được đề xuất bổ sung tăng vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất và một số ngành, lĩnh vực.

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất các dự án không có khả năng hoàn thành mức vốn kế hoạch theo dự kiến. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước rà soát chuẩn xác về số liệu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 được phép kéo dài sang thanh toán năm 2019 nhưng không có khả năng giải ngân hết nguồn vốn đến 31/12/2019.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/vinh-phuc-nhieu-du-an-duoc-de-xuat-dieu-chinh-tang-giam-von-d149394.html