Bộ Xây dựng lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: L.Đan).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: L.Đan).

Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; các địa phương; doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, nhà khoa học…

Chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành Cấp, Thoát nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Hiện nay, trong các nội dung của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dung, Luật Đất đai, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… có quy định về trách nhiệm của các cơ quan/đơn vị trong quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước, thoát nước.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đồng bộ, thống nhất để có đủ tính pháp lý, chế tài nhằm huy động, tập trung các nguồn lực bảo đảm việc cấp nước, thoát nước ổn định, bền vững.

Mặt khác, việc bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, phòng tránh các dịch bệnh do nước gây ra chưa có đủ chế tài để tổ chức thực hiện và xử lý các vi phạm…

Bên cạnh đó, các pháp luật liên quan đến thích ứng, giảm thiểu và khắc phục tác động của biến đổi khí hậu đến cấp nước, thoát nước còn thiếu, không đồng bộ và đang nằm rải rác ở các Luật có liên quan khác, đã hạn chế việc quản lý phát triển cấp nước, thoát nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đặt ra đối với quản lý và phát triển cấp nước, thoát nước còn rất lớn, chúng ta phải tập trung triển khai các công việc cụ thể như thể chế hóa trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực cấp nước, thoát nước; tiến hành rà soát, điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước và Định hướng phát triển thoát nước phù hợp với yêu cầu mới của giai đoạn; phát triển bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, bền vững, điều tiết các mối quan hệ trong cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước, quản lý dịch vụ cấp, thoát nước…

Đứng trước thực trang quản lý cấp nước, thoát nước nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước. Hồ sơ được Bộ Tư pháp thẩm định tại Văn bản số 215/BCTĐ-BTP ngày 20/10/2023, được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01/12/2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra và đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025 trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Thứ trưởng đánh giá, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Việc xây dựng Luật này là một văn bản pháp luật rất khó, được soạn thảo lần đầu tiên, liên quan trực tiếp đến quyền lợi cơ bản của người dân, doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Xây dựng rất mong có được sự ủng hộ, tham gia ý kiến tích cực của các đại biểu trong việc tập trung góp ý xem dự thảo Luật đã thể hiện rõ, đó là: 3 chính sách đã được Quốc hội thông qua hay chưa; đã giải quyết được các tồn tại, hạn chế, khó khăn của lĩnh vực cấp, thoát nước; sự đồng bộ, thống nhất với các pháp luật hiện hành, đã đảm bảo tính thực thi, tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật…

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: L.Đan).

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: L.Đan).

Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả

Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh, dự thảo Luật Cấp, thoát nước bao gồm 8 Chương, 68 Điều trên cơ sở 3 chính sách: Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước quy định nhiều nội dung, bao gồm: Quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với công trình cấp, thoát nước nhằm giảm giá dịch vụ cấp, thoát nước; ưu tiên quỹ đất cho công trình hồ trữ nước, hồ điều hòa nước mưa; chiến lược phát triển cấp, thoát nước; quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đảm bảo tính liên kết vùng giữa cấp nước đô thị, nông thôn và thoát nước đô thị, khu dân cư với thoát nước thủy lợi, lưu vực sông.

Hướng tới hình thành các nhà máy nước quy mô lớn, vùng cấp nước rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm cấp nước an toàn; lựa chọn đơn vị cấp nước, yêu cầu đầu tư công trình cấp nước; quản lý lưu vực thoát nước mưa, ưu tiên triển khai đầu tư hạ tầng khung hệ thống thoát nước mưa kết nối với hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi từng bước giải quyết ngập úng đô thị; quản lý vùng thoát nước thải đô thị, khu dân cư, khu chức năng gắn dự án thu gom, xử lý nước thải từ công tác quy hoạch và đầu tư.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định những nội dung liên quan quản lý đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước; quy định các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác; yêu cầu quản lý vận hành hệ thống cấp nước, quản lý tài sản công, thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn.

Đồng thời yêu cầu năng lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước; quản lý thoát nước địa phương; quản lý hồ điều hòa; sử dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải sau xử lý; quy định cụ thể chất lượng dịch vụ cấp nước vụ; điều kiện kinh doanh nước sạch thông qua cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh nước sạch theo nhà máy nước hoặc vùng phục vụ cấp nước; quy định quản lý hợp đồng cấp nước; quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch; quy định nguyên tắc xác định giá dịch vụ thoát nước; sử dụng nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước; trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp, thoát nước.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: L.Đan).

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: L.Đan).

Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực, nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp, thoát nước. Trong đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích, làm rõ hơn một số thuật ngữ chuyên ngành; cần thống nhất giữa Luật Cấp, thoát nước với Luật Bảo vệ môi trường về một số quy định liên quan đến quản lý bùn thải thoát nước; quy định rõ hơn về các điểm kết nối cung cấp nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy…

Ngoài ra, cần chú trọng đơn giản hóa thủ tục đấu thầu; cần quy định tiêu chí kinh nghiệm, chuyên môn chuyên ngành của lãnh đạo đơn vị quản lý vận hành doanh nghiệp cấp thoát nước; cần quy định thời gian tối thiểu việc đưa công trình vào sử dụng kể từ khi hoàn thành, vì việc bàn giao trên thực tế thường diễn ra trong thời gian dài; cần xây dựng hợp đồng mẫu PPP trong lĩnh vực cấp thoát nước; chú trọng cách tiếp cận nguồn nước theo lưu vực sông; quản lý bền vững tài nguyên nước, chú trọng tái sử dụng nước thải; quy định trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước…

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cảm ơn các đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp Ban soạn thảo thêm một bước hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân để hoàn thành dự thảo Luật đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch…

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bo-xay-dung-lay-y-kien-du-thao-luat-cap-thoat-nuoc-375605.html