Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở các hợp tác xã

ng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đang được các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc triển khai, với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất và chất lượng cuộc sống.

Ứng dụng Vietgap điện tử truy suất nguồn gốc nông sản.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 238 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 83.400 xã viên, số lao động làm việc trong khu vực hợp tác xã khoảng 83.100 người. Tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của các hợp tác xã đạt trên 308,4 tỷ đồng; doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt 980 triệu đồng/năm; lãi bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm/hợp tác xã. Thu nhập bình quân của xã viên, lao động của hợp tác xã ước đạt từ 50-70 triệu đồng/năm.

Là một trong những hợp tác xã đầu tiên trong cả nước ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử trong trồng trọt, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương là một mô hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả khá tích cực.

Trao đổi với phóng viên, chị Dương Thị Quỳnh Liên - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết: Nhờ ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử trên máy tính hoặc trên điện thoại thông minh mà giờ đây hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trở nên khoa học, thuận lợi, các xã viên không còn phải lo ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay, bởi chỉ cần tra cứu trên điện thoại là tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ đều được hiển thị. Không chỉ vậy, việc quản lý vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và việc giám sát quy trình sản xuất của từng xã viên cũng thuận lợi hơn. Nhờ áp dụng phần mềm Vietgap điện tử mà sản lượng rau của hợp tác xã tăng hơn từ 5 - 10% so với trước đây.

Với mong muốn sẽ xây dựng được thương hiệu sản phẩm sữa bò Tam Đảo thành công như Ba Vì (Hà Nội), Mộc Châu (Sơn La), giúp người chăn nuôi quản lý tốt chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên có mặt tại các hộ chăn nuôi là thành viên để hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật. Tất cả quy trình từ khâu trồng, chăm sóc cỏ đến chăm sóc đàn bò sữa đều được các xã viên hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình chăn nuôi bò sữa của tiêu chuẩn VietGAP và có sự giám sát, hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh. Tất cả các công đoạn, từ sản xuất sữa nguyên liệu tại các hộ chăn nuôi, quá trình thu mua, chế biến sữa đều tuân thủ đúng quy trình bảo đảm an toàn lao động, an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại HTX Bò sữa Tam Đảo.

Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ tại các hợp tác xã đã và đang được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp. Nhờ ứng dụng công nghệ từ sản xuất đến quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc, việc tổ chức sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp được thuận tiện, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị sản phẩm, góp phần hạn chế phát sinh rác thải, đảm bảo được những chỉ tiêu khắt khe về môi trường trong sản xuất nông nghiệp sạch.

Tuy nhiên trên thực tế, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hợp tác xã đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên khó đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao. Hơn nữa, phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen mua nông sản sạch, điều đó khiến cho việc ứng dụng công nghệ của các hợp tác xã còn chậm.

Để thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cần tích cực hỗ trợ các hợp tác xã phát triển dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo các vùng hàng hóa quy mô lớn. Cùng với đó, mỗi hợp tác cần lựa chọn ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với năng lực và đảm bảo phát triển bền vừng.

Bích Huệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep-o-cac-hop-tac-xa-364394.html