Vĩnh Linh hướng tới xã hội học tập

Tích cực thực hiện đề án 'Xây dựng xã hội học tập', 'Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020' theo các Quyết định 112/2005/QĐ- TTg, 89/QĐ- TTg, 281/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện Vĩnh Linh đã tạo sức lan tỏa, phát triển sâu rộng, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các địa phương ở huyện Vĩnh Linh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức tự học cho các em học sinh - Ảnh: NT

Sinh ra trong gia đình nhiều thế hệ nhà giáo, dẫu không theo sự nghiệp “trồng người” song lúc lập gia đình, anh Nguyễn Tiến Long, ở khu phố Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh vẫn tâm niệm đặt việc học của các con lên hàng đầu. Anh Long công tác tại Ban Quản lý Cảng cá Quảng Trị. Vợ anh, chị Hoàng Thị Vân là Đội trưởng Đội Môi trường nội thị thuộc Trung tâm Môi trường- Công trình đô thị huyện. Công việc bận rộn nhưng vợ chồng anh Long luôn theo sát quá trình học của 2 con. “Quan trọng nhất là cha mẹ phải làm gương cho các con. Vợ chồng tôi xác định rèn luyện ý thức tự học cho các con từ khi còn nhỏ. Học điều hay điều mới, kết hợp đọc sách để bồi dưỡng thêm kiến thức”, anh Long chia sẻ. Phấn đấu học tập, cả 2 người con của anh Long đều đạt những kết quả đáng tự hào. Cậu con trai đầu là Nguyễn Hoàng Anh hiện học năm thứ 4, Trường Sĩ quan thông tin. Với thành tích cao trong học tập và tu dưỡng đạo đức, Hoàng Anh được kết nạp vào Đảng ngay khi ngồi trên ghế nhà trường năm 2019. Cô con gái thứ là Nguyễn Hoàng Vân Anh học lớp cuối cấp THPT, 12 năm liền ở tốp học sinh xuất sắc của trường, nhận nhiều hình thức khen thưởng cùng học bổng Vallet... Gia đình anh Long được Liên đoàn Lao động tỉnh bầu chọn gia đình văn hóa, gia đình hiếu học tiêu biểu xuất sắc.

“Học để làm người có ích cho gia đình, xã hội là điều dòng họ Nguyễn Nhuận luôn giáo dục con cháu”, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Nhuận xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh Nguyễn Xuân Trưởng nhấn mạnh. Vốn có truyền thống hiếu học, qua bao đời dòng họ Nguyễn Nhuận đều đồng lòng thúc đẩy phong trào hiếu học. Các chi dòng họ nhiệt tình, trách nhiệm thực hiện tốt việc tuyên truyền giúp gần 50 hộ gia đình nhận thức ý nghĩa của con đường học vấn; phối hợp chặt chẽ cùng nhà trường quản lý việc học; nghiên cứu, hướng nghiệp cho con em. Đặc biệt, dòng họ thành lập Quỹ khuyến học nhằm chủ động tiếp sức đến trường những trường hợp con cháu gặp khó khăn. Đồng thời biểu dương, khích lệ kịp thời những cá nhân điển hình. Con cháu dòng họ Nguyễn Nhuận đề cao việc học. Không ít tấm gương vượt khó, đỗ đạt, giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo các cấp và tiếp tục góp công sức vào công tác khuyến học của dòng họ cũng như đơn vị, địa phương công tác. Hiện dòng họ Nguyễn Nhuận có 100% gia đình văn hóa. Số lượng con em đỗ vào đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Những bằng khen, giấy khen, phần thưởng đạt được trong học tập, cống hiến vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài đặt tại những vị trí trang trọng trong các gia đình đã trở thành nét đẹp của dòng họ Nguyễn Nhuận. Tỉ lệ người lớn học tập thường xuyên của dòng họ ngày mỗi tăng. Lớp ông bà, cha mẹ dòng họ Nguyễn Nhuận cứ vậy làm “cây cao bóng cả” giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần học tập suốt đời. Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Tú Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: “Cùng với truyền thống hiếu học, dòng họ Nguyễn Nhuận hưởng ứng sôi nổi các phong trào, cuộc vận động do đoàn thể, địa phương phát động, thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng nông thôn mới. Xã Vĩnh Tú đang nhân rộng các mô hình dòng họ học tập tiêu biểu như dòng họ Nguyễn Nhuận”.

Xã bãi ngang Vĩnh Thái có trên 850 hộ dân sinh sống dựa vào nghề đi biển, làm nông nghiệp quy mô nhỏ. Những năm trở về trước, sản xuất của người dân nơi đây đối mặt với nhiều bất lợi, thiên tai, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường biển. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 vẫn chiếm trên 13%. Tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi sinh kế bền vững, trước hết xã Vĩnh Thái phát huy tối đa chức năng của các trung tâm học tập cộng đồng, tạo nơi học tập thường xuyên, khuyến khích người dân học để có kiến thức làm kinh tế, giảm nghèo, thoát nghèo. Xã phối hợp mở 40- 50 lớp dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật hằng năm như khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch; nuôi trồng thủy hải sản; phòng chống giảm nhẹ thiên tai; chế biến nước mắm phơi công nghệ cao; sản xuất cây ném trên vùng cát… thu hút trên 1.000- 1.500 lượt người theo học. Không ít lao động trẻ học hỏi, khởi nghiệp thành công từ một số ngành nghề mới, như anh Nguyễn Văn Lưu với cơ sở đóng thuyền composite; anh Nguyễn Văn Thuần chủ xưởng mộc dân dụng; chị Nguyễn Thị Bòn với mô hình thu mua hải sản… Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường cho hay: “Nhờ chú trọng việc học, trang bị đầy đủ kiến thức, người dân dần thay đổi “nếp nghĩ cách làm”, ứng dụng hiệu quả, sáng tạo phương pháp mới vào sản xuất, tăng thu nhập. Số hộ nghèo giảm 1,8%/ năm, nay chỉ còn 6,08%. Mặt khác, phong trào khuyến học, khuyến tài đều khắp 100% khu dân cư, đỡ đầu hàng trăm học sinh, sinh viên cần trợ giúp; góp phần lớn đưa sự nghiệp giáo dục- đào tạo vùng quê ven biển có nhiều bước tiến mới. Hội Khuyến học xã Vĩnh Thái xếp vào đơn vị mạnh cấp tỉnh, được Trung ương Hội Khuyến học tặng bằng khen”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Vĩnh Linh Trần Công Lanh thông tin: “Đẩy mạnh thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập”, nhận thức của các tầng lớp nhân dân huyện Vĩnh Linh về lợi ích, vai trò của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập chuyển biến rõ nét. Các cấp, ngành tăng cường quản lý, huy động nguồn lực hoàn thiện hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập mọi người, mọi lứa tuổi.”. Theo phương châm “cần gì học đó”, giai đoạn 2013- 2020, thông qua 22 trung tâm học tập cấp xã, 193 trung tâm học tập vệ tinh, toàn huyện Vĩnh Linh có trên 11.500 người lao động theo học hơn 500 lớp đào tạo, tập huấn nghề, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên trên 60%, tăng 16% so với năm 2015. Nhờ vậy có 1.600 lao động/năm được giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, đội ngũ khoảng 10.500 lượt cán bộ, công viên chức hăng hái bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên. Hiện Vĩnh Linh có trên 20.200 gia đình học tập, 240 dòng họ học tập, gần 200 cộng đồng học tập và trên 70 đơn vị học tập. Công tác xây dựng xã hội học tập ở Vĩnh Linh gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”’, “Xây dựng nông thôn mới- đô thị văn minh”; “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”… tạo nền tảng văn hóa vững chắc để Vĩnh Linh hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh trong tình hình mới. “Thời gian tới huyện Vĩnh Linh tiếp tục chỉ đạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình học tập theo Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt hỗ trợ phong trào xây dựng xã hội học tập ở vùng khó, miền núi. Phát triển đồng bộ, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo… Từ đó quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Linh trở thành xã hội học tập”, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Khởi cho biết thêm.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=151528