Vinh danh thạc sĩ bỏ phố về rừng trồng dược liệu

Công ty TNHH Vườn rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình (xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những doanh nghiệp được vinh danh 'Vì sự phát triển dược liệu Việt' do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phối hợp với Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức.

Công ty TNHH Vườn Rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình do anh Hoàng Quốc Thanh thành lập với mục tiêu là trồng dược liệu thuận tự nhiên hướng hữu cơ dưới tán rừng tự nhiên nhằm mục tiêu kép là giúp rừng đa dạng sinh học, đa dụng và người dân bản địa đang được nhà nước gia bảo vệ rừng có thêm thu nhập phụ.

Người dân huyện Lâm Bình thường gọi anh Thanh với cái tên "Thạc sĩ bỏ phố lên rừng trồng dược liệu". Sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Hoàng Quốc Thanh từng là cán bộ quản lý Công ty Xây dựng, chuyên gia thiết lập hệ thống ISO 9000, VietGAP; Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Bình Dương, trường Cao đẳng Công nghề Thủ Đức, trường Cao đẳng Công thương thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, anh đã từ bỏ chốn phồn hoa, lên rừng sưu tập cây thuốc nam. Anh đã cùng người dân bản địa ở nhiều địa phương cùng bảo tồn, phát huy những dược liệu quý của dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các đơn vị được vinh danh.

Anh Thanh cho biết, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng và du lịch, trong những cánh rừng nguyên sinh có không ít loài cây dược liệu quý chưa được nhân lên thành vùng nguyên liệu. Sau nhiều năm người dân chỉ thu hoạch không tái tạo hay nhân giống khiến nhiều loại cây dược liệu có nguy cơ tiệt chủng.

Không những vậy, Lâm Bình hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng, từ chất đất chưa bị tác động bởi thuốc hóa học, phân bón hóa học đến nguồn nước sạch. Rừng nguyên sinh với đa dạng hệ sinh thái và đặc biệt nơi đây như kho dược liệu với nhiều loài dược liệu quý hiếm như khôi nhung, hương thảo, trinh nữ hoàng cung, cỏ ngọt, hà thủ ô, ba kích, thất diệp nhất chi hoa, sâm...

"Mục đích của tôi là khôi phục cây dược liệu quý và cây đặc sản của rừng Tuyên Quang. Một phần sản phẩm sẽ được bán cho du khách, còn lại cung ứng ra thị trường. Chúng tôi hướng tới thành lập HTX vừa sản xuất vừa làm du lịch vườn rừng tại đây. Du khách đến thăm có thể chọn gốc cây thuốc quý hay sâm nam trong vườn và tự thu hoạch. Đó sẽ là trải nghiệm rất thú vị" - anh Thanh chia sẻ.

Sau gần 3 năm ở rừng, đến nay vườn thảo dược của Thanh đã có rất nhiều cây thuốc quý và mang lại giá trị sử dụng cao như: Cây cỏ ngọt, ba kích, kim tiền thảo, gừng gió, địa liền, trinh nữ hoàng cung, khôi nhung, nấm lim xanh, trà hoa vàng… Bên cạnh đó nhiều cây thuốc còn được sử dụng làm rau ăn có giá trị lớn cho sức khỏe như: bò khai, giảo cổ lam, lá nhội… Vườn rừng của Thanh ngoài kinh tế còn có vai trò bảo tồn.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Thanh tâm huyết với sự phát triển dược liệu.

Không chỉ đam mê sưu tầm các loại cây thuốc quý, bằng những kinh nghiệm của mình lương y Hoàng Quốc Thanh đã hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Lâm Bình khai thác nguồn dược liệu quý; thu hái và chế biến theo tiêu chuẩn để bán dễ hơn mà có giá cao. Anh còn tận tình chỉ cho người dân bản địa những nơi anh đi qua biết được giá trị của cây thuốc có ở địa phương cũng như bổ sung thêm công dụng mới của cây thuốc mà có thể họ chưa biết…

Với những cống hiến không ngừng cho ngành dược liệu nước nhà, Công ty TNHH Vườn rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình là một trong nhưng Công ty được vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt". Đây không chỉ là sự ghi nhận đối với những cống hiện của công ty mà còn đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên bởi những điều mình đã và đang làm mang lại ý nghĩa cho xã hội, đem lại giá trị cho người dân vùng cao còn khó khăn.

Chắc chắn, những niềm khích lệ, động viên, ghi nhận như vậy sẽ tiếp thêm phần nào sức mạnh, tạo động lực cho nhiều hơn nữa những cá nhân, đơn vị thêm gắn bó với sự phát triển của dược liệu trên khắp mọi miền đất nước.

Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi" do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tối 21/12 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Lễ Vinh danh nhằm ghi nhận sự đóng góp của các hộ gia đình, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Quá trình ra đời Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) | SKĐS

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vinh-danh-thac-si-bo-pho-ve-rung-trong-duoc-lieu-169231225162211397.htm