Vinh danh các nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam năm 2016

Giải thưởng Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã tổ chức lễ vinh danh các nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam năm 2016 vào ngày 29/11 tại Hà Nội.

Hai nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Khoa học Quốc gia năm 2016 L'Oreál Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) do Hội đồng Khoa học độc lập gồm 6 giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực Khoa học Đời Sống và Khoa học Vật liệu đề cử là GS.TS Nguyễn Thị Lang - Trưởng phòng Công nghệ sinh học ĐH An Giang và ĐH Cửu Long, Giáo sư Bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và TS Nguyễn Thị Mùa - Phòng Nghiên cứu khoa học - công nghệ và kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an).

5 nhà khoa học nữ được vinh danh năm 2016

Cùng được vinh danh trong khuôn khổ của giải thưởng khoa học lần này là 3 nhà nghiên cứu trẻ được trao học bổng Nhà nghiên cứu Khoa học trẻ tài năng bao gồm: PGS.TS Đỗ Thị Hà, Phó trưởng khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu; TS Đỗ Thị Phúc, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Chân dung các nhà khoa học nữ được vinh danh năm 2016:

GS.TS Nguyễn Thị Lang

GS.TS Nguyễn Thị Lang được vinh danh qua các nghiên cứu trong hơn 25 năm qua và thành công trong lai tạo hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.

Giáo sư đã được vinh dự nhận thưởng nhiều bằng khen, danh hiệu thi đua, Huân chương Lao động hạng Ba, giải Bông lúa Vàng cho giống lúa OM4900.

TS Nguyễn Thị Mùa

TS. Nguyễn Thị Mùa được Hội đồng Khoa học bình chọn qua nghiên cứu về chế tạo vải chịu nhiệt có chứa Neoprence (Ne) dùng trong công tác Phòng cháy chữa cháy. Các kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Mùa đã được ứng dụng trong chế tạo thành công mẫu vật liệu chịu nhiệt chứa Ne với các thông số đạt tiêu chuẩn Việt Nam và nước ngoài như độ bền nhiệt đến 554oC, độ bền cơ học >20kN/m và thời gian chịu nhiệt 15 phút. Đây là thành công lớn nhất trong nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Mùa và sản phẩm của đề tài sẽ được ứng dụng để sản xuất trang phục chữa cháy cho các chiến sỹ chữa cháy trong tình hình hiện nay.

GS.TS Đỗ Thị Hà

PGS. TS Đỗ Thị Hà được đề cử và chọn lựa nhận học bổng Nhà Nghiên cứu khoa học nữ tài năng năm 2016 với những phát hiện mới về nguồn dược liệu có nguồn gốc Việt Nam – thân rễ của cây bảy lá một hoa. Loại cây này đã được sử dụng trong dân gian từ khá lâu nhưng chưa có các nghiên cứu khoa học chính thức về nguồn dược liệu tiềm năng ở vùng núi Tây Bắc này.

Những phát hiện mới trong nghiên cứu của PGS. TS. Đỗ Thị Hà sẽ giúp nhận diện cấu trúc của hợp chất chính trong thân rễ của nguồn dược liệu từ cây thân bảy lá một hoa thông qua phương pháp phổ hiện đại, từ đó giúp xây dựng cấu trúc của hoạt chất chính và đánh giá tác dụng sinh học trên các loại ung thư là ung thư gan, ung thư vú, ung thư biểu mô… để sàng lọc tìm ra hoạt chất chính cho nghiên cứu sâu về cơ chế nhằm xây dựng quy trình chiết xuất cao về hợp chất tiềm năng, phát triển phương pháp định lượng để phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư cho tương lai.

TS Đỗ Thị Phúc

Tiến sĩ Đỗ Thị Phúc được chọn trao học bổng với đề tài Nghiên cứu Hiện tượng methyl hóa micro ARN164 ở cây lúa trong điều kiện mặn với mục tiêu nhằm tăng cường khả năng chịu mặn ở cây trồng.

Nghiên cứu của TS. Đỗ Thị Phúc sẽ cung cấp thông tin hữu ích về cơ chế điều hòa thông qua sự methyl hóa trong đáp ứng với stress mặn ở cây lúa, phục vụ công tác chọn tạo giống cây chống chịu tốt và ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm lấn mặn.

TS Nguyễn Thị Hiệp

Đề tài nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hiệp là phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi. Nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hiệp sẽ giúp mang đến các hiểu biết mới trong nỗ lực cải tiến bề mặt của Titanium implant nhằm khắc phục đặc điểm trơ về mặt sinh học này, để tăng tốc và tối ưu hóa sự tích hợp mô nhằm đáp ứng lực nhai ở giai đoạn sớm sau khi cấy ghép implant.

TS Nguyễn Thị Hiệp đã có hơn 8 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô với 18 công bố khoa học thuộc ISI, 5 công bố khoa học thuộc Tạp chí Quốc tế và hơn 40 bài báo khoa học trong các Hội nghị Quốc tế.

Hà Anh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vinh-danh-cac-nha-khoa-hoc-nu-xuat-sac-viet-nam-nam-2016-20161130110241204.htm