Vĩnh biệt tác giả Lê Duy Hạnh: Người đối thoại lịch sử

Trong sự nghiệp sáng tác, Lê Duy Hạnh là người hạnh phúc. Bởi hầu hết các tác phẩm của ông đều được những nghệ sĩ tài danh đảm nhận và họ đã mang đến cho công chúng sự trọn vẹn của nhân vật, của tầm vóc tư tưởng mà ông gửi gắm...

Tác giả Lê Duy Hạnh (1947 - 2023). Ảnh: Linh Đoan

Thục Phán đang trên đường chạy loạn.

Thục Phán: Tiếng trống đồng! Hồn thiêng sông núi đang hỏi tội. An Dương Vương Thục Phán. Đến giờ này tự ngươi mới thấy mình không còn xứng đáng là bậc đế vương. Với Âu Lạc, ngươi có rất nhiều chiến công: dựng thành Cổ Loa, có được nỏ thần, là đấng anh hùng xây nền tự chủ. Nhưng thanh bình đã ru ngươi vào giấc ngủ. Ta, bạn, thù không phân định, gieo hoang mang từ quan, tướng đến thứ dân.

Ngươi thích những lời ngợi ca ngươi là thánh, là thần. Ngươi xa lánh, cấm đoán những người như Cao Thục chỉ nói lên sự thật. Điều ngươi tưởng là còn, thực ra đã mất. Điều ngươi tin là mất, thực chất vẫn còn. Sự còn mất của chính ngươi, ngươi còn mơ hồ, lẫn lộn nên ngươi đã đẩy Âu Lạc, triều đình và muôn dân vào cơn mê hỗn độn.

Trong giấc mơ thanh bình của ngươi chứa nhiều hoang tưởng”.

(Chiếc áo thiên nga)

Dương Vân Nga: - Thưa quan Ngoại giáp, ông chung họ chung huyết thống với Tiên vương, ta biết. Bây giờ đây ông là người yêu thương ấu vương hơn ai hết. Ông trung thành với Tiên vương, với ấu chúa, ông quyết bảo vệ ngai vàng cho họ Đinh. Nhưng ông đã quên, việc thống nhất giang sơn không chỉ mình họ Đinh làm được. Huống chi bây giờ lo cho dân, cho nước để trăm họ được nhờ lại càng không thể một họ Đinh.

Ông có được lòng trung nhưng không phải trung với nước. Ông có được chữ nghĩa nhưng không phải nghĩa đồng bào. Ta không thể vì một họ mà đặt trên trăm họ. Quan Ngoại giáp hãy tha lỗi cho Dương Vân Nga này nếu như tôi đã không chọn ông để trao quyền nhiếp chính đại thần.

(Hoàng hậu của hai vua)

Đó là hai trích đoạn trong hai vở lịch sử được viết và dàn dựng theo phong cách sân khấu quảng trường và sân khấu thể nghiệm - độc diễn, đều cùng dưới bút lực Lê Duy Hạnh. Dù dưới hình thức sân khấu nào, quy mô và tính chất thử nghiệm ra sao, đối tượng khán giả là ai thì từ nhãn quan tư tưởng đến bút pháp nghệ thuật đều đạt đến độ chỉnh thể, thẩm mỹ cao, tính công phá mạnh mẽ.

Nhân vật truyền thuyết hay lịch sử đều trở thành một thực thể sống, được đánh thức trên nền ký ức dân tộc, qua dòng chảy văn hóa - truyền tụng đã đồng hiện và đối thoại không khoan nhượng với thực tại.

Thậm chí, nhiều lúc tôi lại nghĩ ngược: hay chính từ lương tri thời đại với bao hằn sâu, thổn thức, ray rứt với biến thiên thời cuộc mà Lê Duy Hạnh đã nương tựa vào lịch sử, vào những dấu chứng hôm qua để bày tỏ, dự cảm.

Nhưng với ông, có lẽ trước hay sau, quá khứ hay tương lai, cái (tưởng) đã mất và cái sẽ còn đều luôn chứa đựng lẫn nhau, nó giằng xé lấy nhau để đạt tới cái cuối cùng, khi sự lựa chọn chỉ thuộc về một thì đó duy nhất là vì trăm họ, bởi muôn dân. Nó là phẩm giá của chính thể, là sự trường tồn của quốc gia, là ADN của dân tộc.

Từ trái: NSƯT Vũ Luân, tác giả Huỳnh Minh Nhị, tác giả Lê Duy Hạnh và ông Phan Quốc Hùng - Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang - trong ngày khai trương sân khấu đoàn 3 Trần Hữu Trang (năm 2004) do Vũ Luân tổ chức. Ảnh: Thanh Hiệp

Cậu bé Lê Thành Yến lớn lên trong tình thương của mẹ, người thay chồng đã xuống tàu ra Bắc để làm cha, nuôi dạy các con. Bài học mà cậu bé Lê Thành Yến - sau này là tác giả Lê Duy Hạnh nhớ mãi là cách bà dạy con, bà mua về một chiếc bánh khoai mì nướng, giao cho ông chia cho các em. Là anh lớn, nên ông chia cho các em phần nhiều, đến cuối thì còn lại một mẫu nhỏ. Bà nhìn ra tính cách của con trai mình, lẳng lặng không nói gì thêm.

Ngày ông vào Sài Gòn học đại học, khoa Toán, nhận học bổng du học sang Pháp nhưng ông từ chối, chọn ở lại để cùng hòa mình vào phong trào đấu tranh sinh viên học sinh. Ngay cái đêm ông nằm mơ thấy mẹ, tỉnh giấc ông nhận được điện thoại ở quê nhà Bình Định, nhắn mẹ ốm nặng, về gấp. Ông linh tính, mẹ đã ra đi.

Sau này, hầu hết trong các bài ca cổ vốn rất đắt, rất hiếm (Lê Duy Hạnh không viết nhiều bài ca lẻ), hình tượng người mẹ, người phụ nữ đã được ông chắt lọc từ chính người đã sinh thành ra mình. Mở đầu bài Cổ tích đợi chờ, ông viết “Tàu rời sân ga đưa anh đi miền xa. Hoàng hôn một mình buông xuống…”, ông nói với tôi, là ngày mẹ chú tiễn ba chú đi Bắc, rồi bà ở lại một mình, cho đến ngày hy sinh. Mỗi lần về Bình Định, ông dứt khoát đi tàu, bởi nó chở theo cả miền ký ức thương nhớ mẹ của ông.

“Anh đứng đó, em đứng đây. Chờ hết qua đêm mà không dám nhìn tạn mặt. Hạnh phúc mong manh chợt còn chợt mất. Đêm lạnh ga buồn tóc trắng trời sương”. Thêm một lần, đứa con lại “để tang” cho cuộc đời của mẹ.

Đến khi gặp người bạn đời, là mẹ của hai con trai, nữ sinh văn khoa Hoàng Thị Hạnh - ái nữ của nhà văn, tác giả Tân Từ điển Pháp Việt Thanh Nghị, tức Hoàng Trọng Quị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, ông đã lấy luôn bút danh Lê Duy Hạnh, như tình yêu duy nhất của đời mình.

Và ông xứng đáng có được điều đó cũng như đã thăng hoa trong sự nghiệp sáng tác lẫn công tác quản lý của mình (là Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM trong suốt 4 nhiệm kỳ) là nhờ một nội tướng, một hậu cần vững chãi. Giới kịch nghệ trong Nam lẫn ngoài Bắc những năm 90 đều nhớ hình ảnh một Hoàng Thị Hạnh tay ôm hộp trái cây, hộp rau củ theo chồng qua các liên hoan, hội diễn chỉ để chăm ông đúng theo thực đơn cho người bị tiểu đường. Chỉ bấy nhiêu đó, ông vì bà mà kiên trì các chế độ chăm sóc, tập luyện.

Những năm ông bị tai biến, bà như khỏe thay luôn phần ông, chăm chồng, thăm con cháu đều chu toàn. Có dịp gặp nhau, bà nói, giờ cô chỉ mong cô khỏe để đủ sức lo cho chú thôi con. Lần thứ hai ông bị tai biến, sau khi vượt qua, bà kể lại với tôi, cô tưởng là đã mất chú luôn rồi đó con, các chỉ số nó đều đi ngang cả, đến sáng thì chú tỉnh. Bác sĩ còn không tin.

Và trưa nay (6.9), giọng bà qua điện thoại, cô không giữ chú lại được nữa rồi, chú đi rồi con ơi… Có lẽ, cái bút danh ấy, giờ đã thuộc về cả hai người.

NSƯT Thanh Thanh Tâm (giữa) trong lần đến thăm vợ chồng tác giả Lê Duy Hạnh năm 2020. Ảnh: Thanh Hiệp

Trong sự nghiệp sáng tác, Lê Duy Hạnh là người hạnh phúc. Bởi hầu hết các tác phẩm của ông đều được những nghệ sĩ tài danh đảm nhận và họ đã mang đến cho công chúng sự trọn vẹn của nhân vật, của tầm vóc tư tưởng mà ông gửi gắm.

Từ một Mỹ Châu trong Tâm sự Ngọc Hân, một Tuyết Thu trong Hồn thơ ngọc, một Thành Lộc - Hữu Châu xuất thần trong Vua thánh triều Lê, NSND Hồng Vân, NSƯT Văn Thành trong Nỗi đau nhân loại, NSƯT Ngọc Dung - Kim Thanh (Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM) trong Người cáo, Trần Cao Vân - Người mang hồn nước và đặc biệt nhất, là tri kỷ nghệ thuật của đời ông - NSND Bạch Tuyết với một loạt vở độc diễn từ Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm (với phiên bản kịch có NSƯT Xuân Quý của Đoàn nghệ thuật Quảng Trị)…

Kịch bản của ông có biên độ mở rất rộng, tính dự báo rất cao nên người xem luôn tìm thấy tâm tư, tiếng nói, khát khao của mình trong đó.

Ông - là tác giả nhưng hội đủ tư duy đạo diễn, đúng hơn là một Thầy Tuồng đích thực nên ông bám sát sàn tập để điều chỉnh và nâng chất từ kịch bản giấy ra vở diễn một cách hoàn hảo. Ông lắng nghe và tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ bằng tinh thần học hỏi lẫn nhau, phản biện tới cùng vì mục tiêu chung - phụng sự nghệ thuật. Cho nên, hầu hết nghệ sĩ khi làm việc với ông, sau mỗi vở diễn đều thọ ơn ông như một người thầy đúng nghĩa.

Cuộc điện thoại cuối cùng, ông nói với tôi về nhiều điều, ông đau buồn, tiếc thương bởi mất đi NSND Diệp Lang, NSƯT Vũ Linh. Ông cứ hỏi mãi về việc các bộ, sở, hội điện ảnh có tự hỏi vì sao một “thí sinh tự do” như Phạm Thiên Ân ngay lần đầu dự giải Cannes đã ẳm luôn Camera Vàng, liệu có một hệ sinh thái cho những tài năng trẻ trong nước được vẫy vùng, nuôi dưỡng, sáng tạo hay không…

Tôi không trả lời ông được không phải vì không có dữ liệu mà là… cái dữ liệu thực có khi còn khiến những người sáng tạo như ông thêm phần cạn kiệt. Rồi tôi chuyển đề tài. Về cái chết. Có khi còn thi vị hơn. Ông bảo, chú đã một lần cận tử nghiệp, sống vẫn tốt đẹp hơn chứ con.

Hẳn nhiên rồi. Và chú đã có một cuộc đời ý nghĩa, một giá trị không gì thay thế - Lê Duy Hạnh, người đối thoại lịch sử. Nghệ sĩ Bạch Tuyết thì gọi ông là “Shakespeare của Việt Nam”.

Lê Huyền Ái Mỹ

Trích đoạn Hoàng hậu của hai vua (tác giả Lê Duy Hạnh) trong liveshow Hồn chinh phu năm 2008 của NSND Bạch Tuyết

Tác giả Lê Duy Hạnh sinh năm 1947 tại Bình Định. Từ năm 1967 đến năm 1971, Lê Duy Hạnh học đại học ở TP.HCM và tham gia trong tổ chức Thanh niên Giải phóng. Năm 1972 ông ra chiến khu. Năm 1974, ông ra Hà Nội học trường viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông bắt đầu đam mê sân khấu từ năm 12 tuổi khi được xem vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới (tác giả: Kiên Giang - Phúc Quyên), do Thanh Nga đóng vai sơn nữ Phà Ca. Năm 1976, ông viết vở Sau ngày cưới, Thanh Nga vào vai một bà mẹ hy sinh cho cách mạng.

Ông bắt đầu sáng tác kịch bản sân khấu lịch sử năm 1980 với tác phẩm Tâm sự Ngọc Hân. Vở kịch được Đoàn Cải lương Văn công TP.HCM diễn trên 700 suất, tạo dấu ấn cho nghệ sĩ Mỹ Châu (vai Ngọc Hân) và nghệ sĩ Tuấn Thanh (vai Nguyễn Huệ).

Các kịch bản nổi tiếng của ông đã đi vào lòng khán giả, như: Hoa độc trong vườn, Tâm sự Ngọc Hân, Diễn kịch một mình, Dời đô, Độc thoại đêm - Lý Chiêu Hoàng, Mặt trời đêm thế kỷ, Vua thánh triều Lê, Nỏ thần, Hoàng hậu của hai vua, Chiếc áo thiên nga, Trời Nam, Miền nhớ…

Đặc biệt, vở Diễn kịch một mình là một trong những tác phẩm kịch nói góp phần tạo nên đỉnh cao nghệ thuật của NSND Bạch Tuyết, khi một mình nữ nghệ sĩ độc diễn vở này trên sân khấu kịch thể nghiệm 5B Võ Văn Tần vào năm 1992.

Ngoài ra, ông sáng tác nhiều kịch bản hình thức thể nghiệm như: Người cáo, Chuyện lạ, Hồn tuồng, Diễn kịch một mình, Trở về miền nhớ, Thần tượng thực, Nỗi đau nhân loại...

Một thời gian, tác giả Lê Duy Hạnh giữ chức Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, xây dựng cuộc thi Trần Hữu Trang để khuyến khích các tài năng trẻ.

Ông từng đạt giải thưởng Nhà nước, huân chương lao động hạng nhất và nhiều giải khác trong sự nghiệp.

Tác giả Lê Duy Hạnh qua đời lúc 12h35. Vợ ông - bà Hoàng Thị Hạnh cho biết trước khi mất, ông bị xuất huyết, nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Trưa 6.9, gia đình đưa ông về nhà, sau đó, ông qua đời trong vòng tay người thân và nhiều đồng nghiệp, bạn hữu.

Lễ viếng tác giả Lê Duy Hạnh bắt đầu từ 9h ngày 7.9. Lễ truy điệu vào 5h ngày 9.9 tại Nhà tang lễ Thành phố (số 949, Quốc lộ I, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM), sau đó di quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

T.H.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vinh-biet-tac-gia-le-duy-hanh-nguoi-doi-thoai-lich-su-40867.html