Nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở khu vực biên giới tỉnh Lai Châu

Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân nơi biên giới với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Việc luân chuyển sách, báo về cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biên giới. Ảnh: Nhật Minh

Lau đi những giọt mồ hôi sau khi mang vác, lắp đặt thiết bị cho buổi chiếu phim tại bản Pa Thắng, xã Thu Lũm (huyện Mường Tè), anh Hoàng Khí Quyển, Tổ trưởng Tổ chiếu phim huyện Mường Tè chia sẻ: “Để có một buổi chiếu phim phục vụ đồng bào và chiến sĩ nơi biên giới, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ các phương án vận chuyển thiết bị, thời gian lắp đặt. Đặc biệt là về mùa mưa, có khi phải nhờ đến cán bộ xã, bản hỗ trợ thì mới vận chuyển được máy chiếu, máy nổ... đến đúng điểm chiếu để phục vụ đồng bào. Đấy là chưa kể nội dung phim cũng phải được lựu chọn đảm bảo phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của bà con, với những chủ đề như bảo vệ rừng, bảo tồn bản sắc văn hóa, các bộ phim lịch sử cách mạng...”.

“Thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện biên giới tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: Tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã biên giới; chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật; luân chuyển sách báo về các xã, các đồn Biên phòng; phối hợp, tổ chức biểu diễn các chương trình “Xuân biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; phối hợp thực hiện các chương trình nghệ thuật giao lưu nhân dân giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; tổ chức các cuộc trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu tại các huyện biên giới. Từ năm 2019-2023, các ngành chức năng đã tổ chức gần 1.000 buổi chiếu phim, phục vụ gần 100.000 lượt người xem tại 23 xã biên giới của tỉnh; sản xuất 20 phim, lồng tiếng 40 phim với 4 thứ tiếng: Thái, Mông, Dao, Hà Nhì...; thực hiện trên 240 buổi tuyên truyền về cơ sở tại các huyện biên giới; tổ chức, tham gia gần 20 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp...” - Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu cho biết.

Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu còn chủ động phối hợp với các đồn Biên phòng thực hiện trên 200 buổi hướng dẫn xây dựng đội văn nghệ ở cơ sở tại các xã, bản khu vực biên giới, trung bình 40 buổi/năm; xây dựng, biểu diễn trên 100 chương trình nghệ thuật gắn với kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân, Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Quốc khánh 2/9..., góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới. Nhờ đó, nhiều đồn Biên phòng như: Dào San, Ma Lù Thàng, Hua Bum, Sin Suối Hồ... đã trở “điểm sáng văn hóa” ở vùng biên.

Đặc biệt, với phương châm gần dân, sát cơ sở, nắm vững địa bàn, các chiến sĩ mang quân hàm xanh đã không quản ngại khó khăn đi từng ngõ, ngõ cửa từng nhà dân để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nơi biên giới thực hiện tốt Luật Biên phòng Việt Nam; xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn với xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch...

Trở lại với buổi chiếu phim ở bản Pa Thắng, xã Thu Lũm, Phó Chủ tịch UBND xã Chu Xé Phạ chia sẻ: “Nhờ việc phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa nơi biên giới nên bản sắc văn hóa của đồng bào thông qua lễ hội, Tết cổ truyền, các bài hát, điệu múa dân gian, câu ca dao, tục ngữ... được bảo tồn, phát huy. Bên cạnh đó, những hủ tục như: Đám tang để lâu ngày trong nhà, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đám cưới dài ngày gây tốn kém đã được loại bỏ. Bà con biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa nơi biên giới không những thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa trước nguy cơ mai một, thất truyền; xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc trên biên giới, mà còn cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, Lai Châu đã xây dựng được nhiều điểm du lịch thu hút du khách trên biên giới như: Chợ phiên Sì Lở Lầu, chợ phiên Dào San, hay điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ...

Với sự chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp nên đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân khu vực biên giới tỉnh Lai Châu ngày càng được nâng cao, góp phần thiết thực xây dựng biên giới bình yên, phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-doi-song-van-hoa-cho-nguoi-dan-o-khu-vuc-bien-gioi-tinh-lai-chau-post475704.html