Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, Thủ tướng ký công điện tăng cường phòng chống bệnh

Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao.

Gia tăng người trẻ mắc bệnh lao

Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, còn 40% người mắc lao trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện và điều trị, đặc biệt người trẻ mắc lao gia tăng.

Nếu như trước đây, bệnh lao hay xảy ra ở người lớn thì nay đã gia tăng ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh viện Phổi Trung ương đã từng ghi nhận 4 sinh viên ở trọ cùng nhau và cả 4 người cùng lây bệnh lao. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận nhiều ca mắc lao là trẻ em vào nhâp viện. Đây là vấn đề đáng báo động.

Theo báo cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia, năm 2023, Việt Nam đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.

Các chuyên gia lo lắng khi bệnh dịch tễ bệnh lao Việt Nam còn rất nặng nề, đặc biệt gia tăng lao kháng thuốc. Kết quả điều trị lao kháng thuốc năm 2023 chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ bỏ điều trị còn cao trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước.

Theo TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60%, còn gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo. Đây là điều rất nguy hiểm vì lao là bệnh truyền nhiễm, một người trong gia đình mắc lao rất có thể lây cho người sống trong cùng nhà, lây cho hàng xóm. Đặc biệt, hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của WHO. Các chuyên gia cho rằng, để có thể tiếp cận và phát hiện được 40% số bệnh nhân lao trong cộng đồng là rất khó khăn nếu không có sự vào cuộc của người dân.

Theo WHO, năm 2022, số bệnh lao mới được phát hiện trên toàn cầu là 7,5 triệu người và cũng trong năm này, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,43 triệu ca tử vong. Công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia. Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Để làm được điều này, theo TS Đinh Văn Lượng, chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm, thậm chí phải làm ngay, làm nhanh với các phương pháp làm mang lại hiệu quả tốt nhất. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quan trọng nhất là phát hiện 40% người mắc lao tiềm ẩn ở cộng đồng để đưa vào xét nghiệm và điều trị, cắt đứt nguồn lây. Hiện nay, đã có 51/63 tỉnh, TP trên toàn quốc thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi.

Nhiệm vụ quan trọng, lâu dài

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. Công điện nêu rõ, những năm qua, Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế đã tham gia vào công tác kiểm soát để chấm dứt bệnh lao.

Hoạt động phòng, chống bệnh lao đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trong thời gian qua. Hằng năm, tập trung phát hiện được trên 100.000 bệnh nhân lao, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt >90%, đang triển khai nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống bệnh lao nên tỷ lệ phát hiện bệnh lao được phục hồi rất nhanh sau dịch COVID-19. Hệ thống phòng, chống bệnh lao đã xây dựng và triển khai hoạt động trên toàn quốc từ Trung ương tới địa phương. Tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát.

Tuy nhiên, hằng năm số tử vong do bệnh lao còn cao, khoảng 13.000 người; còn nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

Công tác phòng, chống bệnh lao chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; hệ thống làm công tác phòng, chống bệnh lao còn hạn chế, công tác phòng, chống bệnh lao tại hệ thống y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao; người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khỏe cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh,…

Để kiểm soát bệnh nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược phòng, chống bệnh lao, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai chủ động, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống bệnh lao.

Tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; gánh nặng do bệnh lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội; bệnh lao là bệnh chữa khỏi được.

Tăng cường nguồn lực phòng, chống bệnh lao

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.

Bám sát tình hình bệnh lao tại địa phương để kịp thời chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng; Ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn, nhất là các tỉnh có số mắc lao cao.

Giao Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống bệnh lao cho các địa phương; Tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trên cơ sở đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao cho giai đoạn mới.

Rà soát, xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh lao; Khẩn trương hoàn thiện, ban hành "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, Lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế".

Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh lao tại Việt Nam; Tăng cường các giải pháp bảo đảm nguồn lực, nhất là thuốc điều trị cho công tác phòng, chống bệnh lao…

Mai Anh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/viet-nam-xep-thu-11-trong-30-nuoc-co-ganh-nang-benh-lao-cao-thu-tuong-ky-cong-dien-tang-cuong-phong-chong-benh-17224032610200436.htm