Việt Nam tự nâng cấp, viết giáo trình dạy bay Su-30

Không chỉ viết giáo trình giảng dạy phi công, Việt Nam còn nâng cấp và kéo dài niên hạn sử dụng cho những tiêm kích hàng đầu Việt Nam.

Kéo dài niên hạn

Theo báo PK-KQ, Phân xưởng 6 thuộc Nhà máy A32 đã đạt được được những bước tiến vượt bậc trong việc sửa chữa và nâng cấp chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của Không quân Việt Nam.

"Phân xưởng 6 là nơi tổng lắp ráp, kiểm thử, bay thử cho máy bay Su-27. Ngoài ra, Phân xưởng còn sửa chữa cục bộ, tăng hạn sử dụng thay Foam (Chất chống cháy nổ thùng dầu của máy bay chiến đấu) và cơ động sửa chữa nắp buồng lái dòng máy bay Su cho các đơn vị", Đại úy, Kỹ sư Đinh Văn Hoan cho biết.

Hiện nay, đơn vị đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như máy kiểm tra lá hướng dòng động cơ Su-27; Chế tạo mới máy tạo áp thủy lực; Xe tháo lắp, bộ dụng cụ tháo lắp động cơ…

Việt Nam tự nâng cấp chiến đấu cơ.

Phân xưởng đã cùng với các đơn vị trong Nhà máy sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn sử dụng và bay thử thành công cho máy bay Su-27 số hiệu 8526; tăng hạn sử dụng cho 10 lượt máy bay Su-27; sửa chữa tăng cường cho hệ thống nhiên liệu trên 4 máy bay Su-30 và khắc phục nhiều hỏng hóc của các loại máy bay khác.

Việc kéo dài niên hạn sử dụng và nâng cấp thành công chiến đấu cơ thể hiện trình độ vượt bậc của Việt Nam, tuy nhiên nó không phải là điều bất ngờ bởi ngay từ năm 2016, trang tin quốc phòng VPK của Nga đã cho biết, Việt Nam sẽ tự sửa chữa và nâng cấp tiêm kích Su-27, Su-30 tại nhà máy mới ở Đà Nẵng.

Theo đó, Việt Nam đang xây dựng năng lực cho bảo trì, sửa chữa cơ bản các tiêm kích Su-27 và Su-30, để thoát khỏi việc gửi máy bay ra nước ngoài. Để thực hiện chương trình này, gần đây Việt Nam đã đưa vào hoạt động nhà máy quốc phòng A32 ở Đà Nẵng. "Việc tự sửa chữa nâng cấp máy bay trong nước sẽ làm tăng đáng kể mức độ sẵn sàng hoạt động của máy bay chiến đấu", nguồn tin khẳng định.

Tự viết giáo trình

Cùng với việc nâng cấp và sửa chưa, viết giáo trình huấn luyện bay cho phi công được coi là thành công vượt bậc của Việt Nam. Khoa Thiết bị hàng không, trường Sĩ quan không quân đã biên soạn nhiều tài liệu giảng dạy bay cho Su-30, Su-22M4...

Những năm gần đây ngoài việc lên lớp giảng dạy cho các đối tượng học viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa Thiết bị hàng không, Trường Sĩ quan Không quân luôn phát huy mạnh mẽ phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo của nhà trường.

Tính từ năm 2011 đến nay, khoa Thiết bị hàng không đã biên soạn, biên dịch hàng chục cuốn tài liệu Su 22-M4 và Su -30, nghiệm thu và đưa vào sử dụng 5 đề tài, sáng kiến cấp trường và Quân chủng, 2 đề tài cấp Bộ Tổng tham mưu. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã ra đời, giúp học viên được học tập sát với thực tế mà không phải tốn nhiều thời gian lên lớp.

Có thể kể một số thành tựu gồm: Mô phỏng thiết bị buồng lái máy bay L-39, mô phỏng hoạt động của hệ thống đồng hồ hộp màng, hoạt động của hệ thống đồng hồ chân trời…giúp cho học viên nắm chắc được cấu tạo và nguyên lý làm việc của các thiết bị một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Đặc biệt sáng kiến mô phỏng quá trình điều khiển hoạt động của hệ thống tự động lái CAY-22 trên máy bay Su-22M4 có tính ứng dụng và được đánh giá cao.

Có thể nói, những phong trào phát huy sáng tạo trong quá trình đào tạo, huấn luyện, sử dụng các phương tiện khí tài hiện đại đang ngày càng có nhiều thành công, góp phần đảm bảo việc làm chủ công nghệ hiện đại của quân đội Việt Nam nói chung.

Clip tiêm kích Su-30 Việt Nam bay huấn luyện

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/viet-nam-tu-nang-cap-viet-giao-trinh-day-bay-su-30-3329610/