Việt Nam tăng cường hợp tác với ITC nhằm hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xúc tiến thương mại và phát triển

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao ITC trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp MSME trong những năm qua, đặc biệt là hiện nay trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi xanh, tiếp cận thị trường nước ngoài và thúc đẩy thương mại.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneva phát biểu tại phiên họp lần thứ 57 Nhóm tư vấn chung của ITC, Geneva ngày 20/7. (Nguồn: ITU)

Phát biểu tại phiên họp lần thứ 57 Nhóm tư vấn chung của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tại Geneva ngày 20/7, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneva nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi xanh cũng như tiếp cận thị trường nước ngoài, thúc đẩy thương mại và mong muốn tăng cường hợp tác với ITC trong thời gian tới.

Phiên họp thường niên lần thứ 57 Nhóm tư vấn chung của ITC được tổ chức trực tiếp tại Geneva kết hợp với trực tuyến, có sự tham dự của đông đảo đại diện các nước thành viên và các tổ chức quốc tế tại Geneva nhằm mục đích rà soát các hoạt động của ITC năm 2022 và đưa ra khuyến nghị về hoạt động của ITC trong thời gian tới.

Giám đốc điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton phát biểu tại phiên họp lần thứ 57 Nhóm tư vấn chung của ITC, Geneva ngày 20/7. (Nguồn: ITC)

Phát biểu khai mạc, Giám đốc điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton điểm qua công tác của ITC năm 2022, trong đó ITC đã giải ngân hơn 150 triệu USD cho các dự án tại 130 quốc gia - mức cao nhất từ trước đến nay; các dự án của ITC giúp hơn 27.000 doanh nghiệp nhỏ cải thiện khả năng cạnh tranh, trong đó 10.000 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và Tổng thư ký Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan đã có phát biểu tại phiên họp, hoan nghênh thành tựu của ITC và vai trò của Giám đốc điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton, đồng thời khuyến nghị ITC tiếp tục triển khai Kế hoạch chiến lược 2022-2025, nhân rộng các dự án thành công trong thời gian tới, thúc đẩy thương mại toàn cầu hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala (người ở giữa) phát biểu tại Phiên họp lần thứ 57 Nhóm tư vấn chung của ITC, Geneva ngày 20/7. (Nguồn: ITC)

Phát biểu trực tiếp tại phiên họp, Tổng giám đốc WTO đã nhấn mạnh đánh giá cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ của ITC cho các nước, điển hình như tại Việt Nam và Nigeria, và khuyến khích ITC tiếp tục nhân rộng kinh nghiệm thành công từ những nước này; đồng thời nêu rõ, thương mại cần phải là một phần của giải pháp ứng phó với những thách thức toàn cầu chung, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, và các đối tác phải hợp tác chặt chẽ với nhau để huy động nguồn lực và mở rộng quy mô các dự án thành công nhằm phục vụ những đối tượng cần hỗ trợ nhất, bao gồm phụ nữ và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan phát biểu trực tuyến tại phiên họp lần thứ 57 Nhóm tư vấn chung của ITC, Geneva ngày 20/7. (Nguồn: ITC)

Phát biểu qua video ghi hình trước, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cũng ghi nhận những thành tựu của ITC và nêu bật những lĩnh vực ưu tiên cần quan tâm trong thời gian tới như đảm bảo cuộc cách mạng kỹ thuật số có lợi cho tất cả mọi người, bao gồm cả phụ nữ và người dân ở khu vực nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh; và tích hợp các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện các nước tài trợ phát biểu đánh giá cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của ITC và cam kết đáp ứng nhu cầu của đối tác, nhằm đảm bảo tăng trưởng toàn diện và bền vững. Về phía nước tiếp nhận hỗ trợ, đại diện nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của ITC và các nhà tài trợ thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật của ITC dành cho các nước đang và kém phát triển, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ITC trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao ITC trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp MSME trong những năm qua, đặc biệt là hiện nay trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi xanh, tiếp cận thị trường nước ngoài và thúc đẩy thương mại.

Đồng thời Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với ITC trong thời gian tới, trên cơ sở phát huy các thành tựu thương mại và phát triển của Việt Nam trong qua trình chuyển đổi từ một nước kém phát triển trở thành nước thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam đang tích cực triển khai chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt các xu hướng phát triển của thế giới và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050.

Vì vậy, việc Việt Nam cùng một số nước tham gia dự án mới của ITC mang tên “Năng lực cạnh tranh khí hậu: Tạo cơ hội trong nền kinh tế xanh cho các nước mới nổi và đang phát triển”, do EU tài trợ cho giai đoạn 2023-2026, sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam và các nước khác tham gia dự án có thể tranh thủ sự hỗ trợ trong việc điều chỉnh chính sách và thông lệ thương mại thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tham gia trong thảo luận về thương mại và môi trường tại WTO nhằm thúc đẩy thương mại và các mục tiêu phát triển bền vững.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng chia sẻ, trong thời gian tới, hy vọng ITC tiếp tục tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế chuyên ngành như WIPO, ITU và các tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp MSME, trong đó có các chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong thương mại, Sáng kiến trung tâm khu vực của ITC, nhằm tăng cường sự phối hợp khu vực và liên khu vực trong việc thực hiện các dự án và chương trình của ITC.

Là thành viên tích cực của ITC từ năm 2007, Việt Nam chân thành cảm ơn ITC và cộng đồng các nhà tài trợ đã dành cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp MSME của Việt Nam, cũng như sự phát triển quan hệ đối tác Việt Nam-ITC trong thực hiện một số dự án thí điểm của ITC.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (thứ 3 từ phải sang) và cán bộ Phái đoàn gặp làm việc với Giám đốc điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton (thứ 3 từ trái sang) và cán bộ của ITC, ngày 14/7 tại trụ sở ITC ở Geneva. (Nguồn: ITC)

Trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam tháng 9/2022, Giám đốc Điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton đã tận mắt chứng kiến thành quả của các dự án và các hoạt động hỗ trợ của ITC tại Việt Nam.

Trong buổi trao đổi với Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tại trụ sở của ITC ngày 14/7, Giám đốc điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton cho rằng, Việt Nam là “đối tác xuất sắc” của ITC trong việc thực hiện các dự án của ITC tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang tiếp cận với một số chương trình và dịch vụ do ITC hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu và xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, bao gồm Sáng kiến SheTrades, dự án Thương mại vì Phát triển bền vững, dự án Green2Compete...

Hiện nay ITC đang có 09 dự án triển khai tại Việt Nam, nhiều nhất trong số các nước ASEAN được nhận các dự án hỗ trợ của ITC.

Năm 2024, ITC và UNCTAD sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập và WTO sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13), Việt Nam tin tưởng rằng Kế hoạch chiến lược của ITC 2022-2025, cùng với tầm nhìn và cam kết của WTO và UNCTAD về khôi phục thương mại và phát triển quốc tế sẽ giúp thúc đẩy thương mại bao trùm, bền vững phục vụ phát triển trên thế giới.

Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) là cơ quan chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Liên hợp quốc thông qua Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) hoạt động cung cấp hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại cho các nước đang phát triển, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cải thiện khả năng cạnh tranh và sử dụng thương mại như một đòn bẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Thời gian qua, ITC thúc đẩy sáng kiến mới gọi là “Dịch vụ hỗ trợ thương mại toàn cầu” (Global Trade Helpdesk - GTH), thông qua trang web HelpMeTrade.org, cổng dịch vụ trực tuyến để các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách tiếp cận các dữ liệu thương mại và thông tin thực tế về thị trường xuất khẩu tiềm năng, kể cả dữ liệu về thuế suất, tiêu chuẩn và thủ tục về y tế và an toàn, chi tiết về thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như những mô thức và hiệp định thương mại hiện hành.

Ngoài ra, ITC tập trung vào hai trọng tâm là trao quyền kinh tế cho phụ nữ và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng như giúp các doanh nghiệp chuyển đổi sang nền KT xanh, thông qua Sáng kiến SheTrades (https://www.shetrades.com/en) và chương trình Thanh niên và Thương mại, hỗ trợ các nhà sản xuất khai thác tiềm năng của nền kinh tế xanh thông qua các quy trình sản xuất bền vững hơn, tương tác tốt hơn với nền kinh tế tuần hoàn và quảng bá các sản phẩm và dịch vụ xanh.

Với bốn trọng tâm “xanh, giới, thanh niên và số hóa” (green, gender, youth and digital), Kế hoạch chiến lược 2022-2025 của ITC tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) giảm thiểu tác động của đại dịch, hỗ trợ các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững cũng như xây dựng khả năng phục hồi trong môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi bằng cách tập trung vào đòn bẩy khu vực tư nhân, điều chỉnh để tổ chức lại chuỗi giá trị, đảm bảo thương mại bao trùm, bền vững và khả năng cạnh tranh xanh, số hóa, đổi mới, thương mại điện tử.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-tang-cuong-hop-tac-voi-itc-nham-ho-tro-doanh-nghiep-sieu-nho-nho-va-vua-xuc-tien-thuong-mai-va-phat-trien-236755.html