Việt Nam sở hữu loài hổ quý hiếm bậc nhất hành tinh

Hổ Đông Dương, được xem là một trong những loài hổ quý hiếm nhất thế giới, đang đối diện với tình trạng nguy cấp ở Việt Nam.

Sở hữu khí hậu nhiệt đới ẩm, kết hợp cùng điều kiện rừng núi hoang sơ, Việt Nam từng ghi nhận có rất nhiều hổ sinh sống trong tự nhiên.

Hổ Đông Dương quý hiếm có tên khoa học là Panthera tigris corbetti

Từ xa xưa, cha ông ta đã dành cho hổ vị trí linh thiêng, được tôn thờ. Qua những di vật khảo cổ, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình tượng hổ được điêu khắc trên tượng đá, hình tượng hổ trên binh khí, trên thạp đồng hay trong những bức tranh thờ nổi tiếng.

Điều này cho thấy hổ đã gắn liền với văn hóa của người Việt trong suốt hàng nghìn năm, và có ý nghĩa không thể thay thế.

Loài hổ quý hiếm này có tên khoa học là Panthera tigris corbetti và phân bố ở Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Tây Nam Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy không có dấu vết của Hổ Đông Dương ở Trung Quốc trong nhiều năm qua, gợi ra nghi ngờ về việc tuyệt chủng của chúng trong khu vực này.

Nhiều tài liệu cho rằng từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, hổ phân bố trải rộng ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Những nơi nổi tiếng nhiều hổ như Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Điện Biên), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, K'Bang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum)...

Trước đó, chỉ còn khoảng 100 con hổ hoang dã trong tự nhiên ở Việt Nam vào năm 2001, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn từ 24 đến 47 con vào năm 2011, và dưới 5 con vào năm 2016.

Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, đốt rừng để phát triển nông nghiệp, kết hợp với săn bắn trái phép đã khiến hổ mất môi trường sống nghiêm trọng.

Theo số liệu của tổ chức WWF vào năm 2016, Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất dự đoán, bởi tại thời điểm đó đã không còn ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).

Mặc dù có những báo cáo về việc bắt được một số con hổ hoang dã trong tự nhiên vào những năm trước đó, nhưng từ năm 1998 đến nay, không có hình ảnh nào được ghi nhận về hổ hoang dã ở Việt Nam.

Như vậy tính đến nay, loài hổ đã "biến mất" trong 24 năm. Cho đến nay chưa ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).

Bức ảnh cuối cùng ghi nhận 1 trong 17 con hổ Đông Dương còn sống ngoài tự nhiên ở Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) vào năm 1998.

Hổ Đông Dương giao phối quanh năm, nhưng thường xuyên nhất trong tháng 11 đến đầu tháng Tư. Sau một thời gian mang thai 3,5 tháng, khoảng 103 ngày, một con hổ cái có khả năng sinh bảy con. Tuy nhiên, trung bình một con cái sẽ chỉ sinh ba.

Tuổi thọ của chúng có thể dao động từ 15 đến 26 năm tùy thuộc vào các yếu tố như điều kiện sống và cho dù trong môi trường hoang dã hay bị giam cầm.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm ban hành một chính sách chuyên biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ, trong đó có quy định kiểm soát sinh sản đối với hoạt động nuôi nhốt nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép nào.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-ho-quy-hiem-bac-nhat-hanh-tinh-viet-nam-tu-hao-so-huu-a656508.html