Việt Nam sẽ mở rộng đàm phán các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Việt Nam có kế hoạch nghiên cứu ký thêm và tăng cường nâng cấp các FTA hiện tại như FTA liên quan đến ASEAN, mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng khả năng xuất khẩu, người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết.

Ảnh minh họa: VGP.

Thông tin tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 29/3, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bùi Huy Sơn cho biết, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trong quý đầu năm 2024 có sự khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình xuất nhập khẩu đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là từ khu vực kinh tế trong nước.

Xuất siêu 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý 1/2024 đã có những kết quả tích cực.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu mang về 34 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, cũng trong quý 1/2024, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 26,2%, tăng gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô (tăng 13,9%), cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Trong khuôn khổ cuộc họp, trả lời báo chí về hoạt động xuất khẩu trong quý 1/2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, kết quả xuất khẩu tích cực có được là nhờ các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính; Việt Nam tích cực thu hút đầu tư, cũng như đón các làn sóng dịch đầu tư nước ngoài.

Ông Hải đề cập đến hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết và cho biết, với 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia, cơ bản các thị trường có hiệu quả rất tốt và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các FTA.

"Ngoài ra, hiện có một số khu vực, địa bàn chưa có FTA như Trung Đông, Nam Á, châu Phi. Vì vậy, Bộ Công Thương đang nỗ lực tìm kiếm khả năng để tiến tới ký kết FTA, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới"

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Cũng theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, ngoài 16 FTA, hiện có 3 FTA Việt Nam đang đàm phán, đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); tham gia khuôn khổ đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada; FTA giữa Việt Nam và UAE hiện cũng đang trong giai đoạn nỗ lực kết thúc đàm phán sớm.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024, theo ông Trần Thanh Hải, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà Việt Nam đã ký kết và đi vào thực thi; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số; giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hóa; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.

Nhấn mạnh thêm về việc khai thác hiệu quả các thị trường mà Việt Nam đã có FTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm, ngoài việc tiếp tục mở rộng, nghiên cứu ký kết thêm các FTA, Việt Nam tiếp tục tăng cường nâng cấp các FTA hiện tại như FTA liên quan đến ASEAN, tiếp tục mở rộng thị trường, tận dụng tốt hơn các FTA hiện tại, khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA hiện tại, nâng cấp các FTA để mở rộng thị trường, gia tăng khả năng xuất khẩu của hàng Việt Nam.

"Bộ Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường," Thứ trưởng, Người phát ngôn Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân hứa.

Sản xuất công nghiệp: Một số địa phương có chỉ số IPP tăng 2-3 con số

Về tình hình sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1/2024 tăng ở 54/63 địa phương.

Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (IIP của Trà Vinh tăng 102,%; Khánh Hòa tăng 37%; Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hóa tăng 20%; Hà Nam tăng 17,2%; Quảng Ninh tăng 14%...).

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý 1/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: thép thanh, thép góc tăng 29,1%; thép cán tăng 24,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 23,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 21,8%; xăng dầu tăng 21,7%; phân ure tăng 14,4%; điện sản xuất tăng 11,4%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt (khí thiên nhiên) và điện thoại di động cùng giảm 13,3%; ô tô giảm 11,3%; ti vi giảm 11,1%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,0%; xe máy giảm 5,2%.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thu Thảo - Mekong ASEAN

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Thị trường hàng hóa tháng 3/2024 không có nhiều biến động, nguồn cung các hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá lợn hơi tăng nhẹ.

Tuy nhiên, do sau dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thị trường trong nước tháng 3 chỉ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 5,1%.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa quý 1/2024 ước đạt 1.190,3 tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%.

Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đều cho thấy kết quả rất khả quan trong quý 1/2024, tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong quý đầu năm 2024.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực nêu trên, tình hình phát triển ngành Công Thương trong quý 1/2024 còn hạn chế như chỉ số tồn kho sản phẩm chế biến, chế tạo có xu hướng tăng; thị trường trong nước tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường chính; đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào xuất khẩu còn hạn chế (28,1%).

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-se-mo-rong-dam-phan-cac-fta-ho-tro-doanh-nghiep-xuat-khau-post33184.html