Việt Nam phát thải nhà kính cao do công nghệ sản xuất lạc hậu

Việt Nam phát thải nhà kính cao hơn các nước phát triển cũng như đang phát triển trên thế giới, nguyên nhân do công nghệ, trình độ sản xuất nhỏ lẻ lạc hậu nên tiêu tốn năng lượng sản xuất hơn các nước khác.

Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm giảm phát thải khí CO2.

Trên đây là ý kiến của ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên- Môi trường) đưa ra tại hội thảo “Những thành tựu của IPCC và các hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức ngày 24- 10, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Việt Nam nhận thức rõ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững đất nước. Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện một số chiến lược và chính sách về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”.

Đề cập đến việc Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu mang lại, trong năm 2016 chúng ta đã chứng kiến nhiều hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra ở Việt Nam như: Triều cường, xâm nhập mặn, hạn hán và đặc biệt vừa qua là lũ lụt ở miền Trung. Trong bối cảnh này phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi hoặc nhóm các dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương nhất vì thế chúng ta cần phát huy nỗ lực cần thiết để giúp xây dựng khả năng chống chịu phục hồi”.

Bà Pratibha Mehta cũng cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm giảm phát thải khí CO2 cũng như cần phải đầu tư thêm các phương án về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời Việt Nam cũng cần kêu gọi thêm các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn quỹ cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu và có những giải pháp hỗ trợ và Báo cáo lần thứ 6 sẽ là cơ hội cho Việt Nam.

Hội thảo cũng đã trình bày kết quả của báo cáo AR5, đây là báo cáo góp phần quan trọng vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được thông qua vào tháng 12-2015. AR5 cũng nhận định rằng, thế giới có đủ khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu và xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn nhưng có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/viet-nam-phat-thai-nha-kinh-cao-do-cong-nghe-san-xuat-lac-hau.aspx