Việt Nam- Nhật Bản: Những người bạn song hành gần nửa thế kỷ

Trong làn sóng dịch lần thứ 4 vừa qua, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên quyên tặng vaccine COVID-19 cho Việt Nam. Tới nay, đã có hơn 4 triệu liều vaccine vận chuyển kịp thời về Việt Nam cùng với hỗ trợ hậu cần, dây chuyền lạnh.

Mới đây, cuộc họp trực tuyến "Hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giữa Việt Nam và Nhật Bản" đã được tổ chức bên lề Kỳ họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 72 diễn ra trực tuyến tại Himeji (Nhật Bản).

Cuộc họp trực tuyến song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản có sự góp mặt của TS Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, PGS. TS Trần Thị Giáng Hương - Giám đốc chương trình kiểm soát dịch bệnh WHO Tây Thái Bình Dương, GS. Hiroki Nakatani - cố vấn Viện nghiên cứu ASEAN và Đông Á (ERIA) ... cùng nhiều đại biểu từ hai nước Nhật Bản và Việt Nam.

Vai trò của Nhật Bản và Việt Nam ở khu vực WHO Tây Thái Bình Dương

TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương đã nhấn mạnh tới vai trò của Việt Nam và Nhật Bản ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

TS.Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương tại cuộc họp trực tuyến "Hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giữa Việt Nam và Nhật Bản" ngày 27/10.

TS.Takeshi Kasai cho biết, quay ngược trở lại cách đây 70 năm, vào năm 1951, khi đó Việt Nam là quốc gia duy nhất đã tích cực ủng hộ Nhật Bản gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau đó, Nhật Bản đã đóng vai trò tích cực trong cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản và Việt Nam là đối tác, những người bạn thực sự học hỏi lẫn nhau và hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức y tế của cả hai nước.

Hiện nay, hai nước cố gắng xây dựng nền tảng để chia sẻ tri thức, những tinh hoa trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả về học thuật và chuyên gia y tế nhằm mang lại hiệu ứng lan tỏa không chỉ ở hai nước mà còn trên toàn bộ khu vực châu Á, như kỳ vọng của WHO.

Người đứng đầu WHO Tây Thái Bình Dương cho biết hiện Nhật Bản đã lên kế hoạch tăng công suất tối đa vaccine COVID-19 sản xuất tại các nhà máy đặt tại nước này để cung cấp cho khu vực. Đồng thời, với việc Việt Nam nghiên cứu cũng như hợp tác với các đối tác khác sản xuất vaccine, ông bày tỏ hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành nhà cung cấp vaccine COVID-19 cho khu vực.

TS. Takeshi Kasai là người Nhật Bản. Trước khi đảm nhiệm vị trí Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, ông từng là Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam.

Chặng đường gần nửa thế kỷ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực y tế

Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn cảm ơn sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng như hợp tác của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Tiềm năng hợp tác y tế giữa Việt Nam và Nhật Bản bao gồm các bệnh không truyền nhiễm (NCD), già hóa dân số, ... Thứ trưởng cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại và hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện,...trong lĩnh vực y tế giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp trực tuyến "Hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giữa Việt Nam và Nhật Bản". Đây là sự kiện được tổ chức bên lề Kỳ họp 72 WHO Tây Thái Bình Dương.

Trong vòng 50 năm qua, hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển sâu sắc song hành cùng mối quan hệ toàn diện song phương.

Lịch sử hợp tác y tế giữa hai nước bắt đầu kể từ thập niên 1970 cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản dành cho Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện lớn nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Nhờ những dự án viện trợ nâng cấp và hỗ trợ kỹ thuật từ Nhật Bản, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát triển và là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Kể từ đầu những năm 1990, Nhật Bản tái khởi động viện trợ phát triển cho Việt Nam. Nhật Bản đã trở thành nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng. Những nét chính cho hoạt động hỗ trợ này bao gồm các dự án nâng cấp hệ thống y tế trong đó gồm Bệnh viện Việt - Nhật (trong dự án nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện TƯ Huế, BV tỉnh Hòa Bình, dự án sản xuất vaccine sởi và rubella ở POLIVAC, phòng thí nghiệm cấp độ 3 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ.

Một số hình ảnh về chặng đường hợp tác y tế Việt Nam-Nhật Bản

Những dự án trên đã góp phần nâng cấp, cải thiện dịch vụ y tế tại 3 bệnh viện lớn nhất thuộc 3 miền của Việt Nam và mở rộng sự hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện cấp tỉnh.

Sự hỗ trợ dành cho phòng thí nghiệm cấp độ 3 đã giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, bao gồm H5N1, H1N1 và SARS-CoV-2.

Đối với dự án sản xuất vaccine sởi và rubella với sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan hợp tác và phát triển quốc tế Nhật Bản), chuyển giao công nghệ từ Viện Kitasato và sự hỗ trợ kỹ thuật từ WHO, cho tới nay, Việt Nam đã có thể sản xuất vaccine sởi và rubella đạt tiêu chuẩn GMP của WHO để cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Tiềm năng của mô hình hợp tác song phương tại khu vực

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đã tặng vaccine cho Việt Nam. Hơn 4 triệu liều vaccine COVID-19 đã được vận chuyển tới Việt Nam cùng hỗ trợ hậu cần - hệ thống dây chuyền lạnh.

PGS. TS Trần Thị Giáng Hương - Giám đốc chương trình kiểm soát dịch bệnh WHO Tây Thái Bình Dương đánh giá cao về tiềm năng hợp tác y tế Việt Nam-Nhật Bản, một mô hình có thể nhân rộng ở khu vực.

Dựa trên mối quan hệ truyền thống và nền tảng hợp tác y tế vững chắc giữa hai nước xuyên suốt gần nửa thế kỷ qua, giờ là thời điểm để nâng mối quan hệ hợp tác này lên một tầm cao mới. Cơ hội để đẩy mạnh hợp tác cùng với sự tham gia của 3 trụ cột: Chính phủ hai nước, giới khoa học và ngành công nghiệp hai bên trong lĩnh vực y tế là phương hướng tuyệt vời cho mối quan hệ hợp tác toàn diện và hiệu quả song phương.

Nhiều viện nghiên cứu và trường đại học giữa hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác. Nhiều chuyên gia y tế và sinh viên y khoa Việt Nam đã được đào tạo tại Nhật Bản thông qua chương trình trao đổi, và nhiều dự án hợp tác chung đã được tiến hành.

Trường Đại học (ĐH) Nagasaki, ĐH Nagoya, ĐH Tokyo, ĐH Keio, ĐH Kyoto, Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, Viện Kitasato… đã thiết lập trao đổi hợp tác với Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP.HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, BV Việt Đức, BV 175,...

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia sản xuất tại Việt Nam và hy vọng thêm nhiều nhà đầu tư khác sẽ góp mặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam trong tương lai bao gồm khám chữa bệnh từ xa, vaccine và dược phẩm.

PGS. TS Trần Thị Giáng Hương - Giám đốc chương trình kiểm soát dịch bệnh WHO Tây Thái Bình Dương giới thiệu tiềm năng mô hình hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản dựa trên 3 trụ cột: sự tham gia của nhà nước (Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan 2 bên), giới khoa học và người dân (doanh nghiệp/nhà đầu tư) trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi (win-win colaboration). WHO hy vọng mô hình này có thể chia sẻ với các quốc gia khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Như TS. Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương đã chia sẻ, hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm bệnh không truyền nhiễm và già hóa dân số, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tác động của toàn cầu hóa và đô thị hóa lên sức khỏe, biến đổi khí hậu và sức khỏe môi trường,... Đầy là những ưu tiên chung đối với Tầm nhìn Tương lai mà WHO Tây Thái Bình Dương và các quốc gia thành viên cam kết giải quyết.

Cùng nhau, Việt Nam và Nhật Bản có thể giải quyết những thách thức chung mà cả hai quốc gia đang phải đối mặt. TS. Giáng Hương cho biết, điều này đồng nghĩa với việc hai nước chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn thành công. Việt Nam có thể học hỏi những sáng kiến đối mặt với già hóa dân số từ Nhật Bản, đặc biệt chuyển đổi xã hội để tạo ra các cộng đồng và xã hội thân thiện với người cao tuổi.

Việt Nam và Nhật Bản cũng có thể cùng nhau đổi mới hệ thống y tế để giải quyết gánh nặng của các bệnh không lây (NCD) thông qua ngăn ngừa, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các bệnh lý mạn tính trong suốt vòng đời của người dân.

TS. Giáng Hương cho biết: "Giải quyết các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, chúng ta có thể tiếp tục củng cố hợp tác giữa các viện/trường đại học và mở rộng hoạt động phòng thí nghiệm như giải trình tự gene để phát hiện sớm các mầm bệnh, nghiên cứu và phát triển về vaccine và sản phẩm y sinh học."

Với việc nâng tầm hợp tác song phương dựa trên mô hình hợp tác ở 3 cấp độ: sự lãnh đạo của Chính phủ ( sự hợp tác của Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan), giới khoa học (viện nghiên cứu/trường học/bệnh viện), và giới đầu tư/doanh nghiệp, hy vọng hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản sẽ trở thành một mô hình hợp tác hiệu quả để chia sẻ với các quốc gia khác trong khu vực.

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//viet-nam-nhat-ban-nhung-nguoi-ban-song-hanh-gan-nua-the-ky-169211029005242344.htm