Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải “Nobel Toán học”

(VnMedia) - Đúng như dự đoán của rất nhiều người, Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được xướng tên trong danh sách những người đoạt giải thưởng Fields danh giá tại lễ khai mạc Đại hội Toán học quốc tế (International Congress of Mathematics – ICM) năm 2010 đang diễn ra ở Hyderabad, Ấn Độ từ ngày 19 – 27/8. Giải thưởng Fields được ví như giải Nobel Toán học. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam nhận được giải thưởng Toán học cao quý nhất thế giới này và Việt Nam cũng vinh dự là nước Châu Á thứ hai sau Nhật Bản được đứng trong “bảng vàng” những nước hiếm hoi có giải Fields.

>> Ngô Bảo Châu đoạt Fields: Chỉ còn tính bằng giờ >> "Ngô Bảo Châu là một trong những nhà Toán học vĩ đại" >> Ngô Bảo Châu khích lệ giới trẻ làm khoa học cơ bản Tổng thống Ấn Độ trao giải Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu. Có thể nói, trong những ngày qua, người dân Việt Nam đã hồi hộp đếm từng ngày, từng giờ để chờ đón lễ khai mạc Đại hội ICM với hy vọng tràn trề được nghe cái tên Ngô Bảo Châu được xướng lên. Và Giáo sư Châu đã không làm họ thất vọng khi đem lại vinh dự và niềm tự hào lớn lao cho đất nước Việt Nam. Đại hội Toán học quốc tế (International Congress of Mathematics – ICM) năm 2010 đang được tổ chức tại Hyderabad, Ấn Độ từ ngày 19 – 27/8. Gần 3.000 nhà Toán học khắp thế giới đã về đây để tham dự đại hội này, trong đó có nhiều nhà Toán học Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Con gái Giáo sư Châu mặc áo dài đến dự lễ khai mạc ICM. Đại hội Toán học quốc tế tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần. Năm nay, có 20 báo cáo tại phiên toàn thể và 180 báo cáo tại các tiểu ban về nhiều lĩnh vực của Toán học. Những người ở lứa tuổi dưới 40 được mời tham gia trình bày báo cáo tại phiên toàn thể sẽ là những ứng viên cho giải thưởng Fields. Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong số ít những nhà toán học trẻ được mời đọc báo cáo tại phiên toàn thể năm nay. Trước đó, công trình nghiên cứu “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) của anh được tạp chí TIME danh tiếng bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học của năm 2009. Đây là 2 cơ sở khiến cho giới chuyên môn tin chắc rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ là người được vinh dự nhận giải Fields. Sở dĩ giải thưởng Fields được đánh giá là giải thưởng cao quý và danh giá nhất của giới Toán học thế giới là vì đây là giải thưởng rất khó đạt được. Những nước được gọi là cường quốc toán học như Đức mới đoạt được có một giải Fields trong khi hai cái nôi của toán học trong lịch sử là Ấn Độ và Trung Quốc thậm chí còn chưa từng có giải Fields nào. Ngoài ra, giải Fields 4 năm mới trao một lần, đòi hỏi người được giải phải có thành tích xuất sắc kéo dài trong 4 năm chứ không phải một năm như giải Nobel. Chính vì thế, người dân Việt Nam đang nức lòng trước tin Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải Fields. Nụ cười chiến thắng của Giáo sư Châu. Lúc này, các cư dân mạng đang bàn tán xôn xao về sự kiện đặc biệt này. Nhiều cư dân mạng cho biết họ đã xúc động đến rớt nước mắt khi chứng kiến hình ảnh Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao giải thưởng cao quý Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu. Nhiều người khác lại xúc động khi nhìn thấy nụ cười hiền hậu của anh khi lên nhận giải. Một cư dân mạng có nick là TokyoZero đã bình luận: “Tên anh đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Xin chúc mừng Hải đăng Ngô Bảo Châu”. Một nickname khác có tên là Eco thì viết: “Xúc động chảy nước mắt. Chúc mừng anh Châu và tất cả mọi người!!!”. Trong khi đó, nickname noibinhyenchimhot thì chỉ thốt lên được một câu: “Quá tự hào!” 3 người khác cùng nhận giải Fields với Giáo sư Ngô Bảo Châu là nhà toán học Israel Elon Lindenstrauss, nhà toán học Pháp Cedric Villani và nhà toán học người Thụy Sỹ gốc Nga Stanislav Smirnov. Giải Fields là giải thưởng cao nhất mà một nhà toán học mong muốn có được trong cuộc đời sự nghiệp của mình. Với giải thưởng này, Giáo sư Châu sẽ nhận được số tiền thưởng trị giá 15.000 USD. Vài nét về Giáo sư Ngô Bảo Châu Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh ngày 15/11/1972. Anh hiện đang công tác tại 3 cơ quan cùng lúc, gồm Viện nghiên cứu cao cấp IAS Princeton (Mỹ); Khoa toán Đại học tổng hợp Paris 11 và Viện toán học (Việt Nam). Ngô Bảo Châu có cha là một nhà vật lý và mẹ là một bác sĩ. Khả năng về toán học của Ngô Bảo Châu đã được bộc lộ từ rất sớm. Ngay khi đang còn là học sinh trung học, Ngô Bảo Châu đã gặt hái được những thành tích đáng nể về môn Toán học. Hai năm liên tiếp, năm 1988 và 1989, Ngô Bảo Châu đều đạt huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế và đều với số điểm tuyệt đối. Cậu học trò nhỏ Ngô Bảo Châu lúc bây giờ đã trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình và ngôi trường nơi anh học mà còn là niềm tự hào của Việt Nam. Từ năm 1990, Ngô Bảo Châu bắt đầu sang Paris theo đuổi sự nghiệp học tập vất vả nhưng là niềm đam mê to lớn của anh bằng một suất học bổng của chính phủ Pháp. Giáo sư Châu cùng mẹ và hai cô con gái. Năm 2004, anh đã một lần nữa đem lại niềm tự hào cho Việt Nam khi đoạt giải thưởng Clay cùng đồng nghiệp người Pháp Gerald Laumon. Khi ấy, anh là người Việt đầu tiên được Viện Toán học Clay vinh danh tại Đại học Harvard, bang Massachusetts (Mỹ) với công trình “Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita”. Giải thưởng Clay có từ năm 1999 và mới được trao cho 23 người. Người đầu tiên được trao giải Clay chính là A.Wiles - người đã chứng minh được Định lý cuối cùng của Ferma tồn tại hơn 300 năm. Từ năm 2004, Ngô Bảo Châu trở thành Giáo sư tại ĐHTH Paris 11 của Pháp và năm 2005 anh được Hội đồng học hàm Giáo sư nhà nước Việt Nam phong đặc cách giáo sư. Ngoài những giải thưởng trên, năm 2007, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được vinh dự nhận Giải thưởng Oberwolfach của Đức. Đây là giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ ở Châu Âu được trao 3 năm một lần. Cho đến nay mới chỉ có 8 nhà toán học được nhận giải thưởng này. Đặc biệt, năm 2009, công trình "Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie" (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009 với lời bình luận: "Giới Toán học thở phào nhẹ nhõm". Lý do là Giáo sư Ngô Bảo Châu đã giúp họ giải quyết một trong những thách thức lớn của giới Toán học trong suốt bao năm qua. Và trưa nay, Giáo sư Châu đã ghi tên mình vào lịch sử Toán học thế giới khi trở thành người Việt Nam đầu tiên và là người Châu Á thứ 4 nhận giải thưởng Fields cao quý. Giáo sư Châu đã có vợ và 3 con gái. Hải Yến

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=71&newsid=198774