Việt Nam 'không cầu toàn' với đặc khu

Sau Hội thảo mới đây nhất được Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức để lấy ý kiến về tổ chức chính quyền của Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (đặc khu), các chuyên gia lập pháp và pháp luật vẫn còn tranh cãi về thiết chế Trưởng Đặc khu và tính hợp hiến của phương thức tổ chức chính quyền này. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại có quan ngại khác.

Đó là khả năng cạnh tranh quốc tế và sức hấp dẫn của 3 đặc khu đang được Việt Nam xây dựng, bởi không phải cứ có môi trường thông thoáng hơn là nghiễm nhiên có nhà đầu tư. Bằng chứng là trên thế giới cũng đã có rất nhiều đặc khu thất bại – gần với Việt Nam nhất là khu Subic của Philippines.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, đại diện cho ban soạn thảo cũng đã nhấn mạnh: Các đặc khu thành công trên thế giới có 6 đặc trưng – trong đó có vấn đề vị trí chiến lược.

Mô hình mà Việt Nam nghiên cứu rất kỹ là Thẩm Quyến và Chu Hải (mới nhất là “đặc khu của đặc khu” Tiền Hải) của Trung Quốc – do tính tương đồng về thể chế chính trị và một số lý do khác, có lợi thế Việt Nam hoàn toàn không có là vị trí giáp với Hồng Kông và Đài Loan. Đây là 2 khu vực phát triển mạnh mẽ, có hạ tầng, có nhân lực, có thị trường. Vậy, các đặc khu của Việt Nam sẽ trông vào đâu?

Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt được mạnh dạn làm như một thể nghiệm chính sách.

Trả lời câu hỏi này của PV Báo Công an nhân dân, ông Trần Duy Đông “thừa nhận các đặc khu của Trung Quốc có lợi thế cạnh Hồng Kông, Đài Loan” và chỉ ra thị trường tiềm năng của các đặc khu Việt Nam.

“Vân Đồn với 3,5 giờ bay có thể tận dụng thị trường 3,4 tỷ dân và với bán kính lái ôtô 2,5 tiếng là tới được cả vùng Quảng Tây của Trung Quốc với dân số 300 triệu người, phát triển du lịch rất nhiều. Phú Quốc phải dựa vào ASEAN – là trung tâm của ASEAN, bán kính 2 giờ bay là tiếp cận được 500 triệu dân của Singapore. Vân Phong hiện có cảng nước sâu, đặc biệt khi có kênh Kra sẽ là một đường trung chuyển quốc tế” – ông Đông nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông Đông cho rằng, hiện Vân Phong lại rất lợi thế so với 2 đặc khu kia, vì còn đất.

“Phú Quốc chỉ ưu đãi cho phát triển dịch vụ du lịch, vì hiện chỉ còn khoảng 3.000ha đất, cùng với việc đưa nguyên vật liệu ra tốn chi phí lớn, nhưng Bắc Vân Phong hầu như còn hoang sơ để nhà đầu tư chiến lược vào khai thác”.

Ngoài vị trí chiến lược, thiết kế các cơ chế mềm cũng quyết định thành – bại của đặc khu, ở chỗ có thu hút được nhà đầu tư chiến lược hay không. Cũng cần nhớ rằng không chỉ Việt Nam có đặc khu, và những gì chúng ta cho là cơ chế “đặc biệt” thì các nước khác trên thế giới đã áp dụng từ lâu, như chính quyền 1 cửa, phân quyền mạnh cho trưởng đặc khu, hệ thống tư pháp riêng, ưu đãi thuế...

Thuyết minh về những ưu việt trong chính sách của Việt Nam, ông Trần Duy Đông cho biết: Qua so sánh với pháp luật các nước, có thể thấy Việt Nam có 9 điểm vượt trội, trong đó nhấn mạnh 3 điểm đặc biệt: Cơ chế chính sách về đầu tư (môi trường đầu tư thông thoáng hơn, cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài, cho phép giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài, rút ngắn ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rút ngắn thủ tục đầu tư từ 2 giấy xuống còn 1 giấy và thủ tục hành chính 1 cửa tại chỗ...).

Thứ hai là đặc thù về tổ chức bộ máy, được cho là rất đột phá, thể hiện rõ qua việc phân quyền rất mạnh cho trưởng đặc khu, không dựa vào trách nhiệm tập thể và chế độ Ủy ban mà trách nhiệm cá nhân của vị này. Thứ ba là hệ thống tư pháp hoàn toàn mới – tổ chức tòa án quy mô cấp huyện nhưng thẩm quyền như cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi: Tất cả những thiết kế đặc biệt đó có thuyết phục được các nhà đầu tư từ bỏ những đặc khu với nền tảng có sẵn và họ quen luật chơi để đến với một nơi hoàn toàn mới hay không, ông Trần Duy Đông thừa nhận: “Khó nhất hiện nay là luật ra đời có đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược hay không? Thì đây quay lại câu chuyện “quả trứng – con gà”.

Hiện nay chúng ta chưa có nhà đầu tư chiến lược nên có cơ chế mở cho Trưởng Đặc khu đàm phán và ta sẵn sàng sửa luật. Khi có luật, cũng có thể chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược ngay, nhưng một thời gian sau người ta có thể thấy mình có chỗ đất này đáp ứng yêu cầu, nhưng thể chế chưa đảm bảo, cần chỉnh sửa, ta sẵn sàng đàm phán.

Yếu tố quan trọng nhất là nhà đầu tư chiến lược, nhưng chúng ta vẫn phải đi đã, vẫn phải xây dựng luật” – ông Đông cho biết.

Ông Đông cũng nhấn mạnh thêm: “Ở luật này có 2 ẩn ý mà chúng tôi thuyết phục tất cả Chính phủ. Thứ nhất, ngành nghề kinh doanh ưu tiên phát triển phải do Thủ tướng điều chỉnh trong từng thời kỳ. Ví dụ Jeju (Hàn Quốc) – khu vực mà chúng ta nghiên cứu tương đối sâu, trong 10 năm họ sửa luật 6 lần. Do vậy, Thủ tướng phải rất nhanh. Luật này ra đời trước, chúng ta mạnh dạn thể nghiệm chính sách. Bộ Chính trị cũng thống nhất là cứ thử nghiệm rồi sẽ chỉnh sửa sau, còn không đi không bao giờ đến được”.

6 yếu tố làm nên thành công của các đặc khu

Theo tổng kết của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, có 6 yếu tố tất cả các đặc khu thành công đều có:

- Có luật điều chỉnh riêng.

- Có vị trí chiến lược: Gần cảng biển, sân bay, dễ tiếp cận với thế giới, gần khu vực đã phát triển kinh tế. Ví dụ đặc khu Thẩm Quyến, Chu Hải đều dựa vào Hồng Kông và Đài Loan; đặc khu Tiền Hải – thường gọi là “đặc khu của đặc khu”, nằm trong Thẩm Quyến với những chính sách ưu đãi rất vượt trội, cũng dựa vào Hồng Kông. Dù mới vào từ 2013 đã thu hút được hơn 44 tỷ USD đầu tư và hơn 100 doanh nghiệp top 500 của thế giới có chi nhánh ở Tiền Hải. Đặc khu của Malaysia hay Indonesia phát triển rất gần Singapore...

- Có chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng: Điển hình là 8 khu của Hàn Quốc (Pusan CN nặng; Jeju phát triển du lịch...) hay Nhật Bản có 6 vùng chiến lược với ngành nghề rõ ràng.

- Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; cho phép áp dụng luật nước ngoài, cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế, tổ chức cơ quan tư pháp đặc khu riêng, ưu đãi đầu tư...

- Hỗ trợ ban đầu của Chính phủ trong đầu tư hạ tầng thiết yếu.

- Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, giao thẩm quyền rất lớn cho Trưởng Đặc khu.

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/viet-nam-khong-cau-toan-voi-dac-khu-459456/